Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

Diễn giải khái niệm Hệ sinh thái khởi nghiệp

 28/01/2021  9199

Cù Phúc Thành

Viện Nghiên cứu Kinh tế & PTNNL, Trường ĐH Kinh tế & QTKD

Giới thiệu

Khởi nghiệp là một vấn đề "thời thượng" đang được hầu hết các nước trên thế giới hết sức quan tâm, trong đó có Việt Nam. Yếu tố then chốt quyết định sự nảy nở ra nhiều ý tưởng và dự án khởi nghiệp thành công là hệ sinh thái khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp có vai trò là môi trường gieo hạt giống và nuôi dưỡng, thúc đẩy khởi nghiệp phát triển. Do đó, để có thể hoạch định các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hữu hiệu thì trước hết cần phải nắm vững khái niệm Hệ sinh thái khởi nghiệp. Bài viết này giới thiệu hai khái niệm Hệ sinh thái khởi nghiệp nôi tiếng nhất trên thế giới là các khái niêm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC) và tổ chức Startup Commons của Phần Lan.

 

1. Khái niệm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

Khái niệm có tính chất bao trùm nhất về Hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan chức năng nhà nước là khái niệm được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC) chính thức sử dụng. Bên ngoài OEDC thì hầu hết các nước quan tâm đến phát triển khởi nghiệp cũng sử dụng khái niệm này nhằm mục địch làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Định nghĩa này do Giáo sư Colin Mason và Tiến sĩ Ross Brown đưa ra trong một hội thảo khoa học do OEDC tổ chức (Mason C., Brown R., 2013) [1]. Định nghĩa như sau:

Hệ sinh thái khởi nghiệp là một tập hợp gồm những tác nhân khởi nghiệp (tiềm năng hoặc hiện tại) có liên quan với nhau, các tổ chức (ví dụ các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần và các ngân hàng), các định chế (các trường đại học, các cơ quan chức năng nhà nước và các tổ chức tài chính), và các tiến trình khởi nghiệp (tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới, tỷ lệ doanh nghiệp tăng trưởng cao, số nhà khởi nghiệp liên tục, số nhà khởi nghiệp thành công vang dội, tham vọng khởi nghiệp và tinh thần kinh doanh lớn trong xã hội), các thành phần này chính thức và phi chính thức cộng hợp lại để kết nối với nhau, làm trung gian kết nối, và quản trị sự vận hành của tổng thể trong phạm vi môi trường khởi nghiệp địa phương.

Định  nghĩa nói trên có tính chất tổng thể và tương tác, tương tự như cách tiếp cận của các khái niệm cụm, vùng công nghiệp, vùng nhận biết... là những khái niệm định hình chính sách phát triển kinh tế. Điểm chung giữa khái niệm Hệ sinh thái khởi nghiệp của OEDC và các khái niệm vừa nêu là quan điểm cho rằng sự phát triển của một doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố bên trong doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào các mối quan hệ giữa doanh nghiệp đó với các bên liên quan bên ngoài. Điểm khác biệt của cách tiếp cận theo HSTKN là nhà khởi nghiệp được đặt vào vị trí trung tâm. Vì vậy điểm trọng tâm cần được phân tích là khả năng của môi trường địa phương có thể khuyến khích, ủng hộ các nhà khởi nghiệp có tham vọng như thế nào chứ không phải là vấn đề sáng tạo đổi mới hay phát triển kinh tế chung chung.

Cũng trong định nghĩa HSTKN của OEDC, các nhà khởi nghiệp được xác định là lực đẩy chủ chốt của HSTKN: i) những nhà khởi nghiệp thành công đầu tiên chính là những tác nhân kích hoạt khởi dậy một HSTKN lành mạnh tại địa phương; ii) các nhà khởi nghiệp là một trong số những nhóm người kết nối và thực hiện các giao dịch giúp cho các thành phần của HSTKN gắn kết với nhau; iii) các nhà khởi nghiệp là những nhân vật then chốt trong cộng đồng khởi nghiệp.

Theo định nghĩa HSTKN của OEDC và các ý kiến đồng thuận trong hội thảo khoa học nói trên thì vai trò của chính phủ đối với HSTKN được đặc biệt nhấn mạnh (OECD, 2013) [2]. Chính phủ có thể hỗ trợ HSTKN bằng cách tạo ra các điều kiện thuận lợi và lập ra các cơ quan hỗ trợ thích hợp ngay sau khi làn sóng khởi nghiệp đầu tiên đã làm hình thành cốt lõi ban đầu của HSTKN (OECD, 2013) [2]. Vai trò then chốt của chính phủ là hỗ trợ để mạng kết nối và các giao dịch kết nối tại cấp địa phương được hình thành và phát triển tốt, đồng thời thiết lập được một khung quy định các điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp tại cấp quốc gia (OECD, 2013) [2].

2. Khái niệm của Startup Commons

Khái niệm của Startup Commons (SC) của Phần Lan như sau (Startup Commons) [3]:

Một HSTKN được hình thành bởi những con người, những doanh nghiệp khởi nghiệp trong các giai đoạn phát triển khác nhau, và các loại tổ chức khác nhau trong một khu vực (địa lý hoặc không gian mạng), tương tác với nhau như một hệ thống để tạo nên các doanh nghiệp khởi nghiệp mới. Các tổ chức này có thể chia thành các nhóm như: trường đại học, tổ chức cung cấp vốn, tổ chức hỗ trợ (vườn ươm khởi nghiệp, tăng tốc khởi nghiệp, không gian làm việc chung, v.v…), tổ chức nghiên cứu, tổ chức cung cấp dịch vụ (như các dịch vụ pháp luật, tài chính, v.v…), và công ty lớn. Các tổ chức khác nhau tập trung chuyên biệt vào các chức năng khác nhau của HSTKN hoặc/và vào các giai đoạn phát triển khác nhau của các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cụ thể hơn, SC còn biểu diễn HSTKN không bao gồm nhà nước bằng sơ đồ trong Hình 1. Qua Hình 1 ta có thể thấy SC chia khái niệm HSTKN thành hai phần khác nhau: phần cốt lõi và phần nền tảng.

Hình 1: Các yếu tố cấu thành HSTKN

Nguồn: Startup Commons

2.1. Phần côt lõi của Hệ sinh thái khởi nghiệp

Phần cốt lõi của HSTKN bao gồm các tác nhân trực tiếp liên quan đến việc nảy sinh, ươm tạo ý tưởng khởi nghiệp và hiện thực hóa việc biến ý tưởng khởi nghiệp đó thành một hoạt động kinh doanh thực sự theo đúng mục tiêu và ý đồ thiết kế khởi nghiệp. HSTKN hiểu theo nghĩa hẹp này chính là phần “hạt nhân tinh hoa” của khởi nghiệp, quyết định phong trào khởi nghiệp có thành công hay không. Phần này là các tác nhân thể hiện trong lõi của vòng tròn lớn trong Hình 1; đây chính là phần “hạt nhân tinh hoa” của HSTKN vì có thành phần các nhà khởi nghiệp là các nhân vật trung tâm quyết định sự thành công của các dự án khởi nghiệp thực tế. Phần này bao gồm:

            - Trước hết, phải có ý tưởng khởi nghiệp. Mọi công trình mới đều có cội nguồn ban đầu là ý tưởng nên nếu không có ý tưởng thì không có cái gì mới xuất hiện trong hiện thực cả. Tuy nhiên, ý tưởng khởi nghiệp không phải là có thể tự dưng xuất hiện mà phải được dựa trên cơ sở thai nghén, ấp ủ từ các sáng chế và các công trình nghiên cứu nên các sáng chế và các công trình nghiên cứu là những vốn liếng “nguyên liệu” ban đầu vô cùng quan trọng.

            - Sau đó, phải có các nhà khởi nghiệp cá nhân, các nhà khởi nghiệp này chính là những người đã nảy sinh ra ý tưởng và đang trong các giai đoạn khởi nghiệp khác nhau; ví dụ: có thể đang trong giai đoạn thai nghén, ấp ủ ý tưởng; có thể đang trong giai đoạn phát triển ý tưởng; có thể đang trong giai đoạn thí nghiệm, thử nghiệm phát triển sản phẩm theo ý tưởng; có thể đang trong giai đoạn đã phát triển sản phẩm thành công rồi nhưng cần tìm mô hình sản xuất, kinh doanh tối ưu để có thể nhanh chóng và liên tục mở rộng quy mô, v.v… 

            - Công việc thí nghiệm, thử nghiệm phát triển sản phẩm theo ý tưởng bao giờ cũng rất tốn kém mà kinh phí tự có của nhà khởi nghiệp thường nhanh chóng cạn kiệt nên để có thể bảo đảm được công việc này thì cần phải có các nguồn ngân quỹ rất lớn. Tuy nhiên, vì ý tưởng khởi nghiệp là ý tưởng kinh doanh “kỳ quặc” chưa bao giờ từng có trước đó, chứa đầy rủi ro nên thường khiến các nhà đầu tư, kể cả là các nhà đầu tư mạo hiểm, không đánh giá được triển vọng thành công, do đó họ ngần ngại đầu tư. Trong khi đó, những nhà khởi nghiệp lại thường là những người không có kinh nghiệm, thời gian và uy tín để kêu gọi vốn đầu tư. Nhà nước hoặc các tổ chức phi lợi nhuận cũng có thể hỗ trợ kinh phí cho nhà khởi nghiệp nhưng các khoản tiền đó bao giờ cũng rất ít ỏi so với nhu cầu thí nghiệm thử nghiệm. Trong trường hợp này cần phải có những nhà kinh doanh mạo hiểm - những người chuyên nghiệp trong việc tìm kiếm và thực thi những cơ hội kinh doanh tiềm ẩn, đầy triển vọng thành công nhưng đầy khó khăn gian khổ mà hầu hết những nhà kinh doanh thông thường không nhìn thấy hoặc không dám mạo hiểm kinh doanh. Những nhà kinh doanh mạo hiểm sẽ xem xét ý tưởng và phương án kinh doanh của nhà khởi nghiệp, nếu thấy có triển vọng lớn thì họ sẽ hùn vốn đầu tư để trở thành đồng chủ sở hữu và trực tiếp cùng tham gia tiến trình khởi nghiệp. Vốn đầu tư của nhà kinh doanh mạo hiểm giúp cho tiến trình khởi nghiệp được thành công trong giai đoạn ban đầu.

            - Nhà khởi nghiệp không thể một mình đơn độc phát triển sản phẩm và tìm ra mô hình kinh doanh. Chỉ riêng công việc thí nghiệm, thử nghiệm đã cần phải có các cộng sự khác cùng phối hợp tham gia. Thêm vào đó, công việc kinh doanh ngoài yếu tố kỹ thuật, công nghệ, mô hình sản xuất thì còn phải tuân thủ các quy định pháp lý, các quy định kế toán, triển khai các chiến dịch Logistics và Marketing, v.v… Những điều này cho thấy nhà khởi nghiệp phải kêu gọi một nhóm cộng sự là những người có các chuyên ngành khác nhau nhưng đều cần thiết cho công việc phát triển sản phẩm và kinh doanh. Vì vậy, trực tiếp tham gia tiến trình khởi nghiệp còn có nhóm khởi nghiệp.

            - Khi các nhà kinh doanh mạo hiểm đã đầu tư và cùng tham gia tiến trình khởi nghiệp thì tiến trình này sẽ tiến tới những giai đoạn mới (chẳng hạn, cần phải mở rộng sản xuất hàng loạt lên quy mô rất lớn). Những giai đoạn mới này càng đòi hỏi phải có kinh phí hoạt động lớn hơn nữa mà vốn đầu tư của nhà kinh doanh mạo hiểm cũng không đủ đáp ứng. Khi ấy, một mặt triển vọng thành công của tiến trình khởi nghiệp đã hé lộ rõ và đã thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư mạo hiểm; mặt khác, với kinh nghiệm và uy tín của mình, nhà kinh doanh mạo hiểm trong nhóm khởi nghiệp sẽ kêu gọi được các nhà đầu tư khác cùng tham gia góp vốn. Vốn của các nhà đầu tư là nhân tố quyết định để bảo đảm phương tiện vật chất cho việc triển khai tiến trình khởi nghiệp trong giai đoạn cuối.

            - Thông thường thì nhà khởi nghiệp và nhóm khởi nghiệp, mặc dù có đầy năng lực sáng tạo nhưng vẫn thường xuyên vấp phải những sai lầm không đáng có, rất thường khi có thể nghiêm trọng tới mức gây ra đổ vỡ hoàn toàn công trình khởi nghiệp. Để tránh điều đáng tiếc này xảy ra, nhà khởi nghiệp và nhóm khởi nghiệp phải cần đến sự hướng dẫn của các huấn luyện viên khởi nghiệp. Các huấn luyện viên khởi nghiệp là các bậc thầy truyền nghề khởi nghiệp, họ thường là những người đã từng khởi nghiệp thành công và sau đó chuyển sang sống bằng nghề huấn luyện khởi nghiệp. Với kinh nghiệm dày dặn của mình, họ nắm được các “bí quyết” khởi nghiệp; khi nhóm khởi nghiệp tìm đến sự giúp đỡ của họ, họ sẽ nhanh chóng nắm bắt được ý tưởng của nhóm và hướng dẫn nhóm tiến tới thành công bằng con đường nhanh nhất, hạn chế được nhiều rào cản nhất. Sự tham gia của huấn luyện viên khởi nghiệp rõ ràng là cũng có tác động trực tiếp đến việc hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

            - Huấn luyện viên khởi nghiệp là những bậc thầy đào tạo khởi nghiệp chuyên sâu nhưng chỉ có phạm vi chuyên môn hẹp, thường là chỉ liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất chứ không đảm đương được những vấn đề có phạm vi rộng lớn hơn như kết nối với các đối tác khởi nghiệp khác; lựa chọn nền tảng phân phối sản phẩm, v.v… Nhà cố vấn khởi nghiệp chính là người có vai trò tư vấn trong những vấn đề thuộc những lĩnh vực đó.

            - Bên cạnh sự hùn vốn và trực tiếp tham gia tiến trình khởi nghiệp của các nhà kinh doanh mạo hiểm chuyên nghiệp có thể có những nhà kinh doanh mạo hiểm khác, tuy không chuyên nghiệp nhưng cũng quan tâm tìm kiếm những cơ hội kinh doanh độc đáo. Họ cũng có thể tham gia vào tiến trình khởi nghiệp.

            - Ngoài các tác nhân đã nêu trên, còn có thể có những tổ chức và cá nhân khác nhau có liên quan tới tiến trình khởi nghiệp.

2.2. Phần nền tảng của Hệ sinh thái khởi nghiệp

Trong HSTKN ngoài phần cốt lõi đã nêu trên còn có các định chế khác, tuy không trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm và xây dựng mô hình kinh doanh nhưng có vai trò là những tác nhân tạo lập môi trường khởi nghiệp và những phương tiện hỗ trợ khởi nghiệp cực kỳ quan trọng mà thiếu chúng thì nhà khởi nghiệp và nhóm khởi nghiệp rất khó thành công. Đó chính là những tác nhân nằm ở vòng ngoài, xung quanh “hạt nhân tinh hoa” của HSTKN trong Hình 1 làm nên nền tảng vĩ mô cho các hoạt động khởi nghiệp. Phần này bao gồm:

            - Các tổ chức hỗ trợ bao gồm hàng loạt hình thức hỗ trợ khác nhau từ vườn ươm khởi nghiệp đến cung cấp không gian văn phòng, xưởng làm việc chung cho đến các chương trình tăng tốc khởi nghiệp với những khóa đào tạo chính quy (Deeb G., 2017) [4]. Mục đích cốt lõi là tạo điều kiện cho các nhà khởi nghiệp học hỏi lẫn nhau khi giao lưu trực tiếp với nhau (Deeb G., 2017) [4]. Ý tưởng và phương pháp làm việc chỉ có thể được nảy sinh ra trong một môi trường có nhiều bộ óc sáng tạo cọ sát, tiếp xúc, trao đổi với nhau, bắt chước, học tập lẫn nhau nên các tổ chức hỗ trợ có vai trò tối quan trọng trong việc làm nảy sinh ý tưởng và cách thức biến ý tưởng thành hiện thực.

            - Các công ty lớn đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, có thể đóng vai trò là nhà đầu tư, có thể đóng vai trò là khách hàng của doanh nghiệp khởi nghiệp (Deeb G., 2017) [4], cả hai vai trò đều có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Công ty lớn nhiều khi không tự sáng chế ra được công nghệ riêng để bảo đảm lợi thế cạnh tranh và một trong các giải pháp thay thế là mua công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp (Deeb G., 2017) [4]. Nhiều công ty lớn thực hiện nghiên cứu phát triển, cán bộ nghiên cứu có thể rời công ty để thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp riêng nên công ty lớn cũng là nguồn cung cấp kiến thức và đào tạo con người cho doanh nghiệp khởi nghiệp (Deeb G., 2017) [4].

            - Trường đại học thường xuyên tiến hành các công trình nghiên cứu lớn nên là nguồn cung cấp kiến thức, ý tưởng khởi nghiệp lớn nhất của xã hội (Deeb G., 2017) [4]. Nhiều cán bộ nghiên cứu của trường đại học xin thôi việc và thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng của họ nên trường đại học còn là nguồn cung cấp nhân các nhà khởi nghiệp cho HSTKN (Deeb G., 2017) [4].

            - Nhu cầu về vốn nổi lên như một vấn đề cấp bách, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp khởi nghiệp nên các tổ chức cung cấp vốn như các quỹ đầu tư, các ngân hàng có vai trò cực kỳ quan trọng. Đây là những nguồn cung cấp phương tiện bảo đảm hoạt động vật chất cho khởi nghiệp, là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

            - Tuy trong nhóm khởi nghiệp đã có những người có chuyên môn về pháp luật, kế toán, tuyển dụng lao động… nhưng trong tiến trình khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ phải đối mặt với những vấn đề pháp lý, kế toán, tài chính, sử dụng lao động… có phạm vi tác động rất rộng lớn và vô cùng phức tạp, vượt quá xa khả năng chuyên môn của những thành viên trong nhóm khởi nghiệp. Khi ấy, doanh nghiệp khởi nghiệp phải cần đến các công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp trên thị trường như luật sư, kế toán, ngân hàng, nhà tuyển dụng lao động, chuyên gia cố vấn và nhân viên tư vấn. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ cũng có vai trò quan trọng trong việc giúp cho quá trình khởi nghiệp thành công (Deeb G., 2017) [4].

            - Các tổ chức nghiên cứu cũng là các nguồn kiến thức, ý tưởng khởi nghiệp và đào tạo nhân lực khởi nghiệp cho xã hội tương tự như các trường đại học.

2.3. Mối quan hệ giữa phần cốt lõi và phân nền tảng của Hệ sinh thái khởi nghiệp

Phần cốt lõi của HSTKN có vai trò trực tiếp triển khai, tiến hành các dự án khởi nghiệp thực tế và quyết định sự thành công của phong trào khởi nghiệp. Có thể nói, yếu tố then chốt bảo đảm một HSTKN có thành công hay không trước hết phụ thuộc vào việc trong HSTKN đó có nhiều nhà khởi nghiệp cá nhân có tài năng hay không, sau đó là phụ thuộc vào việc có các nhà kinh doanh mạo hiểm hoặc các nhà đầu tư mạo hiểm dám bỏ vốn đầu tư lớn cho những hoạt động kinh doanh đầy rủi ro hay không, sau đó nữa là phụ thuộc vào việc có những nhà khởi nghiệp dày dặn kinh nghiệm để hướng dẫn những người non trẻ hay không, sau đó là đến các tác nhân khác trực tiếp tham gia vào tiến trình khởi nghiệp.

Tuy nhiên, xét trong dài hạn thì phần nền tảng của HSTKN mới là các tác nhân tạo ra môi trường vĩ mô cho khởi nghiệp nảy nở. Cụ thể, các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu là nguồn cung cấp các kiến thức và công nghệ nền tảng, trên cơ sở đó các nhà khởi nghiệp mới có “nguyên liệu” để “chế biến, sản xuất” ra các ý tưởng ứng dụng cụ thể và thương mại hóa công nghệ. Các trường đại học còn là nguồn đào tạo nhân lực có đủ năng lực cho khởi nghiệp. Các công ty lớn bảo đảm có khác hàng lớn thường trực cho sản phẩm khởi nghiệp, nếu không có các khách hàng này thì nhà khởi nghiệp không thể mở rộng quy mô kinh doanh. Các tổ chức cung cấp vốn giúp cho việc trang bị phương tiện vật chất cho hoạt động khởi nghiệp có thể khả thi. Phần nền tảng còn cung cấp phương tiện làm việc, các dịch vụ cần thiết không những giúp cho hoạt động khởi nghiệp được tiến hành dễ dàng, thuân lợi hơn rất nhiều mà còn giúp tạo ra một môi trường xã hội “thấm đẫm” tinh thần khởi nghiệp, không khí khởi nghiệp, v.v… qua đó càng thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp của một địa phương hay một quốc gia.

Có thể nói, bên cạnh vai trò tuyên truyền, kích thích, hỗ trợ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của nhà nước thì vai trò tạo môi trường vĩ mô của các định chế ngoài nhà nước trong phần nền tảng của HSTKN là vô cùng quan trọng. Chính phần này có vai trò quyết định trong việc tạo “vùng đất màu mỡ” để làm nảy nở các ý tưởng khởi nghiệp và các nhà khởi nghiệp tài năng, các phong trào khởi nghiệp sôi nổi và cuối cùng là sự thành công của HSTKN. Ví dụ, trong một môi trường không hề có giáo dục đại học, không hề có những người có trình độ đại học thì không thể nào sản sinh ra những người có đủ năng lực để khởi nghiệp sáng tạo. Hoặc trong một môi trường không hề có khách hàng cho sản phẩm khởi nghiệp thì dù có hiện thực hóa được một ý tưởng khởi nghiệp đầy tiềm năng nhưng nhà khởi nghiệp cũng không thể lên tới được đỉnh cao đáng lý ra phải có. Do đó, khi đánh giá tác động của các nhân tố trong HSTKN đến khởi nghiệp thì trước hết chúng ta phải xem xét đến các nhân tố thuộc phần nền tảng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Mason C., Brown R., 2013. Entrepreneurial Ecosystems and Growth-oriented Entrepreneurship, Background paper prepared for the workshop organised by the OECD LEED Programme and the Dutch Ministry of Economic Affairs on Entrepreneurial Ecosystems and Growth Oriented Entrepreneurship, the Hague, 2013. Truy cập ngày 18/08/2018, https://www.oecd.org/cfe/leed/Entrepreneurial-ecosystems.pdf

OEDC, 2013. Entrepreneurial Ecosystems and Growth-oriented Entrepreneurship, Summary Report of an International Workshop Organised by the OECD and the Netherlands Ministry of Economic Affairs, the Hague, 2013. Truy cập ngày 18/08/2018, https://www.oecd.org/employment/leed/INTERNATIONAL%20ECOSYSTEM%20WORKSHOP_SUMMARY%20REPORT.pdf

Startup Commons. Startup Ecosystem, Website Startup Commons. Truy cập ngày 18/08/2018, http://www.startupcommons.org/what-is-startup-ecosystem.html

Deeb G., 2017. How to Build a Startup Ecosystem, Entrepreneur Asia Pacific. Truy cập ngày 20/08/2018, https://www.entrepreneur.com/article/302488


BÀI VIẾT LIÊN QUAN