Tổng quan tài liệu nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn
29/01/2021ThS. Cù Phúc Thành
Viện Nghiên cứu Kinh tế & PTNNL, Trường ĐH Kinh tế & QTKD, ĐHTN
Giới thiệu
Hiện nay giới khoa học kinh tế trên thế giới đều thống nhất rằng mô hình nền kinh tế mà nhân loại vẫn đang vận hành sẽ không thể bảo đảm phát triển bền vững và sẽ sụp đổ trong tương lai gần; vì vậy, thế giới chắc chắn sẽ phải chuyển đổi sang mô hình Kinh tế tuần hoàn. Khi thế giới chuyển đổi sang mô hình Kinh tế tuần hoàn thì tất yếu Việt Nam cũng phải chuyển đổi sang mô hình kinh tế này. Tuy nhiên, lĩnh vực Kinh tế tuần hoàn vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam và vẫn chưa có bài viết nào giới thiệu tổng quan tài liệu nghiên cứu về lĩnh vực này. Nhằm góp phần cung cấp thông tin về nội dung của lý thuyết Kinh tế tuần hoàn, Viện Nghiên cứu Kinh tế & PTNNL giới thiệu bài viết dưới đây.
1 Nền Kinh tế tuyến tính và những thất bại của nó
Theo Quỹ Ellen MacArthur (2013), mô hình kinh tế đang thịnh hành hiện nay có nguồn gốc từ việc những người tiêu thụ tài nguyên chủ yếu tập trung vào các khu vực phát triển nhất (tức là Phương tây) trong khi các nguyên liệu đầu vào lại có nguồn gốc từ phạm vi toàn cầu. Nguyên vật liệu rẻ hơn so với lao động nên các nhà sản xuất áp dụng mô hình kinh doanh sử dụng nhiều nguyên vật liệu và tiết kiệm lao động. Càng sử dụng nhiều năng lượng và nguyên liệu để thay thế cho nhân lực thì càng có lợi thế cạnh tranh hơn. Hệ quả là các nhà sản xuất thường xuyên bỏ qua việc tái chế, tái sử dụng và không chú trọng nhiều đến hậu quả của chất thải. Các quy tắc quản lý, kế toán và luật pháp cũng ủng hộ chương trình này vì không tính tới các thiệt hại cho toàn xã hội do cách sản xuất như vậy gây ra. Kết quả của chương trình kinh tế này là Nền kinh tế tuyến tính. Bản chất của nó là sử dụng các tài nguyên cần thiết, sản xuất hàng hóa để bán kiếm tiền và loại bỏ mọi thứ không cần - kể cả các sản phẩm ở cuối vòng đời.
Quỹ Ellen MacArthur (2013) trích dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu châu Âu Bền vững (SERI) rằng 21 tỷ tấn nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất không được đưa vào thành phẩm mà bị mất đi trong quá trình chuyển đổi giữa các dạng nguyên liệu, trong quá trình sản xuất, như các sản phẩm phụ không được sử dụng, do kém hiệu quả, do sự cố lưu trữ, v.v.; Eurostat (2011) chỉ ra rằng khối lượng nguyên liệu đầu vào cho nền kinh tế châu Âu đạt 65 tỷ tấn trong năm 2010, trong đó 2,7 tỷ tấn đã bị đổ làm chất thải, chỉ 40% trong số đó được sử dụng lại trong bất kỳ hình thức nào. Mô hình Nền kinh tế tuyến tính gây lãng phí tài nguyên rất lớn và khiến cho tài nguyên cạn kiệt rất nhanh, đồng thời xả thải quá lớn gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi Nền kinh tế tuyến tính đã rất thành công trong việc tạo ra của cải vật chất ở các quốc gia công nghiệp cho đến thế kỷ 20, nó đã cho thấy những điểm yếu trong thiên niên kỷ mới và được dự báo trong tương lai gần sẽ đi đến sự đổ vỡ cuối cùng.
Xuất phát từ các vấn đề trên, một yêu cầu cấp thiết được đặt ra là mô hình Nền kinh tế tuyến tính với quan niệm phổ biến rằng sản xuất và tiêu dùng nhiều hơn là tốt hơn cần được thay thế hoàn toàn bằng một mô hình phát triển tích cực trong đó thị trường hoạt động để tạo ra mọi thứ tốt hơn một cách tự động, có hệ thống, ở cả ở cấp độ địa phương lẫn cấp độ toàn toàn cầu (Greyson, 2016). Qua rất nhiều nỗ lực nghiên cứu, thế giới đã đi đến kết luận rằng mô hình tích cực đó cần phải là nền Kinh tế tuần hoàn (KTTH).
2 Nguồn gốc khái niệm Kinh tế tuần hoàn
Thuật ngữ Kinh tế tuần hoàn (Circular economy - CE) được Pearce & Turner (1990) chính thức sử dụng lần đầu tiên trong một mô hình kinh tế. Dựa trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào cho mọi thứ khác”, các tác giả đã có một cái nhìn phê phán về hệ thống kinh tế tuyến tính truyền thống và phát triển một mô hình kinh tế mới, đặt tên là nền KTTH, áp dụng các nguyên tắc thứ nhất và thứ hai của Định luật Nhiệt động lực học. Mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường là điểm nổi bật trong mô hình này, nó kết hợp ba chức năng kinh tế của môi trường: i) nguồn cung cấp tài nguyên; ii) tác nhân đồng hóa chất thải; và iii) nguồn cung cấp tiện ích.
Tư tưởng của Pearce & Turner lại có nguồn gốc từ công trình của Kenneth Boulding và cộng sự, những người đã thảo luận vài thập kỷ trước đó về giới hạn lý-sinh của hệ thống kinh tế hiện tại được xây dựng dựa trên tiêu thụ quá mức và sự thâm hụt sinh thái ngày càng tăng. Boulding (1966) đưa ra khái niệm về hệ thống khép kín và hình dung ra một nền kinh tế trong tương lai sẽ vận hành bằng cách tái tạo lượng đầu vào khan hiếm và tái chế chất thải đầu ra. Một nền kinh tế “đóng” như vậy sẽ tìm cách duy trì tổng vốn dự trữ và sẽ trái ngược với nền kinh tế công nghiệp dựa vào nguyên liệu “mở” trong quá khứ.
3 Các hướng nghiên cứu lý thuyết Kinh tế tuần hoàn
Sau Pearce & Turner, nhiều nghiên cứu đã giải thích KTTH theo các cách khác nhau (Lieder & Rashid, 2016):
1- Sinh thái công nghiệp. Là một ngành nghiên cứu theo cách tiếp cận hệ thống và liên quan đến quan điểm tổng thể khi xử lý hoạt động kinh tế của con người và tính bền vững (Garner & Keoleian, 1995). Trọng tâm của nguyên lý này là quan điểm cho rằng hệ sinh thái tự nhiên và hệ thống công nghiệp nhân tạo hoạt động theo một cách giống nhau và được đặc trưng bởi các dòng vật liệu, năng lượng và thông tin (Erkman, 1997; Ehrenfeld, 2007). Sự chuyển đổi sang một nền kinh tế công nghiệp bền vững sẽ đòi hỏi những thay đổi về cơ cấu và công nghệ kết hợp với sự phát triển kinh tế và văn hóa để đạt được sự tối ưu hóa về năng lượng và vật liệu (Graedel & Allenby, 1995).
Trong bối cảnh này, Frosch & Gallopoulos (1989) lập luận rằng việc tối ưu hóa toàn bộ hệ thống đòi hỏi các quy trình sản xuất được cải tiến “nhằm giảm thiểu việc tạo ra chất thải không thể tái chế (bao gồm cả nhiệt thải) cũng như giảm thiểu tiêu thụ các nguồn nguyên liệu và năng lượng khan hiếm.” Theo quan điểm của họ, cần phải có sự đổi mới trong sản xuất và thiết kế các sản phẩm và quy trình để hướng nguyên vật liệu trước đây được coi là chất thải trở lại quá trình sản xuất một cách hiệu quả.
2- Cộng sinh công nghiệp. Là một ngành áp dụng các nguyên tắc sinh thái công nghiệp ở cấp độ công ty và dự đoán sự phát triển của sự hợp tác hiệp đồng giữa các công ty liên quan đến việc trao đổi tài nguyên và sản phẩm phụ (Chertow, 2000). Sự hợp tác này không nhất thiết bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý và có thể dẫn đến sự phát triển của mạng lưới chia sẻ kiến thức và thúc đẩy đổi mới sinh thái (Lombardi & Laybourn, 2012).
3- Mô hình Cái nôi đến cái nôi. Là một phương pháp tiếp cận hệ thống liền kề nhằm mục đích chuyển đổi các dòng nguyên liệu công nghiệp. Trái ngược với các khái niệm bền vững truyền thống tập trung vào việc giảm thiểu hoặc loại bỏ tác động môi trường tiêu cực do hoạt động của con người. Mô hình Cái nôi đến cái nôi tìm cách duy trì và thậm chí nâng cao giá trị, chất lượng và năng suất của các nguồn nguyên liệu để có một môi trường tích cực (Braungart và cộng sự, 2006; Ankrah và cộng sự, 2015). Nguyên lý cơ bản của mô hình Cái nôi đến cái nôi là có hai loại vật liệu có thể được tối ưu hóa thông qua thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng: vật liệu sinh học và vật liệu kỹ thuật. Vật liệu sinh học có thể phân hủy sinh học và được trả lại môi trường một cách an toàn sau khi sử dụng; vật liệu kỹ thuật là vật liệu bền có thể được xử lý lại sau khi sử dụng và tiếp tục chảy trong một hệ thống khép kín. Việc sử dụng kiến thức được tạo ra bởi mạng lưới luồng thông tin giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sẽ là động lực chính để duy trì hoặc nâng cao giá trị và năng suất của những nguyên liệu này (Braungart và cộng sự, 2006). Ngoài khía cạnh vật chất, các nguyên tắc bổ sung của mô hình Cái nôi đến cái nôi là việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy đa dạng sinh học cũng như đa dạng văn hóa và xã hội (McDonough & Braungart, 2002).
4- Hệ thống dịch vụ sản phẩm (PSS). Lập luận rằng việc chuyển hướng sang các mô hình kinh doanh tập trung vào kết quả mang lại thay vì sản phẩm bán ra có thể cải thiện khả năng cạnh tranh và mang lại lợi ích môi trường là một lĩnh vực nghiên cứu xuất hiện vào giữa những năm 1990 (Tukker, 2015).
5- Nền kinh tế xanh. Là một khái niệm có liên quan khác đề cập đến trường hợp kinh doanh về tính bền vững và hiệu quả tài nguyên. Trong bối cảnh đó, đổi mới sáng tạo được coi là đòn bẩy cơ bản trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp hướng tới sự chuyển đổi các hoạt động thực tiễn chịu ảnh hưởng của thiết kế và chức năng của các hệ sinh thái tự nhiên. Một ví dụ là việc sử dụng chất thải từ một sản phẩm này làm đầu vào cho một quá trình sản xuất khác (Pauli, 2010).
4 Định nghĩa Kinh tế tuần hoàn
Quỹ Ellen MacArthur (2013): Định nghĩa KTTH được trích dẫn thường xuyên nhất là định nghĩa do Quỹ Ellen MacArthur đưa ra:
KTTH là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của nó.
Dựa trên các nguyên tắc và tư duy hệ thống của mô hình Cái nôi đến cái nôi, cách định nghĩa này liên quan đến việc phân biệt hai loại vật liệu khác nhau: i) vật liệu có nguồn gốc sinh học có thể quay trở lại sinh quyển như nguyên liệu thô (ví dụ: lâm sản); ii) vật liệu kỹ thuật, không thể phân hủy sinh học và xâm nhập vào sinh quyển (ví dụ như nhựa và kim loại). Nền KTTH có mục đích giữ cho cả hai loại vật liệu này luôn ở mức tiện ích và giá trị cao nhất thông qua thiết kế, quản lý và đổi mới công nghệ cẩn thận (Quỹ Ellen MacArthur, 2013; 2015). Mục tiêu tổng thể là “tạo điều kiện cho các luồng vật liệu, năng lượng, lao động và thông tin đạt hiệu quả cao để vốn tự nhiên và vốn xã hội có thể được xây dựng lại” (Quỹ Ellen MacArthur, 2013). (Chú thích của nhóm tác giả đề tài: Như vậy, thiết kế là yếu tố tối quan trọng trong KTTH.)
Ủy ban Châu Âu (2015): Mô tả khái niệm nền KTTH là nền kinh tế mà “nơi giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt và giảm thiểu việc tạo ra chất thải”. Việc chuyển đổi sang một nền KTTH sẽ tạo ra “một đóng góp thiết yếu cho nỗ lực của EU nhằm phát triển một nền kinh tế bền vững, carbon thấp, hiệu quả về tài nguyên và cạnh tranh”. Trong bối cảnh đó, Kế hoạch Hành động của EU bao gồm các biện pháp nhằm giải quyết toàn bộ chu trình sản phẩm từ sản xuất và tiêu thụ đến quản lý chất thải và thị trường nguyên liệu thô thứ cấp.
Sauvé và cộng sự (2016): Định nghĩa nền KTTH đề cập đến “sản xuất và tiêu thụ hàng hóa thông qua các dòng vật chất chảy theo vòng lặp khép kín, các dòng vật chất này nội tại hóa các yếu tố ngoại tại của môi trường liên quan đến việc khai thác tài nguyên nguyên chất và tạo ra chất thải (bao gồm cả ô nhiễm)”. Trọng tâm chính của nền KTTH là giảm tiêu thụ tài nguyên, ô nhiễm và chất thải trong mỗi bước của chu kỳ sống của sản phẩm.
Preston (2012): Định nghĩa: “Nền KTTH là một cách tiếp cận có thể chuyển đổi chức năng của các nguồn lực trong nền kinh tế. Chất thải từ nhà máy sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào có giá trị cho một quá trình khác - các sản phẩm có thể được sửa chữa, tái sử dụng hoặc nâng cấp thay vì vứt bỏ.”
EEA (2014): Định nghĩa nền KTTH “chủ yếu đề cập đến các khía cạnh tài nguyên vật chất của nền kinh tế - nó tập trung vào việc tái chế, hạn chế và tái sử dụng các yếu tố đầu vào vật chất cho nền kinh tế và sử dụng chất thải làm tài nguyên dẫn đến giảm tiêu thụ tài nguyên sơ cấp”.
Mitchell (2015): Nhấn mạnh tầm quan trọng trong nền KTTH của việc duy trì sử dụng tài nguyên càng lâu càng tốt cũng như khai thác giá trị tối đa từ các sản phẩm và vật liệu thông qua sử dụng chúng càng lâu càng tốt, sau đó khôi phục và sử dụng lại chúng.
Heck (2006): Nhấn mạnh rằng việc sử dụng năng lượng bền vững vẫn chưa đạt được vị thế bình đẳng so với tái chế và quản lý chất thải. Về mục tiêu này, tác giả gợi ý rằng quá trình chuyển đổi sang nền KTTH sẽ đòi hỏi phải giải quyết thách thức trong thiết lập nguồn cung cấp năng lượng bền vững cũng như hành động mang tính quyết định trong một số lĩnh vực khác như nông nghiệp, nước, đất và đa dạng sinh học.
Su và cộng sự (2013): Cho rằng trọng tâm của nền KTTH dần dần mở rộng ra ngoài các vấn đề liên quan đến quản lý vật chất và bao gồm các khía cạnh khác như tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, quản lý đất đai, bảo vệ đất, nước.
Bastein và cộng sự (2013): Nhấn mạnh các khía cạnh kinh tế của nền KTTH và gợi ý rằng sự chuyển đổi sang KTTH “là điều kiện thiết yếu cho một hệ thống công nghiệp có khả năng phục hồi, tạo điều kiện cho các loại hoạt động kinh tế mới, tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo ra việc làm”.
Ghisellini và cộng sự (2016): Cho rằng việc định hình lại triệt để tất cả các quy trình trong suốt vòng đời của sản phẩm do các tác nhân sáng tạo tiến hành có tiềm năng không chỉ thu hồi vật chất hoặc năng lượng mà còn cải thiện toàn bộ mô hình sống và kinh tế.
Cơ quan Quản lý Năng lượng và Môi trường của Pháp (ADEME, 2014): Nhấn mạnh rằng mục tiêu của nền KTTH là giảm tác động môi trường của việc tiêu thụ tài nguyên và cải thiện phúc lợi xã hội.
5 Lợi ích của KTTH
Marino Cavallo và cộng sự (2018) dẫn nhiều nguồn khác nhau và cho biết KTTH có các lợi ích sau đây:
(1)- Tăng trưởng kinh tế. Nền KTTH sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng. Đến năm 2030, tăng trưởng tiềm năng có thể trị giá 4,5 nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Ủy ban châu Âu ước tính rằng việc sử dụng hiệu quả hơn nguyên liệu và tài nguyên trong chuỗi cung ứng, nguyên liệu có thể giảm nhu cầu nguyên liệu thô mới từ 17 - 24% vào năm 2030, với mức tiết kiệm cho ngành công nghiệp châu Âu ước tính khoảng 630 tỷ Euro mỗi năm. Nhờ tiết kiệm đáng kể chi phí nguyên vật liệu, KTTH có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP châu Âu khoảng 3,9% và tạo ra hàng triệu việc làm mới.
(2)- Tạo ra một hệ thống kinh tế tốt hơn với sự hợp tác giữa các công ty. KTTH là một hình thức kinh tế hợp tác hơn, tập trung vào tiện ích chứ không phải sản phẩm quá nhiều, do đó sẽ dẫn đến tập trung vào chức năng và cách sử dụng của nó. KTTH là nền kinh tế trong đó chất thải của một quá trình sản xuất và tiêu dùng được luân chuyển như một phần mới trong cùng một quá trình hoặc một quá trình khác. Tất cả điều này chắc chắn dẫn đến sự hợp tác nhiều hơn không những giữa các công ty, mà còn giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu và chính các công ty để tìm ra các giải pháp hoạt động mới. Các công ty không thể chỉ nghĩ về hoạt động kinh doanh của họ mà họ phải đánh giá tác động của các hành động của họ tới môi trường.
(3)- Cải tiến sản phẩm và tiết kiệm chi phí sản xuất. KTTH tập trung vào các sản phẩm có thời hạn sử dụng lâu hơn, được phát triển để nâng cấp, chống lão hóa và sửa chữa, xem xét các chiến lược như thiết kế bền vững. Các sản phẩm, vật liệu và hệ thống khác nhau, với nhiều liên kết và biện pháp có khả năng phục hồi tốt hơn khi đối mặt với các cú sốc bên ngoài. Thực hiện cách tiếp cận KTTH trong sản xuất hàng hóa lâu bền có tuổi thọ ước tính sẽ tiết kiệm được từ 340 đến 630 tỷ Euro mỗi năm chỉ riêng ở EU, khoảng 12 - 23% chi phí thực tế phát sinh cho nguyên liệu sản xuất ở các nước trong khu vực này. Đối với một số mặt hàng tiêu dùng, chẳng hạn như thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may và bao bì, tiềm năng tiết kiệm cho vật liệu này thậm chí còn được ước tính khoảng 700 tỷ Euro mỗi năm.
(4)- Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Kéo dài thời gian sử dụng có năng suất của nguyên vật liệu, tái sử dụng và tăng hiệu quả của nó dẫn đến tăng khả năng cạnh tranh cho các công ty hoạt động theo cách này. Các công ty thực hiện KTTH có lợi thế cạnh tranh quan trọng so với các đối thủ cạnh tranh. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức được sản phẩm được tạo ra như thế nào và tác động của nó đến môi trường xung quanh. Vì vậy, người tiêu dùng thích mua sản phẩm tiêu dùng theo KTTH hơn là Kinh tế tuyến tính.
(5)- Giảm tác động đến môi trường. Các mặt hàng cơ bản (dầu mỏ, đồng, coban, liti, bạc, chì và thiếc) có thể sẽ cạn kiệt trong vòng 50 - 100 năm; vào năm 2050, hơn 40% dân số thế giới (gần 4 tỷ người) sẽ sống trong các khu vực bị thiếu nước trầm trọng. Sự can thiệp của con người, chẳng hạn như sự gia tăng khí nhà kính và việc sử dụng phân bón trong trồng trọt, đang đe dọa các kho chứa hấp thụ của hành tinh như rừng, khí quyển, đại dương. Sau đó là vấn đề chất thải, nếu tiếp tục với mô hình tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2025, rác thải đô thị sẽ tăng trên 75% và rác thải công nghiệp là 35%. Đến nay, mỗi năm thế giới tạo ra 11 tỷ tấn chất thải. KTTH sẽ làm giảm nhẹ các tác động tương tự của nền kinh tế đến môi trường.
(6)- Tạo việc làm. Áp dụng KTTH sẽ dẫn đến đóng cửa một số dây chuyền sản xuất và / hoặc dịch vụ và mở cửa những dây chuyền khác. Tuy nhiên, sự cân bằng trở lại là khả quan: theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, chỉ tính riêng trong lĩnh vực quản lý chất thải cũng có thể tạo ra 178.000 việc làm trực tiếp mới vào năm 2030. Con số này nói chung có thể tăng lên đến 580,000 việc làm.
(7)- Thuận lợi cho các gia đình. Một báo cáo của Quỹ Ellen MacArthur cũng đã cố gắng định lượng các khoản tiết kiệm thu được từ việc thực hiện KTTH. Điều này sẽ tạo ra sự tiết kiệm dưới dạng chi phí thấp hơn cho các nguồn lực chính, những chi phí liên quan đến việc sử dụng sản phẩm (ví dụ, để bảo dưỡng xe, nếu chúng được chia sẻ) và những chi phí liên quan đến các tác động bên ngoài như tắc nghẽn và khí thải nhà kính, cần được giảm mạnh. Báo cáo cho thấy rằng khoản tiết kiệm sẽ tích lũy chủ yếu ủng hộ các gia đình, những người sẽ được hưởng trung bình 11% thu nhập khả dụng nhiều hơn nhờ vào hiệu quả của nền KTTH. Điều này sẽ cho phép tăng chi tiêu ít nhất 7% GDP vào năm 2030.
6 Nguyên tắc của Kinh tế tuần hoàn
Vasileios Rizos và cộng sự (2017) đã tổng kết các nghiên cứu khác nhau trên thế giới và đưa ra 3 nguyên tắc cơ bản của KTTH, đó là: (1) Sử dụng ít tài nguyên sơ cấp hơn; (2) Duy trì giá trị cao nhất của nguyên liệu và sản phẩm; (3) Thay đổi mô hình sử dụng sản phẩm.
(1)- Sử dụng ít tài nguyên sơ cấp hơn. Để bảo đảm nguyên tắc này cần thực hiện các quy trình: tái chế, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, tận dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo.
(1.1)- Tái chế. Là việc tái đưa các nguyên liệu còn sót lại vào quy trình sản xuất để chúng có thể được điều chế lại thành các sản phẩm mới. Trong nhiều thập kỷ, đây là cách truyền thống nhất để thực hiện các nguyên tắc KTTH bằng cách nắm bắt giá trị của các sản phẩm và nguyên liệu hiện có và giảm việc sử dụng nguyên liệu chính. Giảm việc khai thác các nguồn tài nguyên sơ cấp thông qua tái chế có thể mang lại nhiều lợi ích về môi trường và cũng giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính liên quan đến việc sử dụng tài nguyên vật liệu.
(1.2)- Sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Là sản xuất sạch hơn, tập trung vào việc đạt được hiệu quả nguyên vật liệu và năng lượng trong các quá trình sản xuất (UNEP & Sida, 2006), sử dụng cẩn thận tài nguyên, thay thế các tài nguyên nguy hiểm hoặc có tuổi thọ ngắn (Nilsson và cộng sự, 2007). Để sản xuất sạch hơn cần phải cải tiến quy trình và sản phẩm của sản xuất công nghiệp. Cần bảo tồn nguyên liệu thô, giảm đầu vào nguyên liệu, giảm tiêu thụ năng lượng và nước, tránh các chất độc hại trong các quá trình và giảm phát thải và chất thải độc hại. Trong trường hợp thứ hai, nó có thể đề cập đến việc giảm các tác động (môi trường, sức khỏe và an toàn) trong toàn bộ chuỗi cuộc sống (từ khai thác nguyên liệu thô đến thải bỏ cuối cùng) (Hinterberger & Schneider, 2001; Hilson, 2003; UNEP, 2001).
(1.3)- Tận dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo được. Việc sử dụng ngày càng nhiều các nguồn năng lượng tái tạo là yêu cầu cốt lõi để chuyển đổi sang KTTH.
(2) Duy trì giá trị cao nhất của nguyên liệu và sản phẩm. Nguyên tắc này có thể được bảo đảm bằng các quy trình: tái sản xuất, tân trang và tái sử dụng các sản phẩm, linh kiện và gia hạn tuổi thọ sản phẩm.
(2.1)- Tái sản xuất, tân trang, tái sử dụng các sản phẩm và linh kiện. Là việc các sản phẩm sau khi đã qua sử dụng sẽ được phục hồi và chế tạo thành các sản phẩm mới. Trong quá trình tân trang và tái sản xuất, các bộ phận cốt lõi của sản phẩm được khôi phục để duy trì giá trị gia tăng của vật liệu. Tái sản xuất là quy trình chuyên sâu hơn nhằm khôi phục sản phẩm về tình trạng như mới. Tân trang là việc khôi phục ít chuyên sâu hơn cho sản phẩm (van Weelden và cộng sự, 2016). Tái sử dụng sản phẩm và linh kiện là tái sử dụng trực tiếp hoặc bán lại toàn bộ hoặc một phần của sản phẩm (JRC, 2011).
(2.2)- Gia hạn tuổi thọ sản phẩm. Là chú trọng nhiều hơn vào giai đoạn thiết kế vòng đời sản phẩm (Bocken và cộng sự, 2016). Điều này sẽ dẫn đến phải tiêu chuẩn hóa các thành phần về kích thước hoặc vật liệu. Ví dụ, trong lĩnh vực xây dựng việc kéo dài tuổi thọ sản phẩm được thực hiện bằng cách thiết kế các thành phần mô-đun được sử dụng trong xây dựng. Các thành phần tiêu chuẩn hóa này có thể được tái sử dụng trong các tòa nhà mới hoặc thay thế và sử dụng trong cơ sở hạ tầng hoặc trong lĩnh vực công nghiệp khác (ARUP, 2016).
(3) Thay đổi mô hình sử dụng sản phẩm. Nguyên tắc này được bảo đảm bằng các mô hình: sản phẩm như dịch vụ, chia sẻ sử dụng, thay đổi mô hình tiêu dùng.
(3.1)- Sản phẩm như dịch vụ. Là cách thức cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng thuê để sử dụng chứ không phải là bán các sản phẩm hữu hình cho khách hàng.
(3.2)- Chia sẻ sử dụng. Là tìm cách giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm dưới mức công dụng tiềm năng qua đó hỗ trợ việc sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. (Chú thích của nhóm tác giả đề tài: Ví dụ, một số người không thường xuyên sử dụng ô tô có thể dùng chung 1 chiếc ô tô chứ không cần phải là mỗi người có 1 chiếc ô tô. Như vậy chiếc ô tô đó được sử dụng đầy đủ công dụng tiềm năng và nền kinh tế không cần phải lãng phí tài nguyên vào việc sản xuất những chiếc ô tô “thừa”.) Các mô hình chia sẻ sử dụng góp phần tạo ra vốn xã hội đích thực (JRC, 2016) và ý thức cộng đồng. Mô hình này cũng có thể có hình thức chia sẻ công nghệ và cơ sở hạ tầng giữa các đối tác (Balanay & Halog, 2016).
(3.3)- Thay đổi mô hình tiêu dùng: Những tiến bộ về công nghệ thông tin có thể dẫn đến thay đổi mô hình tiêu dùng. Nhiều người chọn các sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại tiện ích trên thực tế thay vì vật chất. (Chú thích của nhóm tác giả đề tài: Ví dụ, nhu cầu về sách thực chất là nội dung kiến thức và thông tin chứ không phải là quyển sách vật chất nên người tiêu dùng chuyển sang sử dụng sách kỹ thuật số.) Những ví dụ khác là điện thoại thông minh, âm nhạc và cửa hàng trực tuyến. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm của mình hầu như bằng các kênh ảo (ví dụ: bán sản phẩm kỹ thuật số thông qua các cửa hàng trực tuyến) và cũng ngày càng giao tiếp với khách hàng ảo thông qua quảng cáo web, e-mail và phương tiện truyền thông xã hội (Lewandowski, 2016; Ellen MacArthur Foundation, 2015). Những thay đổi này có thể dẫn đến tiết kiệm tài nguyên và tăng năng suất.
7 Mô hình kinh doanh theo Kinh tế tuần hoàn
Doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác là động lực trung tâm của KTTH nên để có thể đưa KTTH vào thực tiễn thì phải có các mô hình kinh doanh KTTH hữu hiệu cho các doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh áp dụng. Tuy nhiên, sau khi tập hợp, phân tích tất cả các công trình nghiên cứu có liên quan đến mô hình kinh doanh KTTH (cả thảy 235 công trình) trên toàn thế giới, Bocken và cộng sự (2019) đã cho biết rằng các mô hình hiện có chỉ có tính chất hướng dẫn khái quát như: hình thành ý tưởng và thiết kế; thực hiện và thử nghiệm; đánh giá và cải tiến. Phần lớn các mô hình này chỉ có bản chất định tính, tập trung vào giai đoạn ý tưởng và thiết kế mà chưa được kiểm nghiệm chắc chắn trong thực tiễn. Theo các tác giả, tình trạng này là do KTTH là một lĩnh vực vẫn còn tương đối mới nên chưa có các nghiên cứu chuyên sâu về mô hình áp dụng (Bocken và cộng sự, 2019). Trong các mô hình hướng dẫn nói trên, Quỹ Ellen MacArthur đưa ra mô hình đơn giản, dễ áp dụng và có phạm vi ứng dụng bao trùm nhất nên có thể sử dụng làm chỉ dẫn cho việc xây dựng các mô hình kinh doanh KTTH đối với từng trường hợp cụ thể. Mô hình này được tóm tắt bằng sơ đồ trong Hình 1.
Hình 1: Mô hình kinh doanh theo KTTH (mô hình áp dụng KTTH vào thực tiễn)
Nguồn: Quỹ Ellen MacArthur (2015)
Thuyết minh:
1- Nguyên liệu thô. Sử dụng ít nguyên liệu thô hơn (Cairns và cộng sự, 2019), tăng hiệu quả của các quy trình chiết xuất nguyên liệu và lựa chọn các nguồn nguyên liệu mới không gây tổn hại đến môi trường (Fernandes, 2020), sử dụng các nguyên vật liệu có thể tái sinh hoặc tái chế và năng lượng tái tạo (Schmidt và cộng sự, 2019). Tiêu chuẩn ISO 20400 (Mua sắm bền vững) là một công cụ quan trọng ở giai đoạn này (Fernandes, 2020).
2- Thiết kế. Thiết kế là khâu tối quan trọng, có vai trò quyết định đến: i) khả năng sinh lời của mô hình kinh doanh; ii) bảo đảm các vòng lặp khép kín và tính tuần hoàn của tất cả các khâu trong quy trình chuỗi giá trị. Cần thiết kế các sản phẩm và dịch vụ mới với giá trị gia tăng lớn hơn (Fernandes, 2020). Các sản phẩm và bao bì được thiết kế để sử dụng lâu bền hơn, sử dụng các vật liệu bền vững hơn và có thể dễ dàng tái chế khi đã đến cuối vòng đời (Cairns và cộng sự, 2019). Giai đoạn thiết kế không chỉ giới hạn ở nguyên vật liệu và sản phẩm mà còn áp dụng cho tất cả các khâu khác trong quy trình chuỗi giá trị, nhất là áp dụng cho các giải pháp sản xuất và cung cấp dịch vụ (Fernandes, 2020). Các giải pháp sản xuất và cung cấp dịch vụ này có thể được áp dụng theo ba yếu tố: yếu tố cấu trúc (chẳng hạn như cơ sở vật chất), yếu tố sản xuất (thiết bị) và yếu tố vận hành (các giải pháp ít tác động hơn, chẳng hạn bằng cách loại bỏ các thủ tục không cần thiết). ISO 14044 (Đánh giá vòng đời) và ISO 14006 (Thiết kế sinh thái) cung cấp hướng dẫn về vấn đề này và giúp tạo cơ sở để phân tích vòng đời của sản phẩm và dịch vụ.
3- Sản xuất và chế tạo lại. Tăng hiệu suất quy trình sản xuất, giảm chi phí năng lượng và nguyên liệu để tăng tỷ suất lợi nhuận và thu nhập. Tìm kiếm các giải pháp thay thế mới trong quy trình sản xuất và xem xét lại các quy trình sản xuất có thể mang lại lợi ích. Việc sử dụng chuyên môn hóa có thể là một giải pháp tận dụng lợi thế về quy mô của các công ty chuyên môn hóa, với những cải tiến về hiệu quả và chất lượng, đồng thời cho phép các tổ chức tập trung vào dòng sản xuất chính. Việc kiểm soát các quá trình ở giai đoạn này là cần thiết để tránh sai lệch so với kế hoạch ban đầu và hậu quả là lãng phí. Việc chế tạo lại sản phẩm góp phần làm giảm mức nguyên vật liệu sử dụng để tạo ra sản phẩm mới. Các tiêu chuẩn như ISO14001, FER - End of Waste Statute, ISO14067 (Carbon Footprint of the Product), ISO 14046 (Water Footprint) là những công cụ kiểm soát quan trọng đối với chất lượng cuối cùng của sản phẩm và để kiểm soát quá trình sản xuất và tác động của chúng (Fernandes, 2020).
3- Phân phối. Các phương pháp và kỹ thuật Logistic tốt nhất tạo thuận lợi cho việc vận chuyển và phân phối, tránh việc đi lại không cần thiết và tốn kém. Việc tối ưu hóa các tuyến đường vận chuyển và phân phối làm giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm thời gian giao hàng, thu tiền. Các hoạt động sửa chữa và tân trang thiết bị, phương tiện vận tải có tác dụng kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của chúng và giúp có sẵn thiết bị trong tình trạng tốt với chi phí thấp hơn (Fernandes, 2020). Các nhà bán lẻ cung cấp những sản phẩm có thể dễ dàng tái sử dụng và tân trang; cung cấp các dịch vụ bảo trì, sửa chữa; thu mua lại sản phẩm đã đến cuối vòng đời; hỗ trợ nhà sản xuất tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách hàng về KTTH (Cairns và cộng sự, 2019). ISO 14067 (Dấu chân carbon của sản phẩm) giúp đo lường hiệu quả của quá trình vận chuyển và phân phối (Fernandes, 2020).
4- Tiêu dùng, sử dụng, tái sử dụng và sửa chữa. Người tiêu dùng cần lựa chọn mua những sản phẩm sản xuất theo quy trình kinh tế tuần hoàn; sử dụng theo cách kéo dài tuổi thọ sản phẩm; sửa chữa sản phẩm hoặc sang nhượng cho người khác để tái sử dụng hoặc tân trang; chia sẻ sử dụng sản phẩm (Cairns và cộng sự, 2019). Việc cho thuê phương tiện vận tải, các thiết bị và sản phẩm khác có thể tận dụng tối đa thời gian sử dụng của chúng (Fernandes, 2020). Tiêu chuẩn ISO 20400 (Mua sắm bền vững) một lần nữa là một công cụ hữu ích ở giai đoạn này (Fernandes, 2020).
5- Thu gom. Thu gom là quy trình thu hồi sản phẩm ở cuối vòng đời, đã hết giá trị sử dụng mà không còn có thể tái sử dụng, tân trang hoặc chế tạo lại được nữa. Quy trình thu gom phải phù hợp với thực tế của khu vực: một phương pháp thu gom tốt ở thành phố không có nghĩa là sẽ tốt ở nông thôn, quy trình thu gom chất thải rắn đô thị chắc chắn là không phù hợp cho việc thu gom chất thải công nghiệp (Fernandes, 2020).
6- Tái chế và xử lý cuối vòng đời. Tái chế là chuyển một phần dòng cặn, chất thải thành nguyên liệu thô và đưa trở lại vào vòng tuần hoàn để sản xuất sản phẩm mới. Trong hoạt động này, điều quan trọng nhất là tăng tỷ lệ sử dụng rác tái chế, tăng hiệu quả của các quá trình xử lý, giảm chi phí và tăng lợi nhuận (bằng cách tăng chất lượng của sản phẩm tái chế). Các tiêu chuẩn như FER - Tình trạng hết chất thải, cho phép kiểm soát chất lượng của chất thải dành cho việc tái chế (Fernandes, 2020).
Xử lý cuối vòng đời là sự kết thúc của dây chuyền đối với tất cả các chất thải không thể tái chế thành nguyên liệu thô được nữa (chất thải còn lại). Lượng chất thải còn lại phải được giảm đến mức tối thiểu để chu kỳ kinh tế thực sự là KTTH. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực của giai đoạn này đối với môi trường, việc kiểm soát các hoạt động xử lý giai đoạn cuối phải tương xứng với các tác động của nó, phải áp dụng các công nghệ có thể điều trị các tác dụng phụ.
Trên đây là những nội dung cơ bản nhất, được cập nhật mới nhất về tổng quan tài liệu nghiên cứu KTTH. Lĩnh vực KTTH còn nhiều nội dung quan trọng khác như kinh nghiệp phát triển KTTH trên thế giới, chính sách phát triển KTTH, các rào cản đối với việc áp dụng KTTH vào thực tiễn, v.v... Những nội dung này sẽ được Viện Nghiên cứu Kinh tế & PTNNL giới thiệu trong các bài viết sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Athanasios – Valavanidis (2018). Concept and Practice of the Circular Economy. https://www.researchgate.net/publication/326625684_Concept_and_Practice_of_the_Circular_Economy
Bocken, N., Strupeit L., Whalen, K. and Nußholz, J. (2019). A Review and Evaluation of Circular Business Model Innovation Tools. https://www.researchgate.net/publication/332388475_A_Review_and_Evaluation_of_Circular_Business_Model_Innovation_Tools
Camacho-Otero, J., Boks, C. and Pettersen, I. (2018). Consumption in the Circular Economy: A Literature Review. https://www.researchgate.net/publication/326875145_Consumption_in_the_Circular_Economy_A_Literature_Review
Cavallo, M., Cencioni, D. (2018). Circular Economy, benefits and good practices. https://www.researchgate.net/publication/326106729_Circular_Economy_benefits_and_good_practices
Ellen MacArthur Foundation (2013). Towards Circular Economy. https://www.ellenmacarthurfoundation.org/assets/downloads/publications/Ellen-MacArthur-Foundation-Towards-the-Circular-Economy-vol.1.pdf
European Commission (2020). Circular Economy Action Plan. https://ec.europa.eu/environment/circular-economy/pdf/new_circular_economy_action_plan.pdf
European Investment Bank (2020). The EIB Circular Economy Guide Supporting the circular transition. https://www.eib.org/attachments/thematic/circular_economy_guide_en.pdf
Fernandes, P. (20200. Circular Economy As A Way Of Increasing Efficiency In Organizations. The Porto Protocol. https://www.portoprotocol.com/circular-economy-as-a-way-of-increasing-efficiency-in-organizations/
Ferreira, A. and Fuso-Nerini, F. (2019). A Framework for Implementing and Tracking Circular Economy in Cities: The Case of Porto. https://www.researchgate.net/publication/332028790_A_Framework_for_Implementing_and_Tracking_Circular_Economy_in_Cities_The_Case_of_Porto
Fogarassy, C. and Finger, D. (2020). Theoretical and Practical Approaches of Circular Economy for Business Models and Technological Solutions. https://www.mdpi.com/2079-9276/9/6/76
Hartley, K., Santen, R., Kirchherr, J. (2020). Policies for transitioning towards a circular economy: Expectations from the EuropeanUnion (EU). https://www.researchgate.net/publication/340355658_Policies_for_transitioning_towards_a_circular_economy_Expectations_from_the_European_Union_EU
Heshmati, A. (2015). A Review of the Circular Economy and its Implementation. http://ftp.iza.org/dp9611.pdf
Klein, N., Ramos, T., and Deutz, P. (2020). Circular Economy Practices and Strategies in Public Sector Organizations: An Integrative Review. https://www.researchgate.net/publication/341534540_Circular_Economy_Practices_and_Strategies_in_Public_Sector_Organizations_An_Integrative_Review
Lahti, T., Wincent, J., Parida, V. (2018). A Definition and Theoretical Review of the Circular Economy, Value Creation, and Sustainable Business Models:Where Are We Now and Where Should Research Move in the Future? https://www.google.com/search?q=circular+economy+pdf&oq=Cir&aqs=chrome.0.69i59l3j69i57j46j69i60l3.4445j0j7&sourceid=chrome&ie=UTF-8
Mathieux, F., Nuss, P., Bobba, S. (2017). Critical raw materials and the circular economy. European Commission. https://www.researchgate.net/publication/344475868_European_Commission_Report_on_critical_raw_materials_and_the_circular_economy
Merli, R., Preziosi, M., & Acampora, A. (2018). How do scholars approach the circular economy? A systematic literature review. Journal of Cleaner Production, 178, 703–722. https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2017.12.112
Ministry of Environment & Energy of Greece (2018). National circular economy strategy. https://circulareconomy.europa.eu/platform/sites/default/files/national_circular_economy_strategy.pdf
Minunno, R., O’Grady, T., Morrison, G., Gruner, R.and Colling, M. (2018). Strategies for Applying the Circular Economy to Prefabricated Buildings. https://www.researchgate.net/publication/327489076_Strategies_for_Applying_the_Circular_Economy_to_Prefabricated_Buildings
Nordic Council of Ministers (2015). Moving towards a circular economy – Successful Nordic business models. https://www.semanticscholar.org/paper/Moving-towards-a-circular-economy-%3A-successful-Ki%C3%B8rboe-Sramkova/1b94858920a3cc09e45be9078378aa26f81746e4
Nußholz, J. (2017). Circular Business Models: Defining a Concept and Framing an Emerging Research Field. https://www.researchgate.net/publication/320313492_Circular_Business_Models_Defining_a_Concept_and_Framing_an_Emerging_Research_Field
OECD (2018). Business Models for the Circular Economy. https://www.oecd.org/environment/waste/policy-highlights-business-models-for-the-circular-economy.pdf