Tổng quan tài liệu nghiên cứu Rào cản, Chính sách và Kinh nghiệm phát triển Kinh tế tuần hoàn
31/01/2021ThS. Cù Phúc Thành
Viện Nghiên cứu Kinh tế & PTNNL, Trường ĐH kinh tế & QTKD
Giới thiệu
Là một lĩnh vực còn rất mới mẻ và do đòi hỏi phải tuân thủ những quy trình rất phức tạp và chặt chẽ nên mô hình Kinh tế tuần hoàn (KTTH) rấtkhó thực hiện và thường có nhiều rào cản lớn. Do đó, khi áp dụng KTTH vào thực tiễn thì phải đặc biệt chú ý tới các rào cản tiềm năng. Để có thể vượt qua các rào cản thì trước hết cần phải nhận diện rõ chúng, vì vậy, việc nghiên cứu các thách thức, rào cản đối với KTTH là rất quan trọng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm phát triển KTTH của các nước khác nhau trên thế giới là những bài học thực tiễn vô giá cũng cần phải được xem xét kỹ càng. Muốn thực hành mô hình KTTH trong thực tiễn thì điều tiên quyết là phải có khung pháp lý để bảo đảm cơ chế vận hành nền KTTH được trôi chảy trơn tru, nghĩa là phải có các chính sách phát triển KTTH. Bài viết dưới đây trình bày tổng quan tài liệu nghiên cứu về Rào cản, Chính sách và Kinh nghiệm phát triển KTTH trên thế giới.
1 Các nghiên cứu về Rào cản của Kinh tế tuần hoàn
Trong công trình Rào cản và động lực đối với nền KTTH - Tổng quan tài liệu nghiên cứu, Freek van Eijk tổng hợp tất cả các nghiên cứu của thế giới về các loại rào cản của KTTH và lập ra danh sách gồm 13 rào cản chính sau đây (Freek van Eijk, 2015):
- Thiếu chính sách định giá tài nguyên khiến cho giá tài nguyên vẫn tương đối rẻ, điều này đã dẫn đến không khuyến khích sử dụng hiệu quả các nguồn lực hoặc không khuyến khích chuyển đổi sang KTTH.
- Thiếu kỹ năng và đầu tư vào việc thiết kế và sản xuất sản phẩm tuần hoàn.
- Thiếu sự phối hợp giữa các chu kỳ tuần hoàn trong mỗi chuỗi giá trị và giữa các chu kỳ tuần tuần hoàn của các chuỗi giá trị có liên quan với nhau do không có sự đồng bộ về quyền quản trị và về động lực thúc đẩy chuyển đổi sang KTTH.
- Người tiêu dùng và doanh nghiệp khó chấp nhận những mô hình tiêu dùng mới như như cho thuê sản phẩm chứ không phải là bán sán phẩm để người tiêu dùng sở hữu, thanh toán dựa trên hiệu suất, v.v…
- Thiếu bí quyết và các khuyến khích kinh tế, trong đó bao gồm cả các khuyến khích sửa chữa và tái sử dụng sản phẩm.
- Người tiêu dùng thiếu thông tin về nguồn gốc và khả năng dễ hỏng của sản phẩm, điều này đã không giúp nâng cao nhận thức của họ về các khía cạnh của KTTH.
- Thiếu sự phân loại rác thải tại nguồn (đặc biệt là rác thải thực phẩm và bao bì).
- Các cơ quan công quyền thiếu các khuyến khích mua sắm bền vững.
- Thiếu đầu tư và đổi mới cơ sở hạ tầng và công nghệ tái chế, phục hồi.
- Sự thiếu hài hòa của các hệ thống phân luồng vận tải trong các thành phố và giữa các thành phố dẫn đến sự nhầm lẫn giữa người gửi hàng và người vận tải, gây ra lãng phí nhiên liệu.
- Yếu kém về tính nhất quán của các chính sách (ví dụ: chính sách năng lượng sinh học và chất thải).
- Thiếu nguồn tài chính phù hợp cho các mô hình kinh doanh KTTH.
- Có rất nhiều các chuỗi sản phẩm kinh doanh theo cách thức cũ đã được lên kế hoạch thực hiện và vẫn đang tiếp tục thực hiện.
Xia và cộng sự (2020) đã phân tích các rào cản đối với việc phát triển KTTH trong nông nghiệp ở Trung Quốc dựa trên Lý thuyết Các bên Liên quan (Parmar và cộng sự, 2010) và chỉ ra rằng các bên liên quan chính trong việc thúc đẩy sự phát triển của NNTH là chính phủ, nông dân và doanh nghiệp. Theo đó, các rào cản cũng xuất phát từ các tác nhân này, cụ thể như sau:
- Các rào cản từ chính phủ (Xia và cộng sự, 2020):
- Các chính sách và quy định liên quan không hoàn hảo.
- Cơ chế quản trị không hoàn hảo.
- Chính sách ưu đãi khoa học và trợ cấp tài chính còn thiếu.
- Chính phủ ít chú trọng hơn vào chính sách tài chính.
- Cơ sở hạ tầng hiện tại còn yếu.
- Việc thúc đẩy công nghệ xanh Vành đai và Con đường còn chậm.
- Các quan chức chính quyền địa phương có nhận thức về môi trường yếu kém.
- Các rào cản từ nông dân (Xia và cộng sự, 2020):
- Nông dân có nhận thức về môi trường yếu kém.
- Nông dân còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp.
- Nông dân không tận dụng hiệu quả chính sách tài chính xanh.
- Các rào cản từ doanh nghiệp (Xia và cộng sự, 2020):
- Chi phí sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao.
- Thiết kế sản phẩm và quy trình sản xuất yếu kém.
- Doanh nghiệp yếu kém về đổi mới công nghệ.
- Cơ chế tổ chức sản xuất còn lạc hậu.
- Quy mô sản xuất nhỏ, mức công nghiệp hóa thấp.
- Vẫn tồn tại sự mất cân đối giữa cung và cầu thị trường.
Merli và cộng sự (2018) nghiên cứu các rào cản đối với việc chuyển đổi sang KTTH của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Tây Ban Nha và phân biệt hai loại rào cản là rào cản cứng và rào cản mềm. Rào cản cứng là các yếu tố như thiếu nguồn lực tài chính, thiếu công nghệ, thông tin, chính sách. Loại rào cản cứng có thể được giải quyết bằng kích thích tài chính, đổi mới công nghệ, thiết lập chính sách. Rào cản mềm là các yếu tố liên quan đến nhận thức và ý thức của các bên liên quan như các nhà sản xuất, khách hàng. Loại rào cản này khó khắc phục hơn.
Tura và cộng sự (2019) nêu ra các rào cản sau đây đối với việc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn của các doanh nghiệp:
- Chi phí đầu tư cao, thiếu khả năng tài chính, thiếu hỗ trợ tài chính.
- Thiếu công cụ và phương pháp đo lường lợi ích dài hạn cho các dự án KTTH.
- Nhận thức xã hội còn kém, không chắc chắn về phản ứng cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, thiếu cơ chế thị trường để hồi phục, thiếu những hỗ trợ rõ ràng.
- Có nhiều quy định phức tạp và chồng chéo.
- Thiếu hỗ trợ chính phủ, thiếu chuyên gia hoạch định chính sách hiểu biết về KTTH.
2 Các nghiên cứu về Chính sách phát triển Kinh tế tuần hoàn
2.1 Tổng quan tài liệu nghiên cứu chính sách phát triển KTTH
Kris Hartley, Ralf van Santen và Julian Kirchherr (2020) đã giới thiệu tổng quan tài liệu nghiên cứu về chính sách phát triển KTTH trên thế giới như sau.
(1)- Tiếp cận dựa trên quy trình sản xuất để loại bỏ chất thải. Saavedra và cộng sự (2018), Hauschild và cộng sự (2017), Reh (2013), Zuo và Yang (2006) nghiên cứu các cơ hội giảm thiểu chất thải tồn tại trong suốt quá trình sản xuất và vòng đời sản phẩm và đưa ra các chính sách đòi hỏi các nhà sản xuất phải phân bổ nguồn lực để phân tích, tái cấu hình công nghiệp và đào tạo lại công nhân.
(2)- Mua sắm công bền vững. Sự đóng góp của các quyết định mua hàng của chính phủ đối với sự tiến bộ của KTTH đã được Witjes và Lozano (2016), Wu và cộng sự (2014) trình bày là một chủ đề chính nhằm kết nối thực tiễn chính sách. Mua sắm công bền vững cũng nằm trong khái niệm Mua sắm bền vững (SPP).
(3)- Kết hợp SPP và KTTH. Hướng nghiên cứu chính sách này được khám phá từ nhiều góc độ phân tích, bao gồm các cuộc khảo sát và so sánh các thực hành (Wang và cộng sự, 2018; McDowall và cộng sự, 2017; Islam và Siwar, 2013; Roos, 2013; Walker và cộng sự, 2012a ; Brammer và Walker, 2011; Perera và cộng sự, 2007).
(4)- Các đánh giá về các xu hướng và phương pháp nghiên cứu chính sách liên quan đến SPP. Adjei-Bamfo và cộng sự 92019), Knebel và cộng sự (2019), Korhonen và cộng sự (2018), Cheng và cộng sự (2018), Esposito và cộng sự (2018), Cui và Zhang (2018), Walker và cộng sự (2012) đóng góp cho hướng nghiên cứu này.
(5)- Tập trung vào các lĩnh vực chuyên biệt khác nhau. Nußholz và cộng sự (2019), Zhu và cộng sự (2019), Lazarevic và Valve (2017) tập trung vào các tiêu chuẩn chất lượng; Witjes và Lozano (2016), Wu và cộng sự (2014) tập trung vào mua sắm công; Cruz-Pastrana và Franco-García (2019) tập trung vào cơ chế thị trường; Schroeder và cộng sự (2019), da Silva (2018), Bicket và Vanner (2016) tập trung vào giáo dục, xúc tiến và nâng cao kỹ năng; Wilts và O'Brien (2019, Silva và cộng sự (2019) tập trung vào cơ sở hạ tầng; Geng và cộng sự (2009) tập trung vào khuyến khích tài chính; Gåvertsson và cộng sự (2018) tập trung vào dán nhãn liên quan đến chất lượng của các sản phẩm tái sử dụng và tái sản xuất.
(6)- Sử dụng hỗn hợp chính sách để chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế sang KTTH. Cách tiếp cận phân tích này ngụ ý rằng không có chính sách đơn lẻ nào có thể thúc đẩy sự hỗ trợ, bổ sung giữa các lĩnh vực, các ngành cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang KTTH.
Ekvall và cộng sự (2016) đề xuất một hỗn hợp chính sách để kích thích hiệu quả nguồn lực, nhấn mạnh cả các công cụ chính sách chính và chính sách bổ sung (ví dụ: thuế nguyên liệu, mở rộng trách nhiệm của người sản xuất và các yêu cầu kỹ thuật). Wilts và O’Brien (2019) đề xuất một cách tiếp cận phân tích dựa trên hỗn hợp chính sách tương tự để hiểu hiệu quả nguồn lực ở EU, tập trung vào thiết kế công cụ, hiệp đồng chính sách và tính nhất quán của chính sách. Hughes và Ekins (2018) cho rằng các hỗn hợp chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nên mang tính tổng thể và tăng cường lẫn nhau trên các lĩnh vực chính sách, tập trung vào các kịch bản “đôi bên cùng có lợi” về kinh tế và môi trường. Watkins et al. (2016) đưa ra các đánh giá định tính về môi trường về chính sách sử dụng đất, chính sách kim loại và chính sách chung, kết luận rằng các điều kiện để thay đổi văn hóa và hành vi là một mục tiêu quan trọng để giám sát và quy định.
2.2 Đề xuất khung chính sách KTTH của Kris Hartley, Ralf van Santen và Julian Kirchherr
Sau khi rà soát tổng quan tài liệu nghiên cứu về chính sách KTTH, Kris Hartley, Ralf van Santen và Julian Kirchherr (2020) khuyến nghị một khung chính sách nhằm chuyển đổi nền kinh tế EU sang KTTH. Những khuyến nghị này có giá trị tham khảo và áp dụng hết sức hữu ích đối với các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình trong việc chuyển đổi sang KTTH nên sẽ được giới thiệu dưới đây.
Nhóm chính sách 1: Tiếp tục áp dụng các thiết kế tiêu chuẩn và các quy tắc áp dụng KTTH ở cấp độ EU. Bao gồm: (1) Quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong chu trình KTTH (ví dụ: người sản xuất, người tiêu dùng, người phân phối, người thu gom, v.v.); (2) Thiết lập và phổ biến các tiêu chuẩn KTTH của EU theo trình tự từ trên xuống; (3) Quy định rõ thời gian bắt buộc để đạt được các mục tiêu cần tuân thủ; (4) Xây dựng và phổ biến hướng dẫn về cách kết hợp các tiêu chuẩn, ví dụ: Tiêu chuẩn EN45558 và EN 45559 về độ bền, khả năng sửa chữa và khả năng tái chế của sản phẩm.
Nhóm chính sách 2: Mở rộng mua sắm theo KTTH của EU và các nước thành viên. Nhóm này bao gồm: (1) Định hướng lại các quy tắc mua sắm theo hướng mua sắm tuần hoàn (với các lựa chọn mua sản phẩm tuần hoàn được ưu tiên hơn các lựa chọn mua sản phẩm tuyến tính); (2) Quy định tiêu chuẩn mua sắm thông qua các ngưỡng phần trăm nội dung tái chế, khả năng tái sử dụng và hiệu quả sinh thái (dựa trên cái nhìn tổng thể về KTTH); (3) Liên tục mở rộng mua sắm công theo KTTH để tạo thị trường cho các nhà sản xuất sản phẩm tuần hoàn.
Nhóm chính sách 3: Thay đổi thuế đối với các sản phẩm KTTH. Bao gồm: (1) Giảm thuế VAT trên toàn EU cho các sản phẩm được tái sử dụng và những sản phẩm có tỷ lệ nội dung tái chế nhất định; (2) Tăng VAT cho các sản phẩm Kinh tế tuyến tính; (3) Giảm thuế doanh nghiệp cho các công ty tham gia vào các hành vi liên quan đến KTTH (ví dụ: tái chế, phân loại và xử lý rác thải, v.v.).
Nhóm chính sách 4: Tự do hóa kinh doanh chất thải. Bao gồm: (1) Giảm bớt các quy định về buôn bán và sử dụng chất thải nếu khi làm như vậy không ảnh hưởng đến các mục tiêu chính sách khác như bảo vệ sức khỏe và an toàn; (2) Phân tích và cải cách đối với luật hiện hành liên quan của EU, ví dụ: “Chất thải được liệt kê xanh” được miễn trừ trong Quy định vận chuyển chất thải châu Âu.
Nhóm chính sách 5: Tạo điều kiện phát triển các nền tảng giao dịch tuần hoàn. Bao gồm: (1) Các chương trình hợp vốn và giảm thuế cho các nền tảng mới và hiện có; (2) Miễn thuế VAT cho các sản phẩm và tài nguyên được bán dựa trên các nền tảng đó; (3) Giảm bớt các quy định về buôn bán và sử dụng chất thải nếu khi làm như vậy không ảnh đến các mục tiêu chính sách khác như bảo vệ sức khỏe và an toàn.
Nhóm chính sách 6: Hình thành các khu công nghiệp sinh thái. Bao gồm: (1) Rà soát và thể chế hóa các yếu tố thành công của khu công nghiệp sinh thái; (2) Thí điểm khu công nghiệp sinh thái và nền tảng thử nghiệm; (3) Nhân rộng và mở rộng quy mô của mô hình khu công nghiệp sinh thái đã thí điểm thành công.
Nhóm chính sách 7: Mở chiến dịch quảng bá và tiếp thị nền KTTH. Bao gồm: (1) Chiến dịch toàn EU tập trung vào tầm quan trọng của KTTH, thông qua các kênh truyền thống (ví dụ: TV, radio và tạp chí) và các kênh phi truyền thống (ví dụ: phương tiện truyền thông xã hội như Snapchat, Instagram và Facebook); (2) Tổ chức các cuộc thi tìm nguồn cung ứng cộng đồng để tạo ra ý tưởng và quyền sở hữu; (3) Cung cấp tài chính bổ sung cho các chiến dịch nâng cao nhận thức KTTH đang hoạt động.
Nhóm chính sách 8: Thiết lập cơ sở dữ liệu kế toán dòng nguyên vật liệu toàn cầu. Bao gồm: (1) Tài trợ cho việc phát triển và vận hành Cơ sở dữ liệu phân tích dòng nguyên liệu, giúp việc truy cập trở nên minh bạch, thân thiện với người dùng và có sẵn với chi phí tối thiểu hoặc miễn phí; (2) Yêu cầu các nhà sản xuất phải thu thập thông tin về loại, khối lượng và tình trạng của các đầu ra chất thải của chính họ để đưa vào cơ sở dữ liệu.
3 Các nghiên cứu về Kinh nghiệm phát triển Kinh tế tuần hoàn
Trong khuôn khổ Dự án Kinh nghiệm thực hiện Kinh tế tuần hoàn bên ngoài Châu Âu thuộc Chương trình nghiên cứu và đổi mới tầm nhìn 2020 của Liên minh Châu Âu, các tác giả dự án là Renault và cộng sự (2019) đã nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm phát triển KTTH của các nước ngoài châu Âu trên khắp thế giới. Trong số các nước đó, kinh nghiệm của 5 nước có giá trị tham khảo rất lớn đối với Việt Nam nên sẽ được giới thiệu dưới đây.
3.1 Kinh nghiệm của Hoa Kỳ
Theo Renault và cộng sự (2019), năm 2014, Hoa Kỳ đã tạo ra 258 triệu tấn chất thải rắn đô thị và chỉ 34% được tái chế hoặc làm phân trộn. Chuyển sang KTTH có thể đem lại khoảng 4 nghìn tỷ Euro tăng trưởng kinh tế bổ sung vào năm 2030 và có thể là cuộc cách mạng kinh tế lớn nhất trong 250 năm.
KTTH ở Hoa Kỳ được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp tư nhân. Mục tiêu của các công ty riêng lẻ nằm ở lợi thế cạnh tranh có thể đạt được bằng cách chuyển đổi sang KTTH. Các sáng kiến tài trợ cũng được thực hiện bởi khu vực tư nhân, chẳng hạn như Quỹ vòng lặp đóng. Do đó, những đối tượng thực hành KTTH lớn nhất cũng thuộc khu vực tư nhân, với Cat Reman, Caterpillar có ngân sách toàn cầu là 41,3 tỷ Euro và doanh thu 7,5 tỷ Euro trong nền KTTH. Caterpillar là công ty tiên phong trong nền KTTH và đã hoạt động trong lĩnh vực này từ năm 1973 với sự thành lập của Cat Reman. Cat Reman sửa chữa và bán lại máy móc đã qua sử dụng để giảm thiểu chất thải và tiêu thụ tài nguyên trên toàn thế giới. Có tầm quan trọng lớn đối với KTTH ở Hoa Kỳ cũng là Các ngành công nghiệp thiện chí. Vật chất quyên góp được thu thập và bán lại trong các cửa hàng của chính công ty. Qua đó, Các ngành công nghiệp thiện chí cũng đóng góp vào KTTH bên cạnh viện trợ xã hội. Doanh thu năm 2012 của Các ngành công nghiệp thiện chí lên tới 3,1 tỷ Euro. (Renault và cộng sự 2019)
Nhiều công ty mới và khái niệm kinh doanh mới đang xuất hiện ở Hoa Kỳ có tầm quan trọng trên toàn thế giới đối với nền KTTH. Một ví dụ về điều này là Lehigh Technologies, được mua lại bởi Michelin Tires. Quy trình của công ty làm việc với các phế liệu đã được loại bỏ kim loại và sợi, sử dụng nitơ lỏng để biến phần cao su còn lại đủ lạnh để có thể nghiền thành một hỗn hợp mịn. Lehigh tìm nguồn nguyên liệu từ các nhà tái chế lốp xe hoặc như một phần của thỏa thuận thực hiện một quy trình vòng lặp khép kín với các nhà sản xuất lốp xe. Cho đến năm 2019, các sản phẩm của Lehigh đã được sử dụng để sản xuất hơn 500 triệu lốp xe sử dụng mô hình tuần hoàn. (Renault và cộng sự 2019)
Nguồn vốn được cung cấp chủ yếu thông qua các sáng kiến tài trợ tư nhân. Với khoảng 87,9 triệu Euro, Quỹ vòng lặp đóng là một trong những sáng kiến lớn nhất và với các nhà tài trợ lớn như 3M, Colgate Palmolive, Coca-Cola, Dr Pepper Snapple Group, Goldman Sachs, Johnson & Johnson, Keurig Green Mountain, PepsiCo, Procter & Gamble, Unilever và Walmart. Họ xây dựng một quỹ cung cấp cho các thành phố các khoản vay không lãi suất và các công ty tư nhân tham gia vào quan hệ đối tác công tư với lãi suất thấp hơn thị trường để thúc đẩy đầu tư vào các chương trình tái chế và một quỹ mạo hiểm để hỗ trợ các công ty giai đoạn đầu và một nền tảng tài trợ R&D của công nghệ và mô hình kinh doanh tập trung vào việc xây dựng KTTH. Ngoài ra, có một số sáng kiến nhằm giảm thiểu chất thải ở cấp khu vực ở các bang riêng lẻ. Việc định giá tình trạng KTTH của Hoa Kỳ là khá khó khăn. Một mặt, có những công ty hoạt động trên toàn cầu với phạm vi tiếp cận cao, doanh thu cao và các sáng kiến tư nhân; mặt khác, khu vực công vẫn còn rất yếu trong KTTH.
3.2 Kinh nghiệm của Nhật Bản
Theo Renault và cộng sự (2019), mục tiêu của các chương trình tài trợ cho nghiên cứu và đổi mới liên quan đến KTTH ở Nhật Bản là thành lập một Xã hội tuần hoàn (XHTH) mà KTTH chỉ là một phần trong đó. XHTH tập trung nhiều hơn vào việc thiết lập một xã hội văn minh tuần hoàn ở Nhật Bản nhằm tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho các thế hệ sau. Ngày nay, lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới liên quan đến KTTH ở Nhật Bản dựa trên và được thúc đẩy mạnh mẽ bởi chiến lược quốc gia của Nhật Bản - Kế hoạch Cơ bản - để thành lập một XHTH vật chất hợp lý.
Năm 2003, phiên bản đầu tiên của Kế hoạch Cơ bản để thiết lập một XHTH vật chất hợp lý được đưa ra. Chính phủ Nhật Bản đặt ra chiến lược tổng thể của XHTH là giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng trong tổng nguyên liệu đầu vào, khai thác tài nguyên, tạo ra chất thải và tiêu thụ năng lượng. Kế hoạch này cố gắng giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và tải trọng môi trường. Năm 2008, phiên bản thứ 2 của Kế hoạch được thực hiện. Kế hoạch này đã mở rộng phạm vi quảng bá XHTH ra phạm vi quốc tế, nhằm mục đích trở thành trung tâm của XHTH ở Đông Á. Các nguồn tài nguyên thứ cấp mà các nước khác không thể xử lý được có thể được Nhật Bản tái tạo bằng công nghệ tiên tiến của mình, tiếp tục giảm tải môi trường toàn cầu và làm phong phú thêm nguồn nguyên liệu trong nước. Các viện công nghiệp và học thuật quốc tế được khuyến khích trao đổi thông tin và học tập tại Nhật Bản. (Renault và cộng sự 2019)
Năm 2013, phiên bản thứ 3 của Kế hoạch đã được thực hiện. Vai trò và nhiệm vụ chính của từng bên liên quan được xác định rõ ràng hơn. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp được chia thành sản xuất, bán lẻ, xử lý chất thải, tái chế, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư. Nhờ kinh nghiệm của trận động đất và sóng thần Tohoku năm 2011, việc bổ sung quy định về xử lý chất thải sau thảm họa đã được tăng cường. Vào năm 2018, Kế hoạch Cơ bản lần thứ 4 để thành lập một XHTH vật liệu hợp lý đã được Nội các phê duyệt vào ngày 19 tháng 6 năm 2018, chỉ ra các biện pháp cần được thực hiện theo cách thức chiến lược. Các nội dung chính của Kế hoạch 2018 là: i) lưu thông tài nguyên trong toàn bộ vòng đời: Thông qua Cách mạng Công nghiệp 4.0, tiến hành luân chuyển tài nguyên trong toàn bộ vòng đời bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cần thiết cho những người có nhu cầu, khi cần thiết và với số lượng cần thiết; ii) tăng cường các hành động ở thượng nguồn lưu thông; iii) mở rộng việc sử dụng vật liệu tái chế, thiết kế cho môi trường, mô hình hóa bằng công nghệ 3D, v.v.; iv) xúc tiến và đánh giá hoạt động kinh doanh liên quan đến KTTH. (Renault và cộng sự 2019)
Các lĩnh vực được quan tâm nhất là:
Nhựa: Thiết lập Chiến lược nhựa và xúc tiến các biện pháp đi kèm. Các bước để lưu thông tài nguyên nhựa là: i) giảm sử dụng hộp, bao bì và đồ nhựa dùng một lần để giảm tác động môi trường; ii) thu gom và tái chế nhựa đã qua sử dụng hoặc không sử dụng một cách triệt để và hiệu quả; iii) tăng cường tính thực tiễn của nhựa sinh học và thúc đẩy sử dụng các giải pháp thay thế cho nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.
Sinh khối: Chiến dịch quốc gia nhằm giảm thiểu chất thải thực phẩm, các biện pháp chống tái chế chất thải thực phẩm không phù hợp và nỗ lực hướng tới việc tái chế thực phẩm đúng đắn.
Kim loại: Thúc đẩy thu gom và tái chế các thiết bị gia dụng nhỏ cùng với tiến hành Dự án Kim loại Tokyo 2020.
Đá và vật liệu xây dựng: Giảm xây dựng và phá dỡ chất thải bằng cách tăng cường các tòa nhà và kéo dài tuổi thọ của chúng.
Các sản phẩm và vật liệu được sử dụng phổ biến khác: i) hệ thống tái chế bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất điện mặt trời; ii) tái chế tã, bỉm.
Đến năm 2015, năng suất tài nguyên của Nhật Bản đã được cải thiện 58% và lượng thải bỏ cuối cùng giảm 74%. Có thể nói, Nhật Bản đã mở rộng triết lý “tái tạo và khôi phục” rất xa, không những chỉ trong nền kinh tế mà còn mở rộng ra toàn xã hội, với trình độ công nghệ rất cao.
3.3 Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Theo Renault và cộng sự (2019), Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực thực hiện các hành động quan trọng để chuyển đổi sang KTTH mặc dù Hàn Quốc đã thành công trong nền kinh tế tuyến tính trong gần một thập kỷ. Trong nhiều thập kỷ, để khắc phục những hạn chế về tài nguyên môi trường và mô hình phát triển dựa vào công nghiệp hóa đã dẫn đến sự gia tăng phát thải khí nhà kính khiến nước này trở thành một trong những nguồn tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào các ngành sử dụng nhiều tài nguyên như thép, hóa dầu và xi măng. (Renault và cộng sự 2019)
Để giải quyết vấn đề xử lý chất thải kỹ thuật điện tử khổng lồ và giảm thiểu ảnh hưởng môi trường tiềm ẩn của rác thải điện tử, mục tiêu cuối cùng của Chương trình Công nghệ Tái chế (RTP) là tạo ra động lực kỹ thuật cho nền KTTH ở Hàn Quốc và phát triển công nghệ tái chế kim loại quý của rác thải điện tử. Công nghệ tái chế ở Hàn Quốc được coi là công nghệ xanh điển hình. Các biện pháp gần đây để thúc đẩy tái chế ở Hàn Quốc bao gồm tỷ lệ mục tiêu thu hồi, mở rộng danh sách trách nhiệm của nhà sản xuất, phân bổ các nhà phân phối và trách nhiệm của nhà sản xuất, và củng cố hệ thống tái chế địa phương. Với sự phát triển của công nghệ tái chế chất thải tiên tiến, Chính phủ khuyến khích các nhà sản xuất áp dụng các công nghệ bền vững với môi trường bằng cách thiết lập trước các quy định liên quan. (Renault và cộng sự 2019)
3.4 Kinh nghiệm của Đài Loan
Theo Renault và cộng sự (2019), Đài Loan là một trong những quốc gia có nền công nghiệp phát triển cao trên thế giới. Do đó, Đạo luật Xử lý Chất thải được thực hiện từ năm 1974. Đạo luật Tái chế Tài nguyên cũng được thực hiện vào năm 2002 để đối phó với tình trạng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Mặc dù dự thảo Đạo luật Tái chế và Tái sử dụng Tài nguyên đã được thông qua thành công vào năm 2013 để hài hòa hai đạo luật trước đó, nhưng đạo luật này vẫn chưa thể được ban hành do lo lắng của mọi người về các sản phẩm làm từ tài nguyên tái sử dụng. Kể từ năm 2016, chính phủ Đài Loan bắt đầu tài trợ đáng kể cho KTTH của các nguồn tài nguyên công nghiệp. Năm 2017, Chương trình Phát triển Cơ sở Hạ tầng Hướng tới Tương lai đã được khởi động, trong đó cơ sở hạ tầng năng lượng xanh và môi trường nước liên quan đến vấn đề KTTH. Mục tiêu của chính sách KTTH và tài trợ là tăng cường các khái niệm tái chế, giảm thiểu tài nguyên và thiết kế xanh để từng bước thúc đẩy việc tái chế tài nguyên của Đài Loan để không còn rác thải. Sự phát triển KTTH của Đài Loan có thể được chia thành ba giai đoạn và tiếp theo là vấn đề tài nguyên môi trường, đó là kiểm soát chất thải, nhu cầu năng lượng và nước, cung cấp tài nguyên và phát triển kinh tế bền vững. (Renault và cộng sự 2019)
Giai đoạn đầu (1950-1990):
Trong thời đại nông nghiệp đang dần đi vào công nghiệp hóa, để tiết kiệm tiền nhiều vật dụng có xu hướng được tận dụng nếu có thể. Chất thải nông nghiệp và nước, phân bón do nông nghiệp tạo ra được trả lại cho đất nông nghiệp. Đây là nền KTTH sớm nhất ở Đài Loan. Một chính sách quan trọng trong giai đoạn đầu là Đạo luật Xử lý Chất thải: Mục đích ban đầu là giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường và xử lý chất thải; Mục đích hiện nay là định hướng về an ninh cung cấp tài nguyên và phát triển kinh tế. Không có kinh phí đáng kể cho nghiên cứu và đổi mới liên quan đến KTTH trong giai đoạn đầu. (Renault và cộng sự 2019)
Giai đoạn thứ hai (1980-2015):
Với sự phát triển của công nghiệp hóa và sự cải thiện của điều kiện kinh tế, lượng chất thải thông thường và chất thải thương mại cũng tăng lên. Trong giai đoạn này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan và Bộ Kinh tế lần lượt thực hiện các biện pháp nhằm giảm lượng chất thải nói chung và nâng cấp các ngành sản xuất. Tiềm năng kinh doanh tái chế và tái sử dụng tài nguyên trong nước cũng tăng lên qua từng năm. Các chính sách và hành động quan trọng trong giai đoạn thứ hai như sau:
Đối với chất thải chung: i) Hành động bốn trong một để tái chế tài nguyên (1998): “người dân trong cộng đồng” phân loại rác hộ gia đình và tiếp theo là tái chế bởi “đội vệ sinh chính quyền địa phương”, “doanh nghiệp tái chế” và “quỹ tái chế ”; ii) Đạo luật Tái chế Tài nguyên (2002) được xây dựng để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải, thúc đẩy tái chế và tái sử dụng vật liệu, giảm thiểu tải trọng môi trường và xây dựng một xã hội trong đó tài nguyên được sử dụng trong phương pháp bền vững; iii) Từ năm 2005, việc phân loại rác thải sinh hoạt đã được thực thi và chia thành ba loại bao gồm: tài nguyên có thể tái chế, rác nhà bếp và rác linh tinh. Ngoài ra, một số quận và thành phố thực hiện chương trình thu phí túi rác cũng nâng cao ý thức tái chế của người dân. (Renault và cộng sự 2019)
Đối với chất thải công nghiệp: Chính sách về Công viên Khoa học và Công nghệ Môi trường (2002) được định hướng hỗ trợ chính quyền địa phương thành lập các khu khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường và sử dụng cộng sinh công nghiệp trong khu vực để thúc đẩy sự phát triển của các ngành bảo vệ môi trường mới nổi. Do đó, các ngành công nghiệp tái chế đã được phát triển thành công ở hai trong số các thành phố công nghiệp hàng đầu là Đào Nguyên và Cao Hùng, không chỉ về giảm thiểu chất thải mà còn về tiêu thụ năng lượng và tài nguyên nước. (Renault và cộng sự 2019)
Đối với cả chất thải thông thường và chất thải công nghiệp: Đạo luật Tái chế và Tái sử dụng Tài nguyên (2013): Từ năm 2008, OECD đã chủ trương thành lập các Cơ chế Quản lý Nguyên liệu Bền vững (SMM) ở các nước thành viên khác nhau. Do đó, Đài Loan đã tích cực giới thiệu SMM và mô hình Cái nôi đến cái nôi để hài hòa các quy định hiện hành về Đạo luật Xử lý Chất thải và Đạo luật Tái chế Tài nguyên, từng bước thúc đẩy việc tái chế tài nguyên của Đài Loan đến mức không có chất thải. (Renault và cộng sự 2019)
Không có kinh phí đáng kể cho nghiên cứu và đổi mới trong giai đoạn thứ hai.
Giai đoạn thứ ba (2000-2050):
Nền KTTH trong giai đoạn thứ ba nhấn mạnh vào chu kỳ giá trị cao và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Nghiên cứu và phát triển công nghệ mới cho phép vật liệu tái chế tạo ra sản phẩm tốt hơn, phân loại tốt hơn, trong hệ thống tái chế tăng số lượng tái chế và làm cho vật liệu tái chế được đánh giá cao hơn. Ngoài ra, mô hình kinh doanh mới được trang trí bởi nhà thiết kế để cho phép nhiều người tiêu dùng chấp nhận các sản phẩm làm từ vật liệu tái chế. Các chính sách và hành động quan trọng gồm: Chuyển đổi Cơ quan Bảo vệ Môi trường thành Bộ Môi trường và Tài nguyên để tích hợp việc bảo tồn và sử dụng các nguồn tài nguyên khác nhau một cách hiệu quả hơn; Mở rộng chiến lược quản lý 3R (giảm, tái sử dụng, tái chế) trước đây lên 6R, nghĩa là 3R sẽ cộng thêm phục hồi năng lượng, cải tạo đất, và thiết kế lại.
Ba mục tiêu của giai đoạn này bao gồm:
- Mục tiêu “giảm thiểu nguồn” vào năm 2020 được ưu tiên sử dụng các vật liệu có thể tái chế hoặc tái tạo trong sản xuất, tiêu dùng, xử lý chất thải và thị trường nguyên liệu thứ cấp.
- Mục tiêu “tiêu dùng sản xuất xanh” vào năm 2030 sẽ áp đặt một tỷ lệ nhất định vật liệu có thể tái chế hoặc tái tạo trong sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và thị trường vật liệu thứ cấp.
- Mục tiêu tối cao là “luân chuyển toàn bộ vật chất” vào năm 2050.
3.5 Kinh nghiệm của Trung Quốc
Theo Renault và cộng sự (2019), mục tiêu của các chương trình tài trợ nghiên cứu và đổi mới liên quan đến KTTH ở Trung Quốc là hỗ trợ nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ liên quan đến KTTH, trình diễn và thúc đẩy các công nghệ và sản phẩm có liên quan tới KTTH, thực hiện các dự án KTTH lớn, và sự phát triển của các dịch vụ thông tin để thúc đẩy KTTH. Mục tiêu cuối cùng là đạt được một nền KTTH trong đó khép kín các vòng lặp công nghiệp để biến đầu ra từ nhà sản xuất này thành đầu vào cho nhà sản xuất khác.
Ngày nay, việc nghiên cứu và đổi mới liên quan đến KTTH ở Trung Quốc dựa trên và được thúc đẩy rất nhiều bởi chính sách, luật và quy định quốc gia. Quan điểm của Trung Quốc về KTTH rất rộng, bao gồm ô nhiễm môi trường và các vấn đề khác cùng với các mối quan tâm về chất thải và tài nguyên, và nó được đóng khung như một phản ứng đối với những thách thức môi trường do tăng trưởng nhanh và công nghiệp hóa. Năm 2004, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia được Quốc vụ viện Trung Quốc bổ nhiệm đảm nhận nhiệm vụ thúc đẩy và thực hiện KTTH trong nước, điều này có nghĩa là chính phủ Trung Quốc thực sự coi KTTH là một bộ phận quan trọng trong chiến lược quốc gia. Luật Khuyến khích KTTH của Trung Quốc là luật quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố một mô hình kinh tế khác với mô hình chính thống.
Về kinh phí nghiên cứu nền kinh tế tuần hoàn, nội dung trong Luật Khuyến khích KTTH như sau: Hội đồng Nhà nước và chính quyền nhân dân các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương thành lập các quỹ đặc biệt có liên quan để thúc đẩy KTTH, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ liên quan đến KTTH, trình diễn và quảng bá công nghệ và sản phẩm liên quan đến KTTH, thực hiện các dự án KTTH lớn, và phát triển các dịch vụ thông tin để thúc đẩy KTTH. Các lĩnh vực hỗ trợ chính của quỹ bao gồm:
- Xây dựng cơ sở trình diễn “khoáng sản đô thị” quốc gia. “Khoáng sản đô thị” đề cập đến việc tái chế phế thải thiết bị điện và cơ khí, dây và cáp, công cụ liên lạc, ô tô, thiết bị gia dụng, sản phẩm điện tử, vật liệu bao bì bằng kim loại và nhựa, v.v.
- Sử dụng hiệu quả tài nguyên và xử lý vô hại chất thải nhà bếp, bao gồm: xây dựng hệ thống thu gom và vận chuyển chất thải nhà bếp; sử dụng hiệu quả tài nguyên và xây dựng dự án xử lý vô hại; xây dựng năng lực.
- Trình diễn chuyển đổi khu công nghiệp tuần hoàn, bao gồm: xây dựng các dự án tái chế trọng điểm; xây dựng các công trình dịch vụ công cộng.
- Chế tạo lại: đề cập đến quá trình sản xuất hàng loạt để sửa chữa chuyên nghiệp các bộ phận ô tô đã qua sử dụng, máy móc xây dựng, máy công cụ, và các sản phẩm được chế tạo lại phải đạt chất lượng và hiệu suất như sản phẩm ban đầu.
- Trình diễn và quảng bá công nghệ sản xuất sạch, bao gồm: thúc đẩy công nghệ, tập trung vào các công nghệ sản xuất sạch tiên tiến và có thể áp dụng để thể cải thiện đáng kể trình độ sản xuất sạch của công ty; trình diễn các ứng dụng công nghệ.
- Xây dựng năng lực, bao gồm: các quy định về KTTH, lập kế hoạch và nghiên cứu chính sách; xây dựng các tiêu chuẩn và danh mục cho nền KTTH, tuyên truyền và giáo dục vấn đề phát triển KTTH; xây dựng hệ thống thông tin quản lý KTTH; thiết lập hệ thống thống kê và đánh giá toàn diện về quy hoạch và phát triển KTTH, chương trình, dự án, đánh giá, nghiệm thu, v.v.
Các nhiệm vụ trọng tâm khác do Vụ Quản lý Toàn diện về Phát triển Kinh tế Tuần hoàn của Quốc vụ viện và Bộ Tài chính thống nhất.
Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã đạt được thành tựu to lớn trong việc phát triển KTTH bằng cách đặt ra các chiến lược ngắn hạn và dài hạn với các mục tiêu rõ ràng, đưa ra các biện pháp tài chính, ban hành luật và quy định. Và một hệ thống đổi mới kết hợp giữa công nghiệp, trường đại học và nghiên cứu đã được hình thành để thúc đẩy KTTH, mặc dù vẫn còn chỗ chưa thực sự hoàn hảo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hartley, K., Santen, R., Kirchherr, J. (2020). Policies for transitioning towards a circular economy: Expectations from the EuropeanUnion (EU). https://www.researchgate.net/publication/340355658_Policies_for_transitioning_towards_a_circular_economy_Expectations_from_the_European_Union_EU
Heshmati, A. (2015). A Review of the Circular Economy and its Implementation. http://ftp.iza.org/dp9611.pdf
Klein, N., Ramos, T., and Deutz, P. (2020). Circular Economy Practices and Strategies in Public Sector Organizations: An Integrative Review. https://www.researchgate.net/publication/341534540_Circular_Economy_Practices_and_Strategies_in_Public_Sector_Organizations_An_Integrative_Review
Renault et al. (2019). Report on experiences with the implementation of Circular Economy outside Europe. European Union's Horizon 2020 research and innovation programme. http://cicerone-h2020.eu/wp-content/uploads/2020/05/CICERONE-D1.3-Report-on-experiences-with-the-implementation-of-Cicular-Economy-outside-of-Europe.pdf
Tura, N., Hanski, J., Ahola, T., Ståhle, M., Piiparinen, S., & Valkokari, P. (2019). Unlocking circular business: A framework of barriers and drivers. Journal of Cleaner Production, 212, 90–98. https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2018.11.202
van Eijk, F. (2015). Barriers & Drivers towards a Circular Economy - Literature Review. https://www.circulairondernemen.nl/uploads/e00e8643951aef8adde612123e824493.pdf
Xiqiang Xia & Junhu Ruan (2020). Analyzing Barriers for Developing a Sustainable Circular Economy in Agriculture in China Using Grey-DEMATEL Approach. https://www.researchgate.net/publication/343559008_Analyzing_Barriers_for_Developing_a_Sustainable_Circular_Economy_in_Agriculture_in_China_Using_Grey-DEMATEL_Approach