Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

Tổng quan tài liệu nghiên cứu Nông nghiệp tuần hoàn

 31/01/2021  6641

ThS. Cù Phúc Thành

Viện Nghiên cứu Kinh tế & PTNNL, Trường ĐH Kinh tế & QTKD

Giới thiệu

Nông nghiệp tuần hoàn là nền nông nghiệp áp dụng các nguyên tắc của Kinh tế tuần hoàn vào thực hành sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp. Do nông nghiệp liên quan trực tiếp đến sự sống của con người; có quy mô sản xuất rất lớn; sử dụng nhiều tài nguyên cho sản xuất và là một trong những lĩnh vực xả thải ra môi trường lớn nhất nên thế giới đã đặc biệt quan tâm nghiên cứu vấn đề ứng dụng Kinh tế tuần hoàn vào lĩnh vực nông nghiêp; do đó, các tài liệu nghiên cứu về Nông nghiệp tuần hoàn của thế giới là khá phong phú. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay thì hầu như chưa có tài liệu nào giới thiệu khái niệm Nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện, đầy đủ về căn bản; mặc dù nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt vớ những nguy cơ phát triển không bền vững vô cùng gay gắt. Bài viết sau đây giới thiệu một nghiên cứu tổng quan về Nông nghiệp tuần hoàn nhằm lấp khoảng trống nghiên cứu này.

 

1          Khái niệm Nông nghiệp tuần hoàn

Theo van Bodegom và cộng sự (2019), khái niệm Nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) được phát triển dựa trên ý tưởng từ khái niệm KTTH, sử dụng lý thuyết và nguyên tắc của sinh thái công nghiệp. Sinh thái công nghiệp tìm cách giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm thải ra môi trường bằng cách đóng vòng lặp sử dụng vật liệu và chất liệu. Mục đích của NNTH là không sử dụng nhiều diện tích hoặc tài nguyên hơn mức cần thiết. Điều này có thể đạt được bằng cách sản xuất theo các vòng lặp tài nguyên đóng kín (WUR, 2018). Trong NNTH, chất thải được xem như nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm mới.

Van Bodegom và cộng sự (2019) cũng cho rằng một số hệ thống sản xuất nông nghiệp có thể được mô tả toàn bộ hoặc một phần là nông nghiệp tuần hoàn, những hệ thống này có nguồn gốc lâu đời và dựa trực tiếp vào việc bắt chước các quá trình sinh thái. (Chú thích của nhóm tác giả đề tài: Những hệ thống sản xuất nông nghiệp này chính là nền nông nghiệp cổ truyền của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.)

2          Sự cần thiết phải áp dụng Nông nghiệp tuần hoàn

Van Bodegom và cộng sự (2019) tổng hợp các nghiên cứu khác nhau và cho biết sự cần thiết của việc thay thế nông nghiệp tuyến tính sang NNTH vì các lý do sau:

  1. Hệ thống lương thực toàn cầu hiện nay có tác động về mặt môi trường rất lớn, thải ra 1/4 tổng số khí nhà kính, gây ra nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học, ô nhiễm nước ngọt và biển, đồng thời chiếm 40% diện tích đất không có băng và sa mạc của thế giới (de Boer & van Ittersum, 2018).
  2. Thách thức chính trong những thập kỷ tới là sản xuất đủ thực phẩm an toàn và bổ dưỡng cho các thế hệ tương lai mà không làm cạn kiệt tài nguyên hoặc phá hủy hệ sinh thái của Trái đất (Jurgilevich và cộng sự, 2016).
  3. Nhu cầu tiếp tục và ngày càng tăng đối với các sản phẩm (vẫn đang được sản xuất tuyến tính) gây áp lực trực tiếp lên các nguồn lực (Rood và cộng sự, 2017).
  4. Dự trữ các nguyên tố dễ chiết xuất quan trọng đối với sản xuất thực phẩm (như phốt phát, kali) đang khan hiếm và giảm dần, do đó, điều quan trọng là phải tái chế và tái sử dụng chúng (Burgo và cộng sự, 2019).
  5. Hệ thống nông nghiệp hiện tại dựa trên chuỗi cung ứng, các tác nhân tham gia chuỗi đều hướng tới thu được lợi ích kinh tế lớn nhất nên sử dụng các nguyên liệu thô theo ý mình và chế biến chúng với chi phí thấp nhất và năng suất cao nhất chứ không tính tới tiết kiệm nguyên liệu. Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng vì hệ thống chứa nhiều rò rỉ, lãng phí, kém hiệu quả (MoA, 2018).

3          Các cách tiếp cận nghiên cứu Nông nghiệp tuần hoàn

Van Bodegom và cộng sự (2019) tổng hợp các nghiên cứu NNTH trên thế giới và phân loại các lý thuyết này theo cách tiếp cận, theo đó, có các cách tiếp cận sau đây.

3.1       Nhấn mạnh vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi

Jurgilevich và cộng sự (2016) cho rằng NNTH ngụ ý giảm lượng chất thải tạo ra trong hệ thống thực phẩm, tái sử dụng thực phẩm, tận dụng các sản phẩm phụ và chất thải thực phẩm, tái chế chất dinh dưỡng và thay đổi chế độ ăn uống theo hướng đa dạng hơn và hiệu quả hơn, tránh lãng phí, dư thừa thực phẩm. Các biện pháp phải được thực hiện ở cả cấp độ người sản xuất và người tiêu dùng, và cuối cùng là quản lý chất thải.

De Boer và van Ittersum (2018) đồng ý với định nghĩa này và cải tiến nó một chút: Hướng tới một hệ thống thực phẩm tuần hoàn ngụ ý tìm kiếm các phương pháp thực hành và công nghệ nhằm giảm thiểu đầu vào của các nguồn tài nguyên hữu hạn, khuyến khích sử dụng các nguồn tài nguyên tái sinh, ngăn chặn sự rò rỉ tài nguyên thiên nhiên từ hệ thống thực phẩm, và kích thích việc tái sử dụng và tái chế các nguồn tài nguyên thất thoát không thể tránh khỏi theo cách bổ sung giá trị cao nhất có thể cho hệ thống thực phẩm.

De Boer và van Ittersum (2018) xác định ba nguyên tắc đối với sản xuất thực phẩm tuần hoàn:

1- Sinh khối thực vật là thành phần cơ bản của thực phẩm và nên được con người sử dụng đầu tiên. Nguyên tắc này ngụ ý sự chuyển dịch từ năng suất cao nhất của một cây trồng đơn lẻ sang tổng số lượng và chất lượng cao nhất của toàn bộ cây trồng và các thảm thực vật khác (bao gồm các sản phẩm phụ như rơm, lá hoặc thân cây). Trọng tâm không phải là đồng nhất, một vụ mà toàn bộ hệ thống cây trồng.

2- Các sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất, chế biến và tiêu dùng thực phẩm cần được tái chế trở lại hệ thống. Hệ thống thực phẩm dẫn đến nhiều sản phẩm phụ khác nhau như phụ phẩm cây trồng, đồng sản phẩm từ quá trình thực phẩm, chất thải thực phẩm và động vật và cuối cùng là phân người. Ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn lãng phí các sản phẩm phụ ăn được của con người; ngăn chặn chất thải thực phẩm. Các sản phẩm phụ không thể sử dụng ngay cho con người cần được tái chế trở lại hệ thống thực phẩm, ví dụ: chất thải lò mổ, phân động vật và phân người, các chất thải thực phẩm không tránh khỏi khác.

3- Sử dụng động vật cho những gì chúng giỏi. Động vật có thể tái chế sinh khối mà con người không thể trực tiếp tiêu thụ được để chuyển đổi thành thực phẩm chất lượng cao, bổ dưỡng, qua đó thực phẩm không bị mất đi trong quá trình sản xuất. Thay vì tiêu thụ sinh khối mà con người có thể ăn được như ngũ cốc, động vật chuyển đổi các thức ăn cấp thấp (như tàn dư cây trồng, phụ phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm, các thất thoát lãng phí thực phẩm không thể tránh khỏi, cỏ) thành các thức ăn có giá trị, phân và các sản phẩm khác.

3.2       Nhấn mạnh vào hai đầu của chuỗi sản xuất nông nghiệp

Sinh khối không chỉ được sử dụng để sản xuất thực phẩm mà ngày càng được sử dụng nhiều để sản xuất dược liệu, hóa chất (như nhựa sinh học), vật liệu xây dựng (như vật liệu sinh học), năng lượng (nhiên liệu sinh học) nên sẽ cần nhiều sản xuất ở quy mô lớn hơn để tạo ra nhiều sinh khối hơn. Rood và cộng sự (2017) xác định ba yêu cầu cơ bản đối với các hệ thống thực phẩm tuần hoàn:

3.2.1    Quản lý tối ưu các nguồn lực

Tài nguyên thiên nhiên phải được sử dụng và quản lý có hiệu quả. Những tài nguyên đó bao gồm đất, nước, đa dạng sinh học, và khoáng sản. Nhu cầu sinh khối tăng lên đòi hỏi không gian, trong NNTH điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả không gian khan hiếm hiện có và sử dụng hiệu quả các khoáng chất. Các khoáng chất mà con người tiêu thụ trong thực phẩm hầu hết nằm trong cống rãnh, chúng cần được thu hồi và tái sử dụng.

3.2.2    Sử dụng thực phẩm một cách tối ưu

Giảm lãng phí thực phẩm là một điểm khởi đầu quan trọng trong bối cảnh này. Hiện nay 1/3 thực phẩm được sản xuất trên toàn thế giới bị lãng phí. Trong quá trình chế biến thực phẩm, các dòng cặn được tạo ra chỉ được lên men để lấy năng lượng. Tuy nhiên, các dòng cặn này thường chứa các protein, khoáng chất và chất xơ có giá trị. Cần tìm ra các cách để sử dụng chúng càng nhiều càng tốt cho tiêu dùng của con người. Ngoài ra, sự thay đổi trong chế độ ăn uống của con người (ví dụ chuyển từ thức ăn có nguồn gốc động vật thức ăn thực vật nhiều protein) cũng sẽ phù hợp với hệ thống sản xuất thực phẩm tuần hoàn, vì điều này đòi hỏi ít tài nguyên thiên nhiên hơn.

3.2.3    Sử dụng tối ưu các dòng cặn

Nhiều dòng cặn, chẳng hạn như thân cà chua, bã củ cải đường và bánh mì cũ có chứa rất nhiều sinh khối nên nếu được sử dụng tối ưu thì sẽ giảm sự mất mát sinh khối xuống mức thấp nhất có thể. Điều này có nghĩa là tìm kiếm giá trị kinh tế cao nhất với ít thiệt hại nhất cho môi trường. Các trở ngại cho việc tái sử dụng các dòng cặn cần được khắc phục.

3.3       Tiếp cận hệ thống thực phẩm liên quan đến NNTH

Van Berkum và cộng sự (2018) lấy hệ thống thực phẩm làm điểm khởi đầu của khái niệm NNTH. Họ định nghĩa hệ thống thực phẩm bao gồm tất cả các quá trình liên quan đến sản xuất và sử dụng thực phẩm: trồng trọt, thu hoạch, đóng gói, chế biến, vận chuyển, tiếp thị, tiêu thụ và thải bỏ thực phẩm còn lại. Tất cả các hoạt động này đòi hỏi đầu vào và kết quả là sản phẩm hoặc dịch vụ, thu nhập và khả năng tiếp cận thực phẩm, cũng như các tác động đến môi trường.

Trên cơ sở khái niệm hệ thống thực phẩm, van Berkum và cộng sự (2019) để định nghĩa NNTH như sau: NNTH là một khái niệm sinh thái dựa trên nguyên tắc tối ưu hóa việc sử dụng tất cả các sinh khối. NNTH nhằm thu hẹp vòng lặp nguyên liệu và chất chiệu, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên và giảm thải ra môi trường.

Cả NNTH lẫn phương pháp tiếp cận hệ thống lương thực đều liên kết với các thách thức toàn cầu: biến đổi khí hậu và khan hiếm nước; đô thị hóa và chuyển đổi chế độ ăn uống; năng suất thấp, đói kém và suy dinh dưỡng; phá rừng và giảm đa dạng sinh học. Kết hợp phương pháp tiếp cận hệ thống lương thực và NNTH có thể cung cấp các giải pháp hữu ích để thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

3.4       Nông nghiệp tái sinh, quản lý chất thải hữu cơ, nông nghiệp đô thị

Quỹ Ellen MacArthur (2018) nêu ra ba đòn bẩy KTTH có thể áp dụng cho hệ thống lương thực đô thị và sau đó góp phần giảm lượng khí thải carbon:

3.4.1    Đóng các vòng dinh dưỡng và sử dụng nông nghiệp tái sinh

Nông nghiệp tái sinh coi trang trại là một phần của hệ sinh thái lớn hơn. Mối quan tâm trung tâm ở đây là bảo tồn sức khỏe của đất. Bằng cách trả lại chất hữu cơ cho đất dưới dạng phụ phẩm ủ hoai mục, thức ăn thừa hoặc chất tiêu hóa từ các nhà máy xử lý, hàm lượng hữu cơ trong lớp đất mặt tăng lên và cải thiện cấu trúc đất. Tiềm năng hấp thụ carbon thông qua nông nghiệp tái sinh là rất đáng kể.

3.4.2    Thu hồi giá trị từ các chất dinh dưỡng hữu cơ

Nếu để thối rữa, chẳng hạn trong các bãi chôn lấp, chất hữu cơ sẽ giải phóng mêtan, một loại khí nhà kính mạnh. Quản lý tốt hơn sinh khối loại bỏ có thể đảo ngược tình trạng này. Các lựa chọn là: (i) thu hồi năng lượng từ chất hữu cơ bằng cách sản xuất khí sinh học có kiểm soát, và (ii) nhà máy lọc sinh học chuyển chất thải thực phẩm thành thức ăn giàu dinh dưỡng cho động vật (ví dụ thức ăn cho côn trùng).

3.4.3    Nông nghiệp đô thị

Theo Quỹ Ellen Macarthur (2018), sản xuất thực phẩm gần nơi tiêu thụ có thể làm giảm lượng khí thải carbon. Giảm hoạt động vận chuyển thực phẩm đường dài (chiếm 11% lượng khí thải) sẽ giảm thiểu khí thải carbon đáng kể. Lượng bao bì thực phẩm (chiếm 80% lượng khí thải liên quan đến thực phẩm) cũng sẽ được giảm bớt. Nông nghiệp đô thị cần xác định vị trí trang trại trên mái nhà đô thị, thu hoạch nước rơi trên mái nhà và sử dụng hệ thống thủy canh.

3.5       Tiếp cận theo tính đa dạng địa phương và tư duy cộng đồng

Duncan & Pascucci (2016) nghĩ đến việc thiết kế một hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu dài hạn. Họ cho rằng thiết kế một nền NNTH có nghĩa là thiết kế các hệ thống sản xuất thực phẩm không chỉ là tái chế các bộ phận cấu thành của chúng. Điều cần thiết là các quy trình thiết kế phục hồi và xây dựng khả năng phục hồi và tính linh hoạt cao hơn cho hệ thống. Họ xác định ba nguyên tắc:

3.5.1    Chất thải là thức ăn

Điều này có nghĩa là một sản phẩm phải được thiết kế theo cách loại bỏ việc sử dụng các vật liệu độc hại và nguy hiểm. Trong một tình huống lý tưởng, thiết kế này coi vật liệu là chất dinh dưỡng cho các chất chuyển hóa, giữ cho các đặc tính của chúng tinh khiết và tăng thêm giá trị. Nông nghiệp hữu cơ, nông học và nuôi trồng thủy sản đều là những ví dụ về phương pháp tiếp cận nông học xem xét các chu kỳ tự nhiên của các yếu tố này và nhằm mục đích tránh sử dụng chúng ở bất kỳ dạng hóa thạch nào.

3.5.2    Sử dụng năng lượng tái tạo

Nguyên tắc này nhằm khơi gợi suy nghĩ lại về loại năng lượng nên được sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm.

3.5.3    Tôn vinh sự đa dạng

Điều này có nghĩa là hiểu được ảnh hưởng của quá trình chuyển hóa vật chất đối với sự đa dạng của địa phương và cách chúng ta có thể tích hợp tư duy cộng đồng và sự đa dạng văn hóa vào quá trình thiết kế hệ thống đáp ứng nhu cầu dài hạn. Nó ngụ ý sử dụng các giống loài lớn hơn và sử dụng các giống địa phương đã thích nghi với điều kiện vi khí hậu. Về mặt kinh tế - xã hội, tôn vinh sự đa dạng được kết nối với các thực hành công bằng dọc theo chuỗi cung ứng lương thực, bao gồm cả việc đánh giá kỹ lưỡng sự cạnh tranh giữa việc sử dụng đất để làm lương thực hoặc phi lương thực.

3.6       Tiếp cận theo tư duy hệ thống sinh thái

Jones và cộng sự (2010) nêu rõ rằng giải pháp thay thế cho mô hình tuyến tính hiện tại là phát triển các hệ thống sản xuất nhằm giảm thiểu các yếu tố đầu vào bên ngoài, ô nhiễm và chất thải bằng cách áp dụng chuyển hóa tuần hoàn. Đầu tiên là phải dựa vào các hệ thống chu trình tự nhiên của nước, nitơ và carbon. Thứ hai, chất thải từ loài này là thức ăn cho loài khác, hoặc được chuyển hóa thành dạng hữu ích bởi các quá trình và chu trình tự nhiên.

Pimbert (2015) cho biết rằng trong hệ thống sản xuất tuần hoàn, chuỗi cung ứng chuyên biệt và tập trung được thay thế bằng mạng lưới hệ thống năng lượng và thực phẩm có khả năng phục hồi và phi tập trung được tích hợp với hệ thống quản lý nước và quản lý chất thải bền vững. Các hệ thống tuần hoàn có thể được phát triển ở các quy mô khác nhau bằng cách sử dụng đa dạng sinh học theo chức năng, phân nhóm sinh thái các ngành công nghiệp, tái chế hoặc bằng cách tái địa phương hóa sản xuất và tiêu dùng.

3.7       Tiếp cận theo Kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp bền vững và lập kế hoạch sản xuất

Burgo và cộng sự (2019) không đưa ra định nghĩa rõ ràng về NNTH mà liên kết khái niệm KTTH với tính bền vững và coi NNTH như một giải pháp thay thế bền vững cho sự phát triển của nông nghiệp. Họ thúc đẩy một mô hình bao gồm các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội cần thiết để đạt được sự phát triển bền vững trong suốt chu trình sản xuất, phân phối, thay đổi và tiêu dùng. Họ nhấn mạnh một cách tiếp cận tổng thể hơn dựa trên các dòng năng lượng, vật liệu, nước và đất, cũng như việc giảm phát thải carbon dioxide và các khí nhà kính khác, có khả năng gây hại cho sức khỏe con người.

Các tác giả nói trên cho rằng cần phải lập kế hoạch sản xuất dựa trên kiến ​​thức của người dân địa phương có nhu cầu thực phẩm kết hợp với đánh giá về thặng dư có thể có theo khả năng sản xuất, có tính đến sự đa dạng của sản phẩm. Những thông tin này giúp xác định bao nhiêu đất cần được chuẩn bị để trồng trọt. Tiếp theo, cần tổ chức sản xuất liên quan đến các quá trình nông nghiệp, nhấn mạnh tất cả các nhiệm vụ canh tác và chăm sóc đất. Điều này ngụ ý có tính đến việc tổ chức các dòng năng lượng; chu trình vật chất, trình tự và sự đa dạng trong hệ sinh thái nông nghiệp. Tất cả các yếu tố cho việc tổ chức công việc cũng được thiết lập. Chúng bao gồm lịch trình làm việc, cách thức tổ chức lực lượng lao động và phân phối các yếu tố đầu vào cho công việc.

4          Tổng kết các lý thuyết Nông nghiệp tuần hoàn khác nhau

Qua xem xét các nghiên cứu về NNTH theo các cách tiếp cận khác nhau đã nêu trên, chúng ta có thể thấy các lý thuyết NNTH tập trung vào các nội dung sau đây:

  1. Tối ưu hóa việc sử dụng tất cả sinh khối trong hệ thống thực phẩm.
  2. Quản lý tài nguyên tối ưu.
  3. Sử dụng tối ưu thực phẩm, giảm lãng phí thực phẩm.
  4. Sử dụng tối ưu các dòng cặn.
  5. Tối ưu hóa (không tối đa hóa) sản lượng đem lại từ tài nguyên thiên nhiên bằng cách luân chuyển các sản phẩm, thành phần và vật liệu.
  6. Tái chế các sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất, chế biến và tiêu dùng thực phẩm để đưa trở lại hệ thống.
  7. Đóng kín các vòng dinh dưỡng và sử dụng nông nghiệp tái sinh.
  8. Tăng cường hiệu quả bằng cách xác định và sau đó loại bỏ dần các hoạt động lãng phí và bất lợi.
  9. Bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên bằng cách cân bằng các dòng tài nguyên tái tạo.
  10. Thu hồi giá trị từ các chất dinh dưỡng hữu cơ.
  11. Sinh khối thực vật là thành phần cơ bản của thực phẩm và nên được con người sử dụng trước tiên.
  12. Sử dụng động vật để chuyển đổi nguyên liệu mà con người không thể tiêu hóa thành thức ăn có giá trị cao cho con người.
  13. Thiết lập các hình thức hợp tác mới giữa các cá nhân và tổ chức.
  14. Thúc đẩy phát triển hệ thống lương thực địa phương và khu vực có thể đóng các vòng lặp tài nguyên (đặc biệt là đối với đô thị).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Borrello et al. (2016). The Seven Challenges for Transitioning into a Bio-based Circular Economy in the Agri-food Sector. https://www.researchgate.net/publication/298432407_The_Seven_Challenges_for_Transitioning_into_a_Bio-based_Circular_Economy_in_the_Agri-food_Sector

Cingiz, K. and Justus (2019). Circular Approach and the Sustainability of the Agro-food System – Closing Resource Loops to Improve Sustainability, Nature and Food Quality. Workshop hosted by OECD-Dutch Ministry of Agriculture, Paris, 2019. https://www.researchgate.net/publication/332472271_OECD-Dutch_Ministry_of_Agriculture_Nature_and_Food_Quality_Workshop_Circular_Approach_and_the_Sustainability_of_the_Agro-food_System_-_Closing_Resource_Loops_to_Improve_Sustainability_The_Implications

Cingiz, K.and Wesseler, J. (2019). Opportunities and the Policy Challenges to the Circular Agri-foodSsystem. http://biomonitor.eu/wp-content/uploads/2019/05/Opportunities-and-the-Policy-Challenges.pdf

Han Jun, He Xiang (2010). Development of Circular Economy Is A Fundamental Way to Achieve Agriculture Sustainable Development in China. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1876610211011982

Klerkx, L., Jakku, E., Labarthe, P. (2019). A review of social science on digital agriculture, smart farming and agriculture 4.0: New contributions and a future research agenda. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1573521419301769

Muscio, A., Sisto, R. (2020). Article Are Agri-Food Systems Really Switching to a Circular Economy Model? Implications for European Research and Innovation Policy. https://www.researchgate.net/publication/342862371_Are_Agri-Food_Systems_Really_Switching_to_a_Circular_Economy_Model_Implications_for_European_Research_and_Innovation_Policy

Nußholz, J. (2017). Circular Business Models: Defining a Concept and Framing an Emerging Research Field. https://www.researchgate.net/publication/320313492_Circular_Business_Models_Defining_a_Concept_and_Framing_an_Emerging_Research_Field

van Bodegom, A., van Middelaar, J., Metz N. (2019). Circular Agriculture in Low and Middle Income Countries. Discussion paper, Food & Knowledge Platform.

https://knowledge4food.net/wp-content/uploads/2020/03/191016_fbkp-circular-agriculture-lmics_discussionpaper.pdf

Ward, S., Holden, N., White, E., Oldfield, T. (2016). The 'circular economy' applied to the agriculture (livestock production) sector.Discussion paper, Workshop on the Sustainability of the EU's Livestock Production Systems, hosted by European Commission, DG Agriculture and Rural Development, Belgium, 2016.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN