Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

Lý thuyết Phát triển vùng

 01/02/2021  2186

Jeffrey D. Sachs and Gordon C. McCord

Trích từ The New Palgrave Dictionary of Economics; Tái bản lần thứ hai; 2008

Biên tập bởi Steven N. Durlauf và Lawrence E. Blume

Link: https://www.earth.columbia.edu/sitefiles/file/The%20New%20Palgrave%20Dictionary%20of%20Economics%20Online%202008%20-%20Geography%20of%20Regional%20Development.pdf

 

Người dịch: Cù Phúc Thành

Viện Nghiên cứu Kinh tế & PTNNL, Trường ĐH Kinh tế & QTKD

 

Tóm tắt

Các lý thuyết mới về sự tập trung công nghiệp theo không gian - đặc biệt là Tân Địa lý kinh tế - đã giúp chúng ta cơ bản hiểu được lý do tại sao một số vùng lại phát triển hơn các vùng khác, tại sao các thành phố lại nổi lên và tại sao lại nổi lên ở nơi mà chúng đã nổi lên. Tuy nhiên, các công trình này hiếm khi tích hợp được quan điểm của Adam Smith rằng những khác biệt về không gian của hoạt động kinh tế cũng phản ánh những biến địa lý, những biến khiến cho trong cùng một thời gian, sản xuất ở một số nơi có hiệu quả hơn những nơi khác; những công trình này cũng không đề cập đến chính sách phát triển vùng - tức là việc sử dụng các ưu đãi kinh tế để thu hút các ngành công nghiệp đến các địa điểm cụ thể. Một lý thuyết đầy đủ về phát triển vùng cần tích hợp lý thuyết Kinh tế bồi tụ với Địa lý kinh tế và Kinh tế công cộng.

 

Đặt vấn đề

Sự khác biệt trong hoạt động kinh tế giữa các vùng đã thu hút sự quan tâm của các nhà kinh tế học kể từ Adam Smith, người cho rằng chi phí vận chuyển cao “dường như trong mọi thời đại” trong nội địa châu Phi và châu Á đã cản trở các châu lục này phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề ảnh hưởng của biến không gian đến hoạt động kinh tế không phải lúc nào cũng thu hút sự quan tâm nghiên cứu. Lý thuyết thương mại tiêu chuẩn dựa trên lợi thế so sánh tương đối giúp giải thích hoạt động kinh tế của một địa phương chịu ảnh hưởng của sự phân bố các nguồn lực chính (như đất đai, lao động và nước) theo không gian như thế nào, nhưng lại nói rất ít đến sự phụ thuộc lẫn nhau về vị trí địa lý của các tác nhân kinh tế, và cũng không đi sâu vào các khía cạnh địa lý chi tiết hơn (khí hậu, đất đai, địa hình, dịch tễ học).

Các mô hình tăng trưởng Tân Cổ điển tập trung vào sự tích lũy vốn (vốn vật chất, vốn con người, công nghệ hoặc sự kết hợp giữa chúng), thứ bổ sung thêm cho lao động thô và đất đai làm thành các yếu tố sản xuất, nhưng chỉ có các lý thuyết gần đây (đặc biệt, trong các công trình được gọi là Tân Địa lý kinh tế) mới bắt đầu móc nối với các vấn đề lựa chọn vị trí địa lý và tập trung theo không gian của công nghiệp (Henderson, 1988; Krugman, 1991; Fujita, Krugman và Venables, 1999).

Mặc dù những lý thuyết mới hơn này đã đóng góp quan trọng vào sự hiểu biết của chúng ta về lý do tại sao một số vùng lại phát triển hơn những vùng khác, tại sao các thành phố lại nổi lên và tại sao chúng lại nổi lên ở nơi mà chúng đã nổi lên chứ không phải là những nơi khác, nhưng vẫn hiếm khi tích hợp được quan sát của Smith rằng không gian hoạt động kinh tế khác nhau sẽ liên quan tới biến địa lý, biến có thuộc tính khiến cho sản xuất ở một số nơi có hiệu quả hơn những nơi khác trong cùng một thời gian cụ thể. Những lý thuyết này cũng chưa đi sâu vào chính sách phát triển khu vực, đó là việc sử dụng các ưu đãi kinh tế để thu hút các ngành công nghiệp đến địa điểm này hay địa điểm khác. Một lý thuyết đầy đủ về phát triển vùng cần phải tích hợp lý thuyết Kinh tế bồi tụ với Địa lý kinh tế và Kinh tế công cộng.

Lý thuyết Kinh tế bồi tụ (Agglomeration Economy)

Hoạt động kinh tế và dân số trên hành tinh được tập trung ở các khu vực đô thị rất dày đặc, điều đó cho thấy rằng sự bồi tụ kinh tế (các tác nhân kinh tế tụ hợp vào cùng một không gian) có một lợi ích kinh tế quan trọng. Alfred Marshall (1920) gợi ý rằng sự tập trung vào cùng một không gian xảy ra do lợi ích của sự lan tỏa tri thức (knowledge spillovers), của thị trường lớn hơn cho kỹ năng chuyên môn, và của các mối liên kết phía sau, phía trước liên quan đến các thị trường lớn tại địa phương.

Các tài liệu đầu tiên giải quyết vấn đề hóc búa về mô hình hóa Địa lý kinh tế đã phát triển từ mô hình von Thünen (1826), mô hình bắt đầu bằng sự tồn tại của một thành phố và dẫn xuất đến các đặc điểm về giá thuê đất và sự sử dụng đất xung quanh thành phố đó; kết quả của sự phát triển không có kế hoạch nhưng lại có hiệu quả này là một mô hình sản xuất có dạng các vòng tròn đồng tâm được gọi là Các hình côn von Thünen. Tuy nhiên, mô hình này không giải thích lý do tồn tại của chính thành phố.

Các mô hình sau này nhằm mục đích giải thích tại sao dân số và các hoạt động kinh tế lại có khuynh hướng bồi tụ ngay từ đầu. Sự tập trung vào một không gian xảy ra do sản xuất rẻ hơn vì trong nền Kinh tế bồi tụ có một số lượng lớn các hoạt động kinh tế cận kề. Hiệu suất tăng theo quy mô này tồn tại bởi nhiều lý do: các sản phẩm cần phải chuyên môn hóa sâu được hỗ trợ tốt hơn khi có thị trường lớn hơn; hiệu quả tăng lên vì một số lượng lớn các nhà sản xuất và những người tiêu dùng sẽ khiến cho thời gian nhàn rỗi trở nên ít hơn (một nguồn tăng hiệu suất được gọi là làm mượt cầu); lợi thế kinh tế nhờ quy mô của các đầu vào trung gian khiến sản xuất rẻ hơn ngay cả đối với các ngành không có hiệu suất tăng theo quy mô; các yếu tố ngoại tác (externalities) khuyếch tán sự nhận biết và kiến thức chuyên môn vì mọi người có thể thấy sản phẩm và phương pháp làm việc của nhau; và chi phí tìm kiếm được giảm xuống vì quá trình tìm kiếm được tập trung vào một không gian. Florida (1995) đi tiên phong trong khái niệm Vùng nhận biết (learning region): các công ty có lợi từ việc tập trung hoạt động vào một không gian để giảm thiểu chi phí vận chuyển và tối đa hóa nhận biết, do đó các công ty tìm cách tăng cường khả năng của mình có động lực mạnh để đặt cơ sở trong các vùng nhận biết.

Tân Địa lý kinh tế

Tân Địa lý kinh tế trong những thập kỷ gần đây đã phát triển từ mô hình Dixit và Stiglitz (1977) về cạnh tranh độc quyền có hiệu suất tăng theo quy mô. Mặc dù được nhận định là một trường hợp đặc biệt, mô hình này đã trở thành công cụ chủ lực trong nhiều lĩnh vực, và là nền tảng cho Tân Địa lý kinh tế. Xương sống của lý thuyết Tân Địa lý kinh tế là mô hình hạt nhân - ngoại vi Krugman (1991), mô hình xem xét ba hiệu ứng: “hiệu ứng tiếp cận thị trường” (các công ty độc quyền đặt cơ sở ở các thị trường lớn và xuất khẩu sang các thị trường nhỏ), “hiệu ứng chi phí sinh hoạt” (chi phí sinh hoạt rẻ hơn ở nơi có nhiều doanh nghiệp hơn, do chi phí vận chuyển thấp) và “hiệu ứng thị trường đông đúc” (các công ty cạnh tranh không hoàn hảo tìm cách đặt cơ sở ở những vùng có ít đối thủ cạnh tranh). Mô hình này là một bước tiến trong sự hiểu biết về động lực lựa chọn không gian nhưng có nhược điểm là khó thực hiện các thao tác phân tích và yêu cầu rất nhiều mô phỏng (thay vì các biểu thức rõ ràng) để dẫn xuất kết quả.

Một khái niệm quan trọng khác về vị trí địa lý của hoạt động kinh tế là khái niệm cụm (clusters), đặc biệt là trong công trình của Porter (1990; 1995; 1998a; 1998b). Cụm là một nhóm các công ty và các tổ chức kết nối lẫn nhau ở một địa điểm cụ thể (có thể là một thành phố, một tiểu bang, hoặc thậm chí là một nhóm các nước láng giềng). Các công ty trong một cụm được hưởng lợi từ những yếu tố bổ sung quan trọng, những ngoại tác lan tỏa, và những mối quan hệ với các tổ chức công cộng, những yếu tố giúp cải thiện, tăng trưởng năng suất và kích thích sự hình thành các hoạt động kinh doanh mới. Đóng góp quan trọng của khái niệm này là lợi thế so sánh của công ty (hoặc “lợi thế cạnh tranh” theo ngôn ngữ kinh doanh) có thể bao gồm những đặc điểm bên ngoài công ty; thông thường, các yếu tố địa lý và địa điểm có ý nghĩa quan trọng đối với cách thức cạnh tranh trên thị trường của các công ty hoặc các ngành công nghiệp.

Một trong những hàm ý nổi bật của Tân Địa lý kinh tế là sự tập trung theo không gian nổi lên trong một khu vực đồng nhất, nơi không có những khác biệt cơ bản về lợi thế địa lý giữa địa điểm này và địa điểm khác. Vị trí chính xác của các công ty là ngẫu nhiên. Những ưu điểm về kinh tế bồi tụ ban đầu có thể dẫn đến hiệu ứng quả cầu tuyết (càng ngày càng được bồi đắp nhiều hơn). Những lực đẩy đầu tiên trong phát triển vùng có thể đạt được lợi thế cạnh tranh lâu dài nhờ thu hút được công nhân và các nhà đầu tư từ nơi khác đến. Tăng trưởng được thực hiện với “ưu tiên kèm theo” cho những nơi có khởi đầu sớm.

Vai trò của địa lý

Ngoài các mô hình Tân Địa lý kinh tế về Kinh tế bồi tụ, phương pháp tiếp cận cơ bản thứ hai tìm cách làm sáng tỏ các cực tăng trưởng và sự phát triển vùng dựa trên các lợi thế địa lý nội tại. Giả định về không gian đồng nhất bị bãi bỏ, và vai trò của bờ biển, vùng nội địa, sông, núi, và một loạt các biến địa lý khác được đưa lên phía trước. Bản thân Adam Smith khẳng định rằng phân công lao động bị giới hạn bởi phạm vi thị trường, do đó các vùng duyên hải, nhờ lợi thế mặc nhiên là khả năng tham gia thương mại đường biển, đã hưởng lợi từ việc có phạm vi thị trường rộng lớn hơn so với các khu vực nội địa. Gần đây hơn, các điều kiện khí hậu được phát hiện là có tác động lan rộng đến phát triển vùng thông qua sinh thái bệnh dịch, năng suất nông nghiệp, chi phí vận chuyển, tính dễ bị tổn thương trước thiên tai, sức ép của vấn nạn thiếu nước và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế khác.

Một số nghiên cứu (Gallup, Sachs và Mellinger, 1999; Bloom và Sachs, 1998) đã lưu ý rằng các khu vực nhiệt đới luôn nghèo hơn khu vực ôn đới, và giả thuyết rằng điều này có thể liên quan đến ảnh hưởng của sinh thái nhiệt đới đến sức khỏe con người và năng suất nông nghiệp. Ví dụ, các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới áp đặt gánh nặng rất lớn lên sức khỏe con người, đến lượt nó, điều đó có thể dẫn tới hiệu quả kinh tế tụt giảm với mức lớn hơn nhiều so với tác động trực tiếp trong ngắn hạn của các bệnh này đối với sức khỏe. Một nghiên cứu khác (Gallup và Sachs, 2000) phát hiện ra rằng, sau khi đã kiểm soát các yếu tố đầu vào như vốn, lao động và phân bón, năng suất sản xuất lương thực trung bình của các vùng nhiệt đới thấp hơn các vùng ôn đới.

Trong quá trình phát triển kinh tế, hiệu suất kém hơn trong năng suất sản xuất lương thực có thể có tác động bất lợi nghiêm trọng đến mức dinh dưỡng, với những hậu quả bất lợi đối với việc tích lũy vốn con người, đối với năng suất lao động và đối với tính nhạy cảm với bệnh truyền nhiễm. Những hình phạt địa lý này thường có thể khắc phục được bằng các biện pháp can thiệp khác nhau (như kiểm soát sốt rét hoặc cải tiến thực hành nông nghiệp), nhưng vì những biện pháp can thiệp này đòi hỏi các nguồn lực bổ sung nên các khu vực bị ảnh hưởng có thể bị tụt hậu dai dẳng so với sau các khu vực không bị ảnh hưởng.

Lợi thế địa lý có thể kích hoạt sự bồi tụ kinh tế tiếp theo trên cơ sở hiệu suất tăng theo quy mô (increasing returns to scale). Nền kinh tế sau khi đã có bồi tụ sẽ tự củng cố, ngay cả sau khi tầm quan trọng của lợi thế không gian ban đầu giảm đi. Ví dụ, cảng Chicago không còn quan trọng như khi nó là động lực chính cho sự tăng trưởng của thành phố này vào giữa thế kỷ 19. Glaeser (2005) minh họa rằng sự nổi lên của New York vào thế kỷ 19 là do sự thay đổi công nghệ đã khiến cho hoạt động vận chuyển đại dương từ hệ thống điểm nối điểm sang hệ thống tâm trục và nan hoa, và đặc điểm địa lý của New York đã biến thành phố trở thành tâm trục tự nhiên. Tuy nhiên, ngày nay, sự nổi trội của New York không dựa chủ yếu vào cảng mà vào di sản thành công trước đó: tài chính, kinh doanh, cơ sở hạ tầng đáng kể và lợi ích bồi tụ.

Sự thay đổi lợi thế địa lý

Điều quan trọng là cần nhấn mạnh bản chất thay đổi của lợi thế địa lý của một vùng khi công nghệ thay đổi. Trong những nền văn minh nhân loại đầu tiên, khi giao thông và truyền thông quá tốn kém không hỗ trợ nhiều cho thương mại liên vùng và thương mại quốc tế, lợi thế vùng đến từ năng suất nông nghiệp và vận tải địa phương hơn là từ khả năng tiếp cận đại dương. Kết quả là, các nền văn minh đầu tiên hầu như luôn xuất hiện ở các thung lũng sông có độ phì nhiêu cao như các con sông Nile, Indus, Tigris, Euphrates, Hoàng hà và Giang Tử. Những nền văn minh này tạo ra những quần thể dân cư mật độ cao mà trong những thời đại sau đó thường bị thiệt thòi bởi sự xa cách với thương mại quốc tế. Vì lợi thế của thương mại trên đất liền giữa châu Âu và châu Á đã phải nhường bước cho thương mại đại dương từ thế kỷ 16 trở đi, và khi các tuyến thương mại đến châu Mỹ được phát hiện, lợi thế kinh tế chuyển từ Trung Đông và Đông Địa Trung Hải sang Bắc Đại Tây Dương. Trong thế kỷ 19, vận chuyển than đá cho động cơ hơi nước có chi phí cao khiến cho công nghiệp hóa hầu như luôn luôn phải phụ thuộc vào sự gần kề của các mỏ than.

Vào cuối thế kỷ 20, vận tải hàng không và viễn thông đã làm giảm lợi thế của vùng ven biển so với vùng nội địa. Đặc biệt, ngành viễn thông ảnh hưởng sâu sắc đến phân công lao động toàn cầu và bản chất kết tụ kinh tế. Những bất lợi của các vùng nội địa và các vùng sâu, vùng xa cũng có thể được giảm nhẹ hoặc loại bỏ bởi những tiến bộ trong ngành viễn thông cho phép giải phóng sản xuất nhiều hơn và tạo ra các cực tăng trưởng mới ở xa các tuyến thương mại truyền thống. Đáng chú ý là Bangalore đã trở thành một trung tâm bùng nổ công nghệ thông tin toàn cầu mặc dù là một thành phố nội địa ở miền nam Ấn Độ với những yếu kém của hệ thống đường xá, cảng biển của nước này tại thời điểm mà Bangalore nổi lên. Ví dụ của Bangalore và tất nhiên là của Thung lũng Silicon ở California cho thấy lợi thế cạnh tranh ngày nay còn có thể tiến xa hơn nữa  với sự hiện hữu của các trường đại học xuất sắc và của môi trường sống hấp dẫn dành cho lao động tin học tay nghề cao, giống như vùng nhận biết được mô tả bởi Florida (1995).

Thiết kế chính sách vùng

Sự hiện hữu của các nền kinh tế bồi tụ, hiệu suất tăng theo quy mô và các cụm liên kết gợi ý rằng các quốc gia có thể nhận diện các khu vực có tiềm năng trở thành cực tăng trưởng và sử dụng các công cụ chính sách và đầu tư công để kích hoạt quá trình này. Các công cụ chính sách đặc biệt như các khu chế xuất và các chương trình ưu đãi thuế đặc biệt đã giúp các nước đang phát triển thành lập được các cụm liên kết trong các ngành dệt may, điện tử, thiết bị gia dụng, phần mềm và linh kiện ô tô, đó là chỉ nói tới một số ngành mà chính sách công nghiệp tích cực đã có vai trò quan trọng. Trong trường hợp tạo ra cực tăng trưởng cho nền kinh tế tri thức (như Thung lũng Silicon và Bangalore), tầm quan trọng của chính phủ trong hỗ trợ giáo dục bậc cao, nghiên cứu phát triển (R&D) và tạo lập công viên khoa học là đặc biệt rõ ràng. Các yếu tố ngoại tác lan truyền từ công nghệ quân sự cũng có thể đóng một vai trò nhất định.

Tuy nhiên, rõ ràng là các chiến lược phát triển thành công của một số nước không thể tạo ra kết quả tương tự khi áp dụng trong những điều kiện hết sức khác biệt. Khi Trung Quốc mở một số vùng duyên hải cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, các đặc khu kinh tế này đã nhanh chóng phát triển thành những nền tảng xuất khẩu sôi động và tạo ra các mối liên kết phía sau đối với các vùng nội địa tiếp giáp. Tuy nhiên, khi đất nước địa khóa (landlock - nước không có biển) Mông Cổ biến toàn bộ nền kinh tế thành một khu vực thương mại và đầu tư tự do vào cuối những năm 1990, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước này chỉ là không đáng kể so với những gì mà Trung Quốc đã nhận được, và chủ yếu chỉ nhờ vào các mặt hàng nguyên liệu thô (như đồng). Ngay cả trong nội lục Trung Quốc, các tỉnh ven biển phía đông đã phát triển bùng nổ so với các tỉnh nội địa phía tây. Do đó, các đặc điểm địa lý vẫn tiếp tục áp đặt điều kiện cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nên tránh chủ thuyết địa lý quyết định tất cả; những trở ngại địa lý đặc biệt có thể khắc phục bằng những đầu tư đặc biệt (xây dựng đường xá, kiểm soát dịch bệnh, phát triển viễn thông, v.v.) hoặc khuyến khích, hỗ trợ phát triển những ngành công nghiệp thích đáng (ví dụ như những ngành có thể chịu được chi phí vận chuyển cao).

Những nghiên cứu thực nghiệm

Bằng chứng thực nghiệm ủng hộ quan điểm hiệu suất tăng theo quy mô, lực bồi tụ (Davis và Weinstein, 1998; 1999; Midelfart-Knarvik và cộng sự, 2000; Overman và Puga, 2002; Hanson, 2005), và các mối liên kết phía sau, phía trước (Midelfart-Knarvik và Steen, 1999) khiến các hoạt động kinh tế kết cụm với nhau, và mô hình von Thünen giúp giải thích lý do có động lực kinh tế xung quanh các thành phố (Fafchamps và Shilpi, 2003). Mô hình hạt nhân - ngoại vi truyền thống có sự hỗ trợ thực nghiệm đáng kể với một hiện thực là các khu vực trọng điểm của nền kinh tế toàn cầu (đặc biệt là Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản), luôn luôn có những mức năng suất ngày càng tăng lên. Ở quy mô nhỏ hơn, các nghiên cứu về tiền lương ở Mỹ và ở các nước đang phát triển cho thấy, ceteris paribus (các yếu tố khác không đổi), thu nhập của công nhân ở khu vực thành thị cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn, phản ánh năng suất cao hơn ở thành thị (Glaeser và Mare, 1994; Bairoch, 1988).

Các công trình nghiên cứu vai trò của hiệu suất tăng theo quy mô không giải quyết vấn đề ràng buộc địa lý đối với tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, quan sát của Adam Smith về vai trò của sự tiếp cận giao thông vận tải đường thủy vẫn còn giá trị. Các nghiên cứu thực nghiệm xuyên quốc gia khẳng định rằng mức thu nhập bình quân đầu người độ và tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người có tương quan thuận với các biến địa lý như khí hậu và mức độ lân cận biển (Gallup, Sachs và Mellinger, 1999; Mellinger, Sachs và Gallup, 2000), sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng giữa các vùng khác nhau trong nội địa của Trung Quốc và Ấn Độ là những bằng chứng cho thấy các yếu tố địa lý có liên quan rõ ràng đến phát triển kinh tế (Demurger và cộng sự, 2002; Sachs, Bajpai và Ramiah, 2002). Quan sát của Smith cũng ngầm nhấn mạnh rằng các quốc gia Tây Âu được hưởng những điều kiện địa lý rất thuận lợi. Bờ đại dương rộng lớn tạo ra một loạt cảng biển tự nhiên, và có nhiều con sông có thể dẫn giao thông vận tải thâm nhập sâu vào trong nội địa. Thêm vào đó, mặc dù Mỹ là một vùng đất lục địa rộng lớn nhưng 57% thu nhập lại được tạo ra bởi các quận cách bờ biển khoảng 80 km trở lại, và các quận này chỉ chiếm 13 phần trăm diện tích nước Mỹ (Rappaport và Sachs, 2003).

Các công trình lý thuyết và thực nghiệm tương lai về phát triển vùng nên nhằm mục tiêu phân tích các tác lực của sự khác biệt về địa lý và của các nền kinh tế kết tụ tự phát. Các nghiên cứu chính sách nên tìm hiểu sâu về các chính sách phát triển vùng đã được sử dụng trong quá khứ và về nhận diện các công cụ chính sách đặc biệt quan trọng. Các nhà kinh tế học và chuyên gia phát triển doanh nghiệp nên nhắm tới mục đích cung cấp các công cụ mới để giúp cho các vùng cụ thể xác định các công cụ thích hợp cho phát triển khu vực, bao gồm việc xác định những ngành nào có khả năng phát triển mạnh trong những điều kiện không gian nào.

 

Tài liệu tham khảo

Baldwin, R., Forslid, R., Martin, P., Ottaviano, G. and Robert-Nicoud, F. 2003. Economic Geography and Public Policy. Princeton: Princeton University Press. 

Bairoch, P. 1988.  Cities and Economics Development: From the Dawn of History to the Present.  Chicago: University of Chicago Press.   

Bloom, D. and Sachs, J. D.  1998. Geography, demography, and economic growth in Africa. Brookings Papers on Economic Activity 1998(2), 207–95. 

Clark, G., Feldman, M. P. and Gertler, M. 2000. The Oxford Handbook of Economic Geography. Oxford: Oxford University Press. 

Davis, D. R. and Weinstein, D. E. 1998.  Market access, economic geography, and comparative advantage: an empirical assessment. Working Paper No. 6787. Cambridge, MA: NBER. 

Davis, D. and Weinstein, D. E. 1999.  Economic geography and regional production structure: an empirical investigation.  European Economic Review 43, 379–407. 

Demurger, S., Sachs, J. D., Wing, T.-W., Bao, S. Chang, G. and Mellinger, A. 2002. Geography, economic policy, and regional development in China. Asian Economic Papers 1, 146–97.

Dixit, A. K., and Stiglitz, J. E. 1977. Monopolistic competition and optimum product diversity. American Economic Review 67, 297–308. 

Dunning, J. H., ed. 2002. Regions, Globalization, and the Knowledge-Based Economy.  New York: Oxford University Press. 

Fafchamps, M. and Shilpi, F.  2003.  The spatial division of labor in Nepal.  Journal of Development Studies  39(6), 23–66. 

Florida, R. 1995. Towards the learning region. Futures 27, 527–36. 

Fujita, M., Krugman, P. and Venables, A. J. 1999. The Spatial Economy: Cities, Regions, and International Trade.  Cambridge, MA: MIT Press. 

Gallup, J. L. and Sachs, J. D. 2000.  Agriculture, climate, and technology: why are the tropics falling behind? American Journal of Agricultural Economics 82, 731–77. 

Gallup, J. L., Sachs, J. D. and Mellinger, A. D. 1999. Geography and economic development. International Regional Science Review 22, 179–232. 

Glaeser, E. L.  2005.  Urban colossus: Why is New York America’s largest city?  Working Paper No. 11398.  Washington, DC: NBER.   

Glaeser, E. and Mare, D. 1994.  Cities and skills. Working Paper No. E94-11, Hoover Institution. 

Hanson, G. H. 2005. Market potential, increasing returns, and geographic concentration.  Journal of International Economics 67, 1–24.   

Henderson, J. V.  1988.  Urban development: Theory, Fact, and Illusion.  Oxford: Oxford University Press. 

Henderson, J. V. and Thisse, J.-F., eds. 2004. Handbook of Regional and Urban Economics, vol. 4. Amsterdam: North-Holland. 

Krugman, P.  1991. Increasing returns and economic geography. Journal of Political Economy 99, 483–99. 

Marshall, A. 1920.  Principles of Economics, 8th edn.  London: Macmillan.   

Mellinger, A. D., Sachs, J. D. and Gallup, J. L. 2000. Climate, Coastal Proximity, and Development. In Oxford Handbook of Economic Geography, ed. G. L. Clark, M. P. Feldman and M. S. Gertler. Oxford: Oxford University Press. 

Midelfart-Knarvik, K. H., Overnman, H. G., Redding, S. J. and Venables, A. J. 2000. 

The location of European industry.  Economic Papers No. 142. European Commission Directorate-General for Economic and Financial Affairs. 

Midelfart-Knarvik, K. and Steen, F.  1999.  Self-reinforcing agglomerations?  An empirical industry study.  Scandinavian Journal of Economics 101, 515–32. 

O’Flaherty, B. 2005. City Economics. Cambridge, MA: Harvard University Press.  

Overman, H. G. and Puga, D. 2002.  Unemployment clusters across European regions and countries.  Economic Policy 34, 115–47. 

Porter, M.  1990.  The Competitive Advantage of Nations.  New York: Free Press. 

Porter, M. 1995.  The competitive advantage of the inner city. Harvard Business Review 73, 55–71. 

Porter, M. 1998a.  Clusters and competition: new agendas for companies, governments and institutions.  In On Competition.  Boston: Harvard Business School Press. 

Porter, M. 1998b.  The microeconomic foundations of economic development. In World Economic Forum, Global Competitiveness Report 1998.  Geneva: WEF. 

Rappaport, J. and. Sachs, J. D. 2003. The United States as a coastal nation. Journal of Economic Growth 8, 5–46. 

Sachs, J. D., Bajpai, N. and Ramiah, A. 2002.  Understanding regional economic growth in India. Asian Economic Papers 1(3), 32–62. 

Saxenian, A. L.  2006. The New Argonauts: Regional Advantages in a Global Economy.  Cambridge, MA: Harvard University Press. 

von Thünen, J. H.  1826.  Der Isolierte Staat in Beziehung auf Landtschaft und Nationalökonomie.  Hamburg. Trans V. M. Wartenberg as Von Thünen’s Isolated State. Oxford: Pergamon Press, 1966.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN