Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

LÝ LUẬN CỦA THẾ GIỚI VỀ HỢP TÁC XÃ

 30/01/2021  2655

TS. Nguyễn Quang Hợp

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế & PTNNL, Trường ĐH Kinh tế & QTKD, ĐHTN

 

1          Định nghĩa Hợp tác xã

Theo định nghĩa của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA – International Co-operative Alliance) được thế giới chính thức công nhận thì:

 Hợp tác xã là một hiệp hội tự quản gồm những người tự nguyện tham gia nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng kinh tế, xã hội và văn hóa chung của các thành viên thông qua một tổ chức kinh doanh thuộc sở hữu tập thể của họ [14].

Hợp tác xã (HTX) có thể bao gồm: các tổ chức kinh doanh hàng tiêu dùng do chính khách hàng là những người sở hữu và quản lý (HTX của người tiêu dùng); các tổ chức sản xuất được sở hữu và quản lý bởi chính những công nhân làm việc ở đó (HTX sản xuất hay HTX công nhân); và nhiều hình thức khác. Một nghiên cứu của Viện Worldwatch cho biết vào năm 2012, khoảng một tỷ người ở 96 quốc gia là thành viên của ít nhất một HTX [26]. Doanh thu năm 2019 của ba trăm HTX lớn nhất thế giới đạt 2,2 nghìn tỷ USD [13]. Các HTX thường có các mục tiêu xã hội chứ không phải chỉ có mục tiêu lợi nhuận, mục tiêu này được thực hiện bằng cách đầu tư một phần lợi nhuận kinh doanh trở lại vào cộng đồng của họ [21].

2          Nguồn gốc hình thành và lịch sử phát triển của HTX

Ở châu Âu sau thời phong kiến đã xuất hiện sự hợp tác giữa người lao động và chủ sở hữu tư liệu sản xuất dưới hình thức các thỏa thuận “chia sẻ lợi nhuận” và “chia sẻ sản phẩm thặng dư” [12]. Khi Đế quốc Anh rà soát các đạo luật về người nghèo và bác bỏ nguyên tắc từ thiện trong chính sách phúc lợi, một phong trào sâu rộng đã dấy lên trong các hiệp hội chủ trương thân ái của toàn Đế quốc Anh kêu gọi các tầng lớp lao động hợp tác, cam kết tương hỗ giúp đỡ lẫn nhau để tự bảo đảm phúc lợi cho mình, phong trào này chính là nguồn gốc ban đầu để hình thành các HTX sau này [12]. Năm 1810, tại miền trung xứ Wales của nước Anh, Robert Owen và cộng sự đã mua một xưởng xay sát lúa mì và tại đây, ông đã cải tiến một số tiêu chuẩn lao động trong đó có bao gồm việc mở những của hàng bán lẻ giảm giá dành cho công nhân của mình, Owen chính là một trong những người đi tiên phong trong phong trào HTX [12].

Năm 1844, một nhóm 28 thợ dệt và thợ thủ công khác ở Rochdale, Vương quốc Anh lập ra Hiệp hội Tiên phong Bình đẳng Rochdale (Rochdale Society of Equitable Pioneers – RSEP) hoạt động theo nguyên tắc gọi là Nguyên tắc Rochdale để mở cửa hàng thực phẩm dành riêng cho các thành viên trong Hiệp hội [12]. Nhờ tập hợp nhu cầu thực phẩm của tất cả các thành viên mà khối lượng mua trở thành lớn hơn, có sức mặc cả mạnh hơn nên giá mua từ nhà cung cấp thực phẩm trở nên rẻ hơn. Do đó, họ bán lại cho các thành viên của Hiệp hội với mức giá thấp, giúp cho từng thành viên có thể mua được những mặt hàng thực phẩm đắt tiền mà trước đó họ không thể mua được. Hiệp hội này tuy chưa phải là HTX nhưng một số hoạt động của nó có tính chất HTX và là những hoạt động có tính HTX thành công đầu tiên. Trong vòng 10 năm sau khi Hiệp hội Tiên phong Bình đẳng Rochdale ra đời, ở nước Anh đã xuất hiện hàng ngàn hiệp hội tương tự, các hiệp hội này được gọi là các Hiệp hội Thân ái (Friendly Society) [12].

Trên cơ sở mẫu hình tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Hiệp hội Tiên phong Bình đẳng Rochdale và các Hiệp hội Thân ái ở Anh, năm 1845 Samuel Jurkovič – nhà hoạt động xã hội của Slovakia – sáng lập ra các HTX hiện đại đầu tiên của Slovakia và cũng là của châu Âu và thế giới [9]. Trong suốt nửa sau của Thế kỷ 19 có sự gia tăng số lượng các HTX, cả trong thương mại lẫn trong các lĩnh vực dân sự, các HTX này ra đời để thúc đẩy nguyên tắc chính trị dân chủ và phổ thông quyền [23]. Các Hiệp hội Thân ái và các HTX  tiêu dùng đã trở thành các hình thức tổ chức phổ biến nhất của người lao động làm việc trong xã hội công nghiệp Anh trước khi có các tổ chức công đoàn và các xí nghiệp công nghiệp [30]. Theo Weinbren, vào cuối Thế kỷ 19, hơn 80% đàn ông trong độ tuổi lao động ở Anh và 90% đàn ông trong độ tuổi lao động ở Úc là thành viên của một hoặc nhiều Hiệp hội Thân ái [22]. Từ giữa Thế kỷ 19, các tổ chức chủ trương tương hỗ đã đeo bám ý tưởng về nguyên tắc một doanh nghiệp hoặc một hiệp hội nên được sở hữu và kiểm soát bởi những người mà nó phục vụ và chia sẻ mọi khoản thặng dư trên cơ sở sự đóng góp của mỗi thành viên, không phân biệt sự đóng góp đó là tư liệu sản xuất hay lao động, chứ không phải là khả năng đầu tư vốn tài chính của họ [22].

Phong trào HTX ngày càng lớn mạnh và đã vượt qua phạm vi quốc gia để trở thành các tổ chức quốc tế. Tổ chức ICA – Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (International Co-operative Alliance) được thành lập năm 1895 tại London, Anh. Đại hội lần thứ nhất của ICA có sự tham dự của các đại biểu từ các HTX của Argentina, Úc, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Ý, Thụy Sĩ, Serbia và Hoa Kỳ [15]. ICA là một liên minh HTX đại diện cho các HTX và phong trào HTX trên toàn thế giới. ICA duy trì định nghĩa được quốc tế công nhận về HTX (đã giới thiệu ở trên) trong Tuyên bố Bản sắc HTX. ICA đại diện cho 313 liên đoàn và tổ chức HTX ở 109 quốc gia. ICA cung cấp tiếng nói và diễn đàn toàn cầu về kiến ​​thức, chuyên môn và hành động phối hợp của các HTX. Các thành viên của ICA là các tổ chức HTX quốc tế và quốc gia thuộc tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm nông nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng, thủy sản, y tế, nhà ở, bảo hiểm và công nhân. ICA đại diện cho gần một tỷ người trên toàn thế giới, khoảng một trăm triệu người làm việc cho các hợp tác xã trên toàn cầu [15].

3          Các yếu tố nhận diện HTX

Một tổ chức HTX được nhận diện qua nguyên tắc hoạt động và tư cách pháp nhân.

3.1       Nguyên tắc hoạt động

Nguyên tắc hoạt động của HTX tuân theo Nguyên tắc Rochdale [14], bao gồm các nguyên tắc cụ thể sau đây:

  1. Các thành viên tự nguyện tham gia và mở của cho những người muốn trở thành thành viên mới.
  2. Chế độ quản trị dân chủ với quyền biểu quyết bình đẳng giữa các thành viên.
  3. Có sự đóng góp về kinh tế của mỗi thành viên.
  4. Có chế độ tự quản và hoạt động độc lập.
  5. Có chức năng giáo dục, đào tạo và thông tin.
  6. Có sự hợp tác giữa các HTX.
  7. Có trách nhiệm đối với cộng đồng.

3.2       Tư cách pháp nhân

Hợp tác xã là một thực thể pháp lý có tư cách pháp nhân được sở hữu và quản trị một cách dân chủ bởi các thành viên. Các thành viên thường có mối liên hệ chặt chẽ với HTX với tư cách là người sản xuất hoặc người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của HTX hoặc là nhân viên của HTX [16]. Tư cách thành viên của HTX có tính chất mở, nghĩa là bất cứ ai thỏa mãn một số điều kiện nhất định nào đó cũng đều có thể tham gia. Lợi ích kinh tế của HTX được phân phối theo tỷ lệ tương ứng với mức độ tham gia của mỗi thành viên. Điểm khác biệt của HTX với các loại hình doanh nghiệp là ở chỗ, trong khi mục tiêu tối cao của doanh nghiệp hoàn toàn chỉ là lợi nhuận thì mục tiêu tối cao của HTX lại là bảo đảm lợi ích cộng đồng, mục tiêu lợi nhuận chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu lợi ích cộng đồng [14].

4          Tính bền vững của HTX

Các bằng chứng ở châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy HTX có tính bền vững cao hơn hẳn so với các loại hình doanh nghiệp thông thường.

Theo 2 tác giả Claudia Sanchez BajoBruno Roelants trong tác phẩm “Vốn và Bẫy nợ” (Capital and Debt Trap) thì các HTX có xu hướng tồn tại lâu hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác, và do đó có mức độ bền vững lớn hơn [3]. Khả năng tồn tại bền bỉ của HTX được cho là do cách chia sẻ rủi ro và chia sẻ thành quả giữa các thành viên HTX, cách khai thác ý tưởng của nhiều người và cách các thành viên có cổ phần sở hữu hữu hình trong HTX [3]. Ngoài ra, các HTX hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đã được xây dựng theo cách có bộ đệm chống khủng hoảng chu kỳ nên đã hoạt động tốt trong trường hợp khủng hoảng xảy ra nên ít đưa các thành viên và khách hàng đi theo hướng sa vào bẫy nợ hơn [3]. Điều này được giải thích là do chế độ quản trị dân chủ của HTX đã có tác dụng ngăn ngừa các xu hướng sai lạc thúc đẩy hình thành bong bóng kinh tế [3].

Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO – International Labour Organization) kết luận rằng ở châu Âu các HTX ngân hàng đã hoạt động tốt hơn các đối thủ cạnh tranh trong khủng hoảng tài chính 2007-2008 [5]. Các HTX ngân hàng chiếm 20% thị phần của ngành ngân hàng châu Âu, nhưng chỉ chiếm 7% trong tổng số các khoản ghi giảm và lỗ giữa quý 3 năm 2007 và quý 1 năm 2011. Các HTX ngân hàng cũng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay nhiều hơn các doanh nghiệp ngân hàng ở tất cả 10 quốc gia nêu trong báo cáo [5]. Một báo cáo năm 2013 do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (UK Office for National Statistics) công bố cho thấy: ở Anh, tỷ lệ sống sót của các hợp tác xã sau 5 năm là 80% so với chỉ 41% đối với tất cả các doanh nghiệp khác; tỷ lệ sống sót của các hợp tác xã sau 10 năm là 44% so với chỉ 20% đối các doanh nghiệp khác; ở Pháp và Tây Ban Nha, các HTX công nhân và HTX xã hội đã vững vàng hơn các doanh nghiệp thông thường trong khủng hoảng kinh tế [8].

Một nghiên cứu năm 2007 của Hội đồng Tín dụng Thế giới (WCCU- World Council of Credit Unions) cho biết rằng tỷ lệ sống sót sau 5 năm của các HTX ở Mỹ là 90% so với 3-5% đối với các doanh nghiệp truyền thống [20]. Công đoàn Tín dụng, một loại HTX ngân hàng, có tỷ lệ thất bại thấp hơn năm lần so với các doanh nghiệp ngân hàng trong khủng hoảng tài chính. Trong khi xu hướng chung trong giai đoạn 2008-2016 là tổng các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Mỹ giảm đi 100 tỷ USD thì tổng các khoản cho vay từ các Công đoàn Tín dụng tới các doanh nghiệp này trong cùng kỳ vẫn tăng gấp đôi, từ 30 tỷ USD lên 60 tỷ USD [7]. Niềm tin của công chúng vào các Công đoàn Tín dụng ở mức 60% so với chỉ 30% vào các ngân hàng lớn [2]. Báo cáo năm 2010 của Bộ Phát triển Kinh tế, Đổi mới và Xuất khẩu của Québec (Ministry of Economic Development, Innovation and Export in Québec) cho thấy tỷ lệ sống sót sau 5 năm và tỷ lệ sống sót sau 10 năm của các HTX ở Québec lần lượt là 62% và 44% so với 35% và 20% của các doanh nghiệp thông thường [18]. Một báo cáo khác của một tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội cũng cho thấy tỷ lệ sống sót sau ba năm của các HTX ở tỉnh Alberta, Canada là 81,5% so với 48% của các doanh nghiệp thông thường [4].

5          Các hình thức HTX

Theo ICA, trong 300 HTX lớn nhất trong năm 2007 thì có tới 80% là các HTX nông nghiệp, tài chính hoặc bán lẻ và hơn một nửa số HTX này là ở Mỹ, Ý, hoặc Pháp. Tuy nhiên trên thế giới tồn tại rất nhiều loại HTX khác nhau như trình bày dưới đây.

5.1       HTX của người tiêu dùng (Consummers’ Co-operative)

HTX của người tiêu dùng là một pháp nhân kinh doanh hàng tiêu dùng thuộc sở hữu của chính khách hàng. Các thành viên bỏ phiếu về các quyết định lớn và bầu ra Ban Giám đốc từ các thành viên trong số họ. HTX của người tiêu dùng đầu tiên chính là Hiệp hội Tiên phong Bình đẳng Rochdale, được thành lập vào năm 1844 ở tây-bắc nước Anh bởi 28 thợ dệt và thợ thủ công khác muốn bán thực phẩm với giá thấp hơn giá bán của các cửa hàng địa phương.

5.1.1    HTX bán lẻ (Retail Co-operative)

HTX bán lẻ là các nhà bán lẻ (chẳng hạn như cửa hàng tạp hóa) thuộc sở hữu của khách hàng của chính mình. Không nên nhầm lẫn HTX bán lẻ với HTX của các nhà bán lẻ vì HTX bán lẻ có thành viên là khách hàng của chính mình còn HTX của các nhà bán lẻ lại có thành viên là các nhà bán lẻ chứ không phải là khách hàng (người tiêu dùng) của nhà bán lẻ đó. Tại Đan Mạch, Ý và Phần Lan, loại hình tổ chức kinh doanh có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực cửa hàng tạp hóa là HTX bán lẻ do khách hàng làm chủ sở hữu [24] [10] [21]. Ở Thụy Sĩ tổ chức kinh doanh bán lẻ lớn nhất và lớn thứ hai là các HTX bán lẻ [11].

5.1.2    HTX nhà ở (Housing Co-operative)

HTX nhà ở là một cơ chế pháp lý sở hữu nhà ở, trong đó chính những người cư trú tại nhà ở đó có sở hữu cổ phần (vốn cổ phần), tức là vốn chủ sở hữu trong bất động sản nhà ở của HTX, hoặc có quyền thành viên và quyền sở hữu trong một HTX phi lợi nhuận, và họ bảo lãnh nhà ở của họ thông qua việc trả tiền thuê bao hoặc thuê.

HTX nhà ở có ba hình thức chủ sở hữu cơ bản:

  1. HTX cho thuê nhà ở theo giá thị trường. Các thành viên có thể bán cổ phần của mình trong HTX theo giá thị trường bất cứ khi nào họ muốn. Các HTX loại này rất phổ biến ở thành phố New York.
  2. HTX nhà ở có vốn chủ sở hữu hạn chế. HTX loại này thường được sử dụng bởi các nhà phát triển nhà ở giá rẻ, cho phép các thành viên sở hữu một số vốn chủ sở hữu trong nhà của họ, nhưng giới hạn giá bán cổ phần của thành viên của họ theo số tiền họ đã trả.
  3. HTX có vốn chủ sở hữu theo nhóm hoặc HTX không có vốn chủ sở hữu. Loại HTX này không cho phép các thành viên sở hữu vốn chủ sở hữu trong nhà ở của họ và thường có thỏa thuận cho thuê thấp hơn giá thị trường.

HTX nhà ở còn có một hình thức đặc biệt khác là HTX xây dựng nhà ở. Các thành viên của HTX này dùng các nguồn lực tự có để xây dựng nhà ở, thông thường là sử dụng một tỷ lệ cao lao động của chính họ. Khi tòa nhà kết thúc, mỗi thành viên là chủ sở hữu duy nhất của một căn hộ, và hợp tác xã có thể bị giải thể.

5.1.3    HTX tiện ích (Utility Co-operative)

HTX tiện ích là một loại hình HTX của người tiêu dùng, có nhiệm vụ cung cấp một tiện ích công cộng như điện, nước hoặc dịch vụ viễn thông cho các thành viên của mình. Lợi nhuận được tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc phân phối cho các thành viên dưới dạng “bảo trợ” hoặc “tín dụng vốn”, về cơ bản là cổ tức được trả cho khoản đầu tư của thành viên vào hợp tác xã. Tại Hoa Kỳ, nhiều hợp tác xã được thành lập để cung cấp dịch vụ điện và điện thoại ở nông thôn. Trong trường hợp điện, nói chung các HTX thường sản xuất và truyền tải, tạo ra và gửi điện qua lưới truyền tải; hoặc các HTX phân phối điện tại các địa phương, bằng cách thu thập điện từ nhiều nguồn khác nhau và chuyển đến nhà ở hoặc doanh nghiệp. Ở Tanzania, loại hình HTX tiện ích rất hữu ích trong việc phân phối nước. Khi người dân phải giải quyết những vấn đề liên quan đến nước của họ, họ quan tâm nhiều hơn vì chất lượng công việc của họ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước.

5.1.4    HTX tài chính (Financial Co-operative)

Các HTX tài chính tồn tại dưới các hình thức Công đoàn Tín dụng (Credit Union), HTX ngân hàng hay Quỹ tín dụng (Co-operative Banking), HTX bảo hiểm (Co-operative Insurance). Công đoàn Tín dụng (CĐTD) là một loại hình tổ chức tài chính được sở hữu và kiểm soát bởi các thành viên của chính mình. CĐTD cung cấp các dịch vụ tài chính giống như ngân hàng nhưng được coi là các tổ chức phi lợi nhuận và tuân thủ các nguyên tắc hợp tác. Các CĐTD có nguồn gốc từ Đức vào khoảng giữa Thế kỷ 19 sau đó lan sang Bắc Mỹ vào đầu Thế kỷ 20.

Các HTX tài chính chiếm thị phần đáng kể ở châu Âu và châu Mỹ Latinh, cũng như một số quốc gia ở châu Phi Hạ Sahara. Họ cũng có sự hiện diện mạnh mẽ ở Châu Á, Úc và Hoa Kỳ. Theo Hội đồng Tín dụng Thế giới (WOCCU) thì có 68.882 HTX tài chính tại 109 quốc gia trong năm 2016, phục vụ hơn 235 triệu thành viên, với tổng tài sản hơn 1,7 nghìn tỷ đô la. Điều đáng chú ý là dữ liệu của WOCCU không bao gồm một số mạng lưới HTX tài chính lớn ở châu Âu như Đức, Phần Lan, Pháp, Đan Mạch và Ý. Ở nhiều nền kinh tế có thu nhập cao, các HTX tài chính nắm giữ những thị phần đáng kể trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng [1].

Theo Hiệp hội các HTX Ngân hàng Châu Âu (EACB – European Association of Cooperative Banks), thị phần của các HTX ngân hàng trong thị trường tín dụng đốii với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào cuối năm 2016 là 37% ở Phần Lan, 45% ở Pháp, 33% ở Đức, 43% ở Hà Lan và 22% tại Canada. Tại Đức, các HTX Volksbanken-Raiffeisen có thị phần xấp xỉ 21% tín dụng trong nước và tiền gửi trong nước. Tại Hà Lan, HTX Rabobank nắm giữ 34% tiền gửi. Tại Pháp, các HTX ngân hàng (Crédit Agricole, Crédit Mutuel và BPCE Group) sở hữu hơn 59% tín dụng trong nước và 61% tiền gửi trong nước. Tại Phần Lan, tập đoàn tài chính OP (một HTX tài chính) lần lượt nắm giữ 35% và 38% tín dụng và tiền gửi trong nước. Tại Canada, HTX Desjardins nắm giữ khoảng 42% tiền gửi trong nước và 22% tín dụng trong nước [1]. Mạng lưới Quỹ Tín dụng ở Đông Âu trước đây vốn được quốc hữu hóa nay đang hoạt động như các tổ chức HTX thực sự. Ở Ba Lan, mạng lưới Quỹ Tín dụng SKOK (Spółdzielcze Kasy Oszczędnościowo-Kredytowe) đã phát triển để phục vụ hơn 1 triệu thành viên thông qua 13.000 chi nhánh, đây là tổ chức kinh doanh ngân hàng lớn nhất nước này.

5.2       HTX công nhân (Worker Co-operative)

HTX công nhân hoặc HTX sản xuất là một tổ chức kinh doanh sản xuất được sở hữu và kiểm soát bởi chính công nhân của mình. Ban đầu ngoài công nhân sở hữu cổ phần, HTX công nhân không có các chủ sở hữu khác. Tuy nhiên HTX công nhân về sau mở rộng ra các hình thức sở hữu khác để cho người tiêu dùng, thành viên cộng đồng hoặc nhà đầu tư tư bản cũng có thể sở hữu một số cổ phần. Sự kiểm soát của công nhân vẫn được thực thi thông qua sở hữu cá nhân, sở hữu tập thể hoặc sở hữu đa số của các thành viên công nhân vì họ vẫn giữ quyền bầu cử cá nhân, quyền bầu cử tập thể hoặc quyền bầu cử đa số (được thực hiện trên cơ sở mỗi thành viên một phiếu). Do đó, HTX công nhân có đặc điểm là phần lớn lực lượng lao động của họ có sở hữu cổ phần và phần lớn cổ phần thuộc về sở hữu của lực lượng lao động. Tư cách thành viên không phải lúc nào cũng bắt buộc đối với nhân viên, nhưng nhìn chung chỉ có nhân viên mới có thể trở thành thành viên của HTX.

5.3       HTX thu mua (Purchasing Co-operative)

HTX thu mua là một kiểu HTX, thường là giữa các doanh nghiệp với nhau, nhằm mục đích tập hợp nhu cầu để có khối lượng mua lớn hơn từ đó có sức mặc cả lớn hơn và đạt được giá mua thấp hơn từ các nhà cung cấp. HTX của các nhà bán lẻ là một hình thức HTX thu mua. HTX thu mua trong nông nghiệp là các HTX dịch vụ nông nghiệp, cung cấp các dịch vụ khác nhau cho các nông dân thành viên và cho các HTX sản xuất nông nghiệp, nơi các nguồn lực sản xuất như đất đai hoặc máy móc được gộp lại và các thành viên canh tác cùng nhau [6]. HTX cung ứng nông nghiệp mua, lưu trữ và phân phối đầu vào giá thấp hơn cho các trang trại thành viên bằng cách tổng hợp khối lượng mua và tận dụng hiệu suất theo quy mô. Các đầu vào được cung ứng có thể hạt giống, phân bón, hóa chất, nhiên liệu và máy móc nông nghiệp. Một số HTX cung ứng cũng vận hành các máy móc cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực cơ khí (ví dụ: cày, thu hoạch) cho các thành viên.

5.4       HTX của các nhà sản xuất (Producer Co-operative)

HTX của các nhà sản xuất là HTX mà các nhà sản xuất là thành viên. HTX loại này cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc chuyển một sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Không giống như các hợp tác xã công nhân, HTX của các nhà sản xuất cho phép các doanh nghiệp tham gia. Hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã thủy sản là những ví dụ về HTX của các nhà sản xuất. Một trường hợp HTX của các nhà sản xuất trong nông nghiệp là HTX tiếp thị nông nghiệp (Agricultural Marketing Co-operative). HTX tiếp thị nông nghiệp vận hành một loạt các hoạt động liên kết với nhau bao gồm lập kế hoạch sản xuất, trồng và thu hoạch, phân loại, đóng gói, vận chuyển, lưu trữ, chế biến thực phẩm, phân phối và bán hàng. HTX tiếp thị nông nghiệp thường được hình thành để thúc đẩy phát triển các mặt hàng cụ thể. Các hợp tác xã tiếp thị nông nghiệp thành công về mặt thương mại bao gồm Amul (sản phẩm sữa) của Ấn Độ, là nhà sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa lớn nhất thế giới, Công ty sữa Mỹ (sản phẩm sữa) ở Hoa Kỳ và FELDA (dầu cọ) của Malaysia. Các HTX của các nhà sản xuất cũng có thể được tổ chức bởi các doanh nghiệp nhỏ để tập hợp tiền tiết kiệm và tiếp cận vốn của nhau, để có được nguồn cung cấp đầu vào và dịch vụ, hoặc để tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ.

5.5       HTX nhiều bên (Multi-stakeholder Co-operatives)

HTX nhiều bên bao gồm đại diện từ các nhóm liên quan khác nhau, chẳng hạn như cả người tiêu dùng và người lao động.

5.5.1    HTX xã hội (Social Co-operative)

Theo truyền thống, các HTX thường kết hợp lợi ích xã hội với lợi ích tài sản tư nhân. HTX xã hội đạt được sự pha trộn giữa mục đích xã hội và mục đích sinh lời bằng cách quản lý các vấn đề phân phối một cách dân chủ bởi các thành viên bình đẳng với nhau. Giám sát dân chủ đối với các quyết định phân phối công bằng tài sản và các lợi ích khác có nghĩa là quyền sở hữu vốn được sắp xếp theo cách có lợi cho xã hội. Lợi ích xã hội bên ngoài cũng được khuyến khích bằng cách kết hợp nguyên tắc hợp tác giữa các HTX.

Một hình thức đặc biệt thành công của hợp tác xã nhiều bên là HTX xã hội của Ý, trong đó có khoảng 11.000 người tham gia [17]. Các HTX xã hội “kiểu A” tập hợp các nhà cung cấp và người thụ hưởng dịch vụ xã hội với tư cách là thành viên. Các HTX xã hội “kiểu B” tập hợp những người lao động lâu dài và những người thất nghiệp trước đây muốn hòa nhập vào thị trường lao động. Các HTX xã hội hoạt động theo các nguyên tắc như sau [14]:

  1. Không được phân phối quá 80% lợi nhuận, lãi được giới hạn ở lãi suất trái phiếu và việc giải thể là vị tha (tài sản có thể không được phân phối).
  2. HTX có tư cách pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn.
  3. Mục tiêu là lợi ích chung của cộng đồng và sự hòa nhập xã hội của công dân.
  4. HTX kiểu B tích hợp những người có hoàn cảnh khó khăn vào thị trường lao động. Các loại bất lợi mà họ nhắm đến có thể bao gồm khuyết tật về thể chất và tinh thần, nghiện ma túy và rượu, rối loạn phát triển và các vấn đề với pháp luật. Chúng không bao gồm các yếu tố bất lợi khác như thất nghiệp, chủng tộc, khuynh hướng tình dục.
  5. HTX kiểu A cung cấp các dịch vụ y tế, xã hội hoặc giáo dục.
  6. Nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau có thể trở thành thành viên của HTX, bao gồm nhân viên được trả lương, người thụ hưởng, tình nguyện viên (tối đa 50% thành viên), nhà đầu tư tài chính và các tổ chức công cộng. Trong hợp tác xã kiểu B, ít nhất 30% thành viên phải thuộc nhóm mục tiêu bị thiệt thòi.
  7. Nguyên tắc bỏ phiếu là mỗi thành viên một phiếu.

5.5.2    Hợp tác xã thế hệ mới (New Generation Co-operative)

Hợp tác xã thế hệ mới (NGC) là sự điều chỉnh về cấu trúc của các HTX truyền thống cho phù hợp với các ngành công nghiệp thâm dụng vốn hiện đại. Chúng đôi khi được mô tả như một sự lai tạo giữa các HTX truyền thống và các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc các công ty lợi ích công cộng. NGC được phát triển đầu tiên ở California sau đó lan rộng và phát triển mạnh ở trung tây Hoa Kỳ vào những năm 1990. NGC hiện đang phổ biến ở Canada, hoạt động chủ yếu trong các dịch vụ nông nghiệp và thực phẩm, mục đích chính là tăng thêm giá trị cho các sản phẩm chính. Ví dụ, sản xuất ethanol từ ngô, mì ống từ lúa mì cứng hoặc phô mai từ sữa dê cho người sành ăn. Một ví dụ đại diện của NGC đang hoạt động là Hiệp hội Fourth Estate, một hiệp hội báo chí NGC nhiều bên liên quan trên toàn cầu.

5.6       Các hình thức HTX khác

5.6.1    HTX nền tảng (Platform Co-operative)

HTX nền tảng (Platform Co-operative) là một tổ chức kinh doanh sở hữu theo hình thức HTX, được quản lý dân chủ, thiết lập một nền tảng điện toán và sử dụng một giao thức, trang web hoặc ứng dụng di động để tạo thuận lợi cho việc bán hàng hóa và dịch vụ. Các HTX nền tảng là một giải pháp thay thế cho các nền tảng được đầu tư vốn mạo hiểm. Những người ủng hộ chủ nghĩa HTX nền tảng tuyên bố rằng, bằng cách đảm bảo giá trị tài chính và xã hội của một nền tảng lưu thông giữa những người tham gia, các HTX nền tảng sẽ mang lại một nền kinh tế kỹ thuật số công bằng hơn so với các mô hình trung gian khai thác của các công ty. Các HTX nền tảng khác với các HTX truyền thống không chỉ ở chỗ sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, mà còn bởi sự đóng góp cho cộng đồng với mục đích thúc đẩy một cảnh quan kinh tế và xã hội công bằng.

5.6.2    HTX tình nguyện (Volunteer Co-operative)

HTX tình nguyện là HTX được điều hành bởi và vì một mạng lưới các tình nguyện viên, vì lợi ích của một thành viên nhất định hoặc của công chúng, để đạt được một số mục tiêu. Tùy thuộc vào cấu trúc, nó có thể là một tổ chức tập thể hoặc một tổ chức có các quan hệ tương hỗ lẫn nhau, được điều hành theo các nguyên tắc hợp tác quản trị. Hình thức cơ bản nhất của HTX tình nguyện là một hiệp hội tự nguyện. Một nhà nghỉ hoặc câu lạc bộ xã hội có thể được tổ chức trên cơ sở này. HTX tình nguyện khác với HTX công nhân ở chỗ HTX công nhân do người lao động chủ quản, trong khi đó HTX tình nguyện thường là một tổ chức phi chứng khoán, do người tiêu dùng tình nguyện điều hành hoặc một tổ chức dịch vụ trong đó công nhân và những người thụ hưởng cùng tham gia vào các quyết định quản lý và được giảm giá trên cơ sở vốn hoặc công sức đã bỏ ra.

5.7      Liên đoàn HTX hoặc HTX thứ cấp

Trong một số trường hợp, các HTX thấy thuận lợi khi thành lập các liên đoàn HTX, trong đó tất cả các thành viên đều là HTX. Trong lịch sử, điều này chủ yếu xuất hiện dưới hình thức liên kết giữa các HTX bán buôn và liên hiệp các HTX. Liên đoàn HTX là một phương tiện mà thông qua đó các HTX có thể thực hiện Nguyên tắc Rochdale thứ sáu là hợp tác giữa các HTX. ICA lưu ý rằng “Các HTX phục vụ thành viên của họ một cách hiệu quả nhất và tăng cường phong trào hợp tác bằng cách hợp tác với nhau thông qua các cấu trúc địa phương, khu vực và quốc tế.”

2          KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN HTX CỦA THẾ GIỚI

Kinh nghiệm phát triển HTX của một số nước trên thế giới được giới thiệu bởi Báo cáo nghiên cứu RS – 04: “Sự phát triển của hợp tác xã và vai trò của hợp tác xã đối với an sinh xã hội” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và UNDP tại Việt Nam tiến hành năm 2012 [27], bao gồm kinh nghiệm của các nước dưới đây.

2.1       Kinh nghiệm của Ấn Độ

Ở Ấn Độ, chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của HTX. Để thực hiện vai trò của mình, chính phủ Ấn Độ đã thành lập công ty quốc gia phát triển HTX nhằm triển khai các dự án khác nhau trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, hàng tiêu dùng, lâm sản và các mặt hàng khác, đồng thời thực hiện các dự án về phát triển những vùng nông thôn còn lạc hậu. Ngoài ra, chính phủ đã triển khai các biện pháp khác nhau nhằm tạo điều kiện cho HTX phát triển như xúc tiến xuất khẩu; sửa đổi Luật HTX theo hướng tăng cường quyền tự chủ cho HTX; thiết lập mạng lưới thông tin hai chiều giữa những người nghèo nông thôn với các tổ chức HTX.

Ở Ấn Độ, sự phát triển của HTX góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng người dân được quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Là một nước nông nghiệp, sự phát triển kinh tế của Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào việc phát triển nông nghiệp. Người nông dân coi HTX là phương tiện để tiếp nhận tín dụng, đầu vào và các nhu cầu cần thiết về dịch vụ. Khu vực HTX có cơ sở hạ tầng rộng lớn, hoạt động trong các lĩnh vực tín dụng, chế biến nông sản, hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ và xây dựng nhà ở với tổng số vốn hoạt động khoảng 18,33 tỷ USD. Những lĩnh vực hoạt động quan trọng của khu vực kinh tế HTX ở Ấn Độ đang nổi lên là HTX tín dụng nông nghiệp, có tỷ trọng chiếm tới 43% tổng số tín dụng trong cả nước, các HTX sản xuất đường chiếm tới 62,4% tổng sản lượng đường của cả nước, HTX sản xuất phân bón chiếm 34% tổng số phân bón của cả nước.

2.2       Kinh nghiệm của Nhật Bản

Để giúp các tổ chức HTX hoạt động, chính phủ Nhật Bản đã tăng cường xây dựng hệ thống phục vụ xã hội hóa nông nghiệp, coi HTX nông nghiệp là một trong những hình thức phục vụ xã hội hóa tốt nhất và yêu cầu các cấp, các ngành phải giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tổ chức này. Đồng thời, chính phủ còn yêu cầu các ngành tài chính, thương nghiệp giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, tư liệu sản xuất, v.v…, tuy nhiên, không làm ảnh hưởng đến tính tự chủ và độc lập của các HTX này. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các HTX Nhật Bản là nhân tố tích cực góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Các loại hình tổ chức HTX Nhật Bản bao gồm: HTX nông nghiệp, HTX tiêu dùng.

2.3       Kinh nghiệm của Thái Lan

Để tạo điều kiện cho khu vực HTX phát triển và khuyến khích xuất khẩu, chính phủ Thái Lan đã ban hành nhiều chính sách thiết thực như chính sách giá, tín dụng nhằm khuyến khích nông dân phát triển sản xuất. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính phủ Thái Lan thực sự có hiệu quả trong việc hoạch định các chính sách đối với phát triển khu vực HTX. Thông qua sự trợ giúp của chính phủ, Ngân hàng Nông nghiệp và HTX nông nghiệp, xã viên được vay vốn với lãi suất thấp với thời hạn ưu đãi thích hợp cho việc kinh doanh hoặc sản xuất của họ.

HTX nông nghiệp và HTX tín dụng là hai mô hình HTX tiêu biểu nhất ở Thái Lan. HTX nông nghiệp được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu của xã viên trong các lĩnh vực: vay vốn, gửi tiền tiết kiệm và tiền ký quỹ, tiêu thụ sản phẩm, tiếp thị, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và các dịch vụ khác. HTX tín dụng nông thôn đã ra đời rất lâu và có hoạt động hiệu quả trên khắp cả nước. Cùng với sự phát triển của các HTX tiêu dùng, các loại hình HTX nông nghiệp, công nghiệp cũng được phát triển mạnh, và trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước và giữ vững ổn định xã hội

2.4       Kinh nghiệm của Malaysia

Năm 1922, Pháp lệnh đầu tiên về HTX của Malaysia ra đời. Sau đó, năm 1993, Luật HTX ra đời, là khuôn khổ pháp lý để các HTX hoạt động, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển và đào tạo cán bộ quản lý HTX, củng cố quyền của xã viên cũng như công tác đào tạo xã viên. Luật cũng quy định việc kiểm toán nội bộ và xây dựng báo cáo toàn diện của Ban chủ nhiệm HTX trong Đại hội xã viên thường kỳ hàng năm. Đặc biệt, chính phủ Malaysia đã thành lập Cục Phát triển HTX với một số hoạt động chính như: quản lý và giám sát các hoạt động của HTX; giúp đỡ tài chính và cơ sở hạ tầng để HTX có thể tồn tại hoạt động; xây dựng kế hoạch phát triển HTX, kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý.

2.4       Kinh nghiệm của Đức

Ở Cộng hòa Liên bang Đức, HTX đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp đang nắm thị phần cao đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp quan trọng; 70% thị phần sản phẩm thịt chế biến, hơn 60% thị phần của các sản phẩm sữa, hơn 30% thị phần rượu nho. Ngoài ra, với trên 3.000 HTX, các HTX nông nghiệp đang chiếm khoảng 60% số lượng HTX trên toàn nước Đức. Tổng doanh thu của tất cả các HTX nông nghiệp và 26 liên hiệp HTX nông nghiệp năm 2007 là hơn 38,3 tỷ Euro. Các HTX nông nghiệp đã thu hút tổng cộng 2,2 triệu thành viên. HTX nông nghiệp của Đức hoạt động đa dạng ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khác nhau như dịch vụ quản lý chợ, vệ sinh, vật liệu xây dựng, tín dụng.

2.5       Kinh nghiệm của Mỹ

HTX có vai trò đặc biệt quan trọng trong ngành nông nghiệp Mỹ. Năm 2002, 3.140 HTX nông nghiệp cung cấp cho khoảng 3,1 triệu nông dân, dịch vụ tiếp thị nông nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp chiếm tới 28% thị phần. Riêng trong khu vực HTX phi nông nghiệp, 84 triệu người dân Mỹ là xã viên của hơn 9.500 liên hiệp tín dụng; trên 850 HTX điện phục vụ gần 40 triệu người dân tại 47 bang của Mỹ; khoảng 1,5 triệu gia đình sinh sống tại các nhà ở của HTX nhà ở và trên 3 triệu người là xã viên của 5.000 HTX thực phẩm. Khu vực HTX mạnh với số lượng lớn công dân Mỹ tham gia HTX trong một nền kinh tế có tính cạnh tranh rất mạnh ở Mỹ chứng tỏ hiệu quả của HTX. HTX được tổ chức để đáp ứng nhu cầu xã viên, tập trung vào việc tạo ra lợi ích cho xã viên hơn là lợi nhuận cho nhà đầu tư. Việc định hướng vào xã viên làm cho HTX khác cơ bản với các công ty.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Amr Khafagy, 2019. The Economics of Financial Cooperatives: Income Distribution, Political Economy and Regulation, Routledge, 2019

[2] Anthem, 2014. Credit Unions Twice as Trusted as Big Bank: Americans trust credit unions twice as much as big banks according to a national study of trust in the country’s financial institutions, https://nwcua.org/2014/09/03/credit-unions-twice-as-trusted-as-big-banks/

[3] Bajo C. S., Roelants B., 2011. Capital and the Debt Trap, Palgrave Macmillan, 2011.

[4] BC-Alberta Social economy Research Alliance, 2010. A11 Report - Alberta Co-op Survival, https://uwcc.wisc.edu/pdf/BALTA_A11_report_BC.pdf

[5] Birchall, Johnston, 2013. Resilience in a downturn: The power of financial cooperatives, ILO, https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---ed_emp/---emp_ent/---coop/documents/publication/wcms_207768.pdf

[6] Cobia, David, 1989. Cooperatives in Agriculture, Prentice-Hall, Englewood Cliffs, NJ (1989)

[7] Colt R. A., 2018. How Did Bank Lending To Small Business In The United States Fare After The Financial Crisis?, US Small Business Administration, https://advocacy.sba.gov/2018/01/01/how-did-bank-lending-to-small-business-in-the-united-states-fare-after-the-financial-crisis/

[8] Co-operative UK, 2015. The co-operative economy 2015, An ownership agenda for Britain, COOP, https://www.uk.coop/sites/default/files/uploads/attachments/co-op_economy_2015.pdf

[9] DAV DVA, O.Z., 2019. Samuel Jurkovič, slovenský národný buditeľ a zakladateľ družstevníctva, https://davdva.sk/samuel-jurkovic-slovensky-narodny-buditel-a-zakladatel-druzstevnictva/

[10] Finnish Grocery Trade Association. The Grocery trade market in Finland, https://www.pty.fi/front-page/finnish-grocery-trade/

[11] Fresh Plaza, 2019. Migro and Coop among the World’s Top 50 retailers, https://www.freshplaza.com/article/9065262/migros-and-coop-among-the-world-s-top-50-retailers/

[12] Gates J., 1998. The Ownership Solution, London: Penguin.

[13] ICA, 2019. The 2019 World Cooperative Monitor is now available, COOP, https://monitor.coop/en

[14] ICA. Cooperative identity, values & principles, COOP, https://www.ica.coop/en/cooperatives/cooperative-identity

[15] ICA. History of the cooperative movement, COOP, https://www.ica.coop/en/cooperatives/history-cooperative-movement

[16] ICA. What is a co-operative, COOP, https://www.uk.coop/about/what-co-operative

[17] ISTAT, 2011. Censimento dell’industria e dei servizi, Roma, 2011

[18] MEDIE, 2010. Quebec Co-op Survival ReportSummary, http://www.ontario.coop/cms/documents/212/2008_Quebec_Co-op_Survival_Report_Summary.pdf

[19] Murray A., 2015. Community investment index: giving back to neighbourhoods, ICA, COOP, https://www.thenews.coop/93737/sector/community-investment-index-giving-back-to-neighbourhoods/

[20] Nembhard J. G., 2014. 10 Facts About Cooperative Enterprise, Benefits and Impacts of Cooperatives, Grassroot Economic Organizing, https://geo.coop/story/fact-sheet

[21] Retail-Index All Major Retailers in Europe, Rankings and profiles of the top retailers in Italy, https://www.retail-index.com/Countries/ToprankingretailersinItaly.aspx

[22] Ridley-Duff, 2008. Social Enterprise as a Socially Rational Business, International Journal of Entrepreneurial Behaviour and Research, 14(5): 291-312

[23] Rothschild J., Allen-Whitt J., 1986. The Cooperative Workplace, Cambridge University Press

[24] Statista. Market share of selected grocery retailers in Denmark in 2018, https://www.statista.com/statistics/565747/market-share-of-selected-grocery-retailers-in-denmark/

[25] Weinbren, D. & James, B., 2005. Getting a Grip: the Roles of Friendly Societies in Australia and Britain Reappraised, Labour History, Vol. 88

[26] Worldwatch Institute, 2013. Membership in Co-operative Businesses Reaches 1 Billion

[27] Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và UNDP tại Việt Nam, 2012. Sự phát triển của hợp tác xã và vai trò của hợp tác xã đối với an sinh xã hội, Báo cáo nghiên cứu RS - 04, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2012.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN