Các yếu tố tác động đến sự dịch chuyển sang nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất chè ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ
10/01/2020Tạp chí: Khoa học & Công Nghệ, ĐHTN, 2016
Cù Phúc Thành
Viện Nghiên cứu Kinh tế và PTNNL, Trường ĐH Kinh tế & QTKD
Tóm tắt
Hạ Hòa là một trong những huyện trọng điểm sản xuất chè của tỉnh Phú Thọ. Sinh thái cây trồng khá thuận lợi, quỹ đất đồi rừng dồi dào, nhân dân giàu kinh nghiệm sản xuất là những yếu tố làm cho cây chè trở thành mũi nhọn sản xuất hàng hóa, cứu cánh xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn. Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn, hiện nay ngành chè Hạ Hòa đang đối mặt với nguy cơ phát triển không bền vững do chất lượng, giá bán sản phẩm rất thấp, người trồng chè thua lỗ, đất đai xuống cấp nghiêm trọng... Nhằm tìm kiếm giải pháp dịch chuyển ngành chè Hạ Hòa sang con đường phát triển bền vững, đề tài này nghiên cứu các yếu tố tác động đến khả năng dịch chuyển sang sản xuất chè hữu cơ, phân tích, đánh giá tính chất tác động của chúng và đi đến giải pháp cho vấn đề này.
Từ khóa: Hạ Hòa, nông hộ, chè hữu cơ, dịch chuyển sản xuất, phát triển bền vững
Abstract
Ha Hoa is one of the major tea producing districts of Phu Tho province. Favorable plant ecology, plenty of hilly land resource, people’s rich in cultivating skill are factors makinh tea plant an acute tool for cash agriculture, means of poverty reduction and rural development. Despite great achievements, now the tea sector of Ha Hoa is facing risk of unsustainable development due to low product quality and price, loss to tea farmers, degraded soil... In order to seek solution to shift Ha Hoa’s tea sector to sustainable course, this research focuses on factors that impact on possibility of shifting it to organic farming, analyzing, assessing their impacting nature and comes to solution for this problem.
Key words: Ha Hoa, farming household, organic tea, production shifting, sustainable development.
1. Đặt vấn đề
Chè là sản phẩm này có tiềm năng xuất khẩu rất lớn do là đồ uống được tiêu dùng nhiều nhất trên thế giới nếu không kể nước uống thông thường. Điều kiện tự nhiên ở vùng đồi núi nước ta rất phù hợp với chè và cây trồng này đã được người dân sản xuất từ hàng nghìn năm nay. Nước ta thường vừa đứng trong nhóm 5 nước sản xuất vừa đứng trong 5 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới với khoảng 80% sản lượng chè là để xuất khẩu, điều đó khẳng định tiềm năng lớn lao của cây trồng này. Vì thế, những vùng có thể trồng chè cần nỗ lực phát huy hết mức tiềm năng đó để phát triển kinh tế.
Hạ Hòa là một trong những huyện sản xuất chè trọng điểm của tỉnh Phú Thọ với diện tích 1,8 nghìn ha, sản lượng hàng năm trên 16 tấn trong đó khoảng 80% được xuất khẩu, năng suất bình quân đạt gần 10 tấn/ha, đứng thứ 6 về diện tích và thứ 5 về sản lượng trong tỉnh. Sinh thái tự nhiên khá thuận lợi, quỹ đất đồi rừng dồi dào, nhân dân giàu kinh nghiệm sản xuất là những yếu tố khiến cho cây chè trở thành mũi nhọn sản xuất hàng hóa, cứu cánh xóa đói giảm nghèo, cứu cánh phát triển nông thôn của huyện. Tuy nhiên hiện nay ngành chè Hạ Hòa đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: giá chè búp tươi rất thấp, nông dân trồng chè thua lỗ, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng giảm, hàng loạt doanh nghiệp chế biến phải đóng cửa, lối canh tác đổ xô theo số lượng trong ngắn hạn làm cho đất đai suy thoái nghiêm trọng… Rõ ràng, nếu không có những thay đổi tích cực thì ngành chè Hạ Hòa sẽ không thể phát triển bền vững.
Một lối thoát rất hữu hiệu cho tình trạng bế tắc nói trên là dịch chuyển sang sản xuất chè hữu cơ vì như vậy có thể vừa bảo đảm sản phẩm chất lượng cao, vừa cải thiện được thu nhập cho nông dân trồng chè lại vừa có thể bảo vệ đất, bảo vệ môi trường. Việc nghiên cứu dịch chuyển sang sản xuất chè hữu cơ tại huyện Hạ Hòa sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về lĩnh vực này. Bài báo này nhằm mục tiêu tìm kiếm giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành chè huyện Hạ Hòa và, về mặt lý luận, tìm ra các điều kiện cần phải có để bảo đảm khả năng sản xuất chè hữu cơ trong thực tiễn nói chung.
2. Phương pháp nghiên cứu
Để thu thập thông tin, đề tài tiến hành điều tra theo mẫu 90 nông hộ tại 3 xã đại diện cho 3 tiểu vùng sinh thái chè đặc trưng của huyện Hạ Hòa là Hương Xạ, Ấm Hạ, Gia Điền bằng phiếu điều tra. Tiêu thức chính để chọn hộ điều tra là quy mô sản xuất chè tính theo diện tích ở các mức độ lớn nhất, trung bình và nhỏ nhất, có kết hợp với một số tiêu thức quan trọng khác như mức thu nhập, các nguồn lực sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường… Bên cạnh việc thu thập các số liệu theo các chỉ tiêu bao quát bối cảnh sinh kế và các chỉ tiêu phản ánh hoạt động sản xuất chè nói chung, chè hữu cơ nói riêng, thông tin được đặc biệt được quan tâm là thông tin về các yếu tố tác động đến sự dịch chuyển sang sản xuất chè hữu cơ. Các số liệu thu thập được lưu trữ trên bảng tính Excel theo các chỉ tiêu cần thiết và được tổng hợp, phân tích, xử lý theo các phương pháp thống kê học. Ngoài ra, phương pháp mô hình hóa nông hộ cũng được sử dụng kết hợp.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Bối cảnh sinh kế chung của nông hộ
3.1.1. Nhân khẩu và lao động
Bảng 1 nêu tình hình nhân khẩu và lao động của các nông hộ huyện Hạ Hòa. Số người lao động chiếm 58% số nhân khẩu, phản ánh nguồn lao động khá dồi dào. Tổng số lao động sẵn có trong năm (tính bằng ngày công) là 503,7.
Bảng 1: Tình hình nhân khẩu và lao động của nông hộ
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Số lượng |
Tuổi bình quân của chủ hộ |
năm |
43,1 |
Số nhân khẩu |
người |
3,78 |
Số người lao động |
người |
2,19 |
Tổng lao động sẵn có trong năm |
công |
503,7 |
Lao động nam |
người |
1,04 |
Lao động nữ |
người |
1,15 |
Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ số liệu điều tra
3.1.2. Đất đai, cây trồng và năng suất, sản lượng cây trồng
Bảng 2: Tình hình đất đai, cây trồng và năng suất, sản lượng cây trồng
Loại đất |
Diện tích (sào) |
Tỷ lệ diện tích (%) |
Năng suất (tạ/sào) |
Sản lượng (tạ) |
Lúa |
3,66 |
17,6 |
2,2 |
8,05 |
Ngô |
0,33 |
1,6 |
1,5 |
0,50 |
Sắn |
0,42 |
2,0 |
25,0 |
10,50 |
Chè |
6,83 |
32,8 |
3,5 |
24,06 |
Keo |
9,56 |
46,0 |
44 |
420,64 |
Tổng cộng |
20,80 |
100 |
|
|
Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ số liệu điều tra
Bảng 2 nêu khái quát tình hình đất đai, cây trồng, năng suất và sản lượng cây trồng hàng năm của nông hộ. Cây keo có chu kỳ sản xuất là 3 năm nên các số liệu về năng suất, sản lượng đều đã được chia 3. Đối với chè, vì nông dân trồng theo các phương pháp khác nhau, mỗi phương pháp có năng suất khác nhau nên trong bảng sử dụng năng suất trung bình của tất cả các loại này. Diện tích đất của nông dân phản ánh đặc trưng của vùng trung du với 82% là đất đồi (các loại đất trồng sắn, chè, keo), chỉ có 18% là đất ruộng (đất trồng lúa và ngô). Hoạt động trồng trọt chỉ có 5 cây trồng là lúa, ngô, sắn, chè và keo. Chè và keo là hai cây trồng chính, cùng nhau chiếm tới 79% diên tích đất sản xuất.
3.1.3. Chi phí, thu nhập, lợi nhuận, thu nhập tiền mặt và thu nhập tiền mặt ròng
Bảng 3 trình bày các chỉ tiêu này. Chú ý rằng thu nhập tiền mặt là những khoản tiền thu được từ bán sản phẩm, được dùng để mua các yếu tố đầu vào của sản xuất và dùng cho các mục đích khác. Thu nhập tiền mặt ròng là thu nhập tiền mặt đã trừ đi những chi phí đầu vào mà nông hộ tự có (quan trọng nhất là lao động gia đình), khoản này dùng để chi tiêu sinh hoạt hoặc sử dụng vào các mục đích khác như tiết kiệm hoặc đầu tư sản xuất mở rộng… Trong trường hợp của các nông hộ Hạ Hòa, thu nhập tiền mặt ròng xấp xỉ GDP. Chè, keo, gia súc được bán toàn bộ, gia cầm bán 1/2, lúa, ngô, sắn chỉ để tự tiêu dùng.
Bảng 3: Chi phí, thu nhập, lợi nhuận, thu nhập tiền mặt, thu nhập tiền mặt ròng
ĐVT: 1000 đ
Chỉ tiêu |
Trồng trọt |
Chăn nuôi |
Hoạt động khác |
Tổng cộng |
Chi phí |
48.518 |
22.165 |
880 |
71.563 |
Thu nhập |
52.259 |
30.265 |
1.100 |
86.624 |
Lợi nhuận |
6.741 |
8.099 |
220 |
15.061 |
Thu nhập tiền mặt |
48.274 |
26.331 |
1.100 |
75.705 |
Thu nhập tiền mặt ròng |
27.453 |
6.840 |
1.100 |
35.393 |
Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ số liệu điều tra
Tổng thu nhập hàng năm của nông hộ là 86,6 triệu đồng, nhờ keo và chăn nuôi, sản xuất lãi 15 triệu đồng, bằng 21% chi phí. Hàng năm, nông hộ thu về 75,7 triệu đồng tiền mặt từ bán sản phẩm. Trừ số tiền dùng để mua các đầu vào cần thiết cho sản xuất hàng năm, gia đình còn lại 35,4 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt và sử dụng vào những mục đích khác, đây là khoản tiền mặt quý giá mà nông hộ mong muốn nhiều nhất. Ta thấy người dân trồng chè Hạ Hòa rất nghèo, tính bình quân đầu người, thu nhập là 22,92 triệu đồng, GDP chỉ xấp xỉ 9,36 triệu đồng.
3.1.4. Tổng mức sử dụng lao động của nông hộ
Mỗi năm nông hộ sử dụng 151 công cho tất cả các hoạt động sản xuất (chăn nuôi chỉ sử dụng lao động tranh thủ). Chè và keo chiếm tới 80% mức lao động sử dụng, lao động trồng keo có hiệu quả kinh tế cao nhất, mỗi công đem lại mức lãi 111 nghìn đồng, thu nhập tiền mặt 528 nghìn đồng và thu nhập tiền mặt ròng 261 nghìn đồng. Lao động sản xuất các loại cây khác đều lỗ hoặc hòa vốn nhưng chè vẫn đem lại nhập tiền mặt và thu nhập tiền mặt ròng khá cao, lần lượt là 261 và 193 nghìn đồng/công. Điều quan ngại nhất ở đây là nông hộ bị dư thừa quá nhiều lao động! Tất cả các hoạt động sản xuất cộng lại mới chỉ dùng hết 30% tổng số 504 công lao động, phản ánh một tình trạng bán thất nghiệp nghiêm trọng.
3.2. Thực trạng sản xuất sản xuất chè của các nông hộ
Trước khi nghiên cứu về thực trạng sản xuất chè của các nông hộ, chúng tôi cần làm rõ vấn đề: Nông dân Hạ Hòa có trồng chè hữu cơ hay không, tức là có sản xuất chè mà không dùng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa chất tổng hợp hay không? Qua điều tra tìm hiểu, chúng tôi đi đến nhận định là mặc dù có thể vẫn dùng những loại đầu vào nói trên trong những trường hợp đất quá bạc màu hoặc sâu bệnh quá nặng, “chè hữu cơ” mà nông dân Hạ Hòa sản xuất ít nhất cũng là chè có nhiều xu hướng hữu cơ, chủ yếu được sản xuất theo phương pháp cổ truyền và điều đó vẫn có giá trị khi nghiên cứu các yếu tố tác động đến sự dịch chuyển sang sản xuất chè hữu cơ.
3.2.1. Tình hình diện tích, năng suất, sản lượng chè
Diện tích trồng chè bình quân của các nông hộ là 2.459 m2, khá nhỏ, chỉ chiếm gần 41% diện tích đất đồi, phản ánh hiệu quả của chè không cao bằng keo. Trong đó, chè thông thường có diện tích 2.016 m2, chiếm 86% diện tích chè. Về chè hữu cơ, các nông hộ có xu hướng chỉ dành ra từ 1 đến 2 sào (360 m2 - 720 m2), thường ở ngay vườn nhà, để sản xuất nhằm tự tiêu dùng, làm quà biếu và bán chè khô với giá cao hơn, tính bình quân mỗi nông hộ trồng 443 m2 loại chè này. Chè hữu cơ chiếm 18% diện tích trồng chè và không hề thay đổi qua các năm.
Tổng sản lượng chè là 2,4 tấn, trong đó chè thông thường 2.069 tấn, chiếm 86%, chè hữu cơ 337 kg, chiếm 14%. Năng suất chè thông thường (10,261 tấn/ha) cao hơn năng suất bình quân của cả nước, năng suất chè hữu cơ chỉ bằng 74% chè thông thường (7.617 tấn/ha), tính chung cả 2 loại, năng suất chè đạt 9,785 tấn/ha. Nông dân cho biết, chè hữu cơ có năng suất thấp là vì lượng búp ít hơn trong các lứa hái có thời gian cách xa thời điểm bón phân, đặc biệt là các lứa về cuối năm.
3.2.2. Tình hình chi phí sản xuất
Hàng năm nông hộ chi phí 11,17 triệu đồng/năm cho nương chè thông thường, trong đó chi phí lao động chiếm tỷ trọng lớn nhất, 58%, phân bón chiếm 35%. Các tỷ lệ này phản ánh trồng chè chủ yếu chỉ sử dụng 2 loại đầu vào cơ bản là lao động và phân bón, nhất là lao động. Các nông hộ trồng chè của huyện Hạ Hòa không áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nên chi phí lao động rất cao, nhất là khâu hái chè.
Tổng mức đầu tư cho vườn chè hữu cơ là trên 3,5 triệu đồng/năm, chỉ bằng 30% mức đầu tư cho nương chè thông thường, phản ánh chè hữu cơ không phải là hoạt động sản xuất chè chủ lực của nông hộ. Các loại đầu vào của sản xuất chè hữu cơ đơn giản hơn nhiều so chè thông thường, chủ yếu chỉ có hai loại rất sẵn có là phân hữu cơ và lao động thủ công. Tỷ lệ lao động trong tổng chi phí của chè hữu cơ giảm đi so với chè thông thường (54 so với 58%) trong khi tỷ lệ phân bón lại tăng lên (43 so với 35%).
Tính trên đơn vị diện tích, chè thông thường có chi phí trên 55,4 triệu đồng/ha, mức chi phí rất cao so với năng suất. Chè hữu cơ có chi phí còn cao hơn 44% chè thông thường (79,6 triệu đồng/ha) do chi phí lao động cao hơn 35%, chi phí phân bón cao hơn 75% (dù chỉ là phân hữu cơ)! Đó là do công diệt trừ sâu bệnh của chè hữu cơ rất lớn, đồng thời lượng phân hữu cơ đòi hỏi được dùng để thay thế phân hóa học có hàm lượng dinh dưỡng đậm đặc cũng rất nhiều.
3.2.3. Tình hình thu nhập và lợi nhuận
Bảng 4. Thu nhập chè của nông hộ theo loại sản phẩm và khách hàng
Sản phẩm theo đối tượng mua |
Giá bán (1000 đ/kg) |
Lượng bán (kg) |
Doanh thu |
|
Thành tiền (1000 đ) |
Tỷ lệ (%) |
|||
Chè búp tươi (bán cho doanh nghiệp) |
3,65 |
1.997,0 |
7.289 |
50 |
Chè khô thông thường (bán cho tư thương) |
88,52* |
12,7 |
1.122 |
08 |
Chè khô hữu cơ (bán cho tư thương) |
111,35* |
48,8 |
5.436 |
37 |
Chè khô hữu cơ (hộ tự bán lẻ) |
123,17* |
6,3 |
776 |
5 |
Tổng cộng |
|
|
14.623 |
100 |
Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ số liệu điều tra
Chú thích: (*): Giá chè khô đã khấu trừ 4.000 đồng chi phí thuê sấy.
Sản phẩm chè của nông dân được tiêu thụ dưới hai hình thức: chè búp tươi (bán cho doanh nghiệp chế biến) và chè khô (để tự tiêu dùng, bán cho tư thương và tự bán lẻ). Qua điều tra, số lượng sản phẩm búp tươi dành cho hai hình thức tiêu thụ này là 83% sản lượng bán búp tươi, 17% còn lại, gồm tất cả chè hữu cơ và một phần chè thông thường, được thuê sấy thành chè khô. Có tỷ lệ này là do chè khô bị hạn chế thị trường: nông hộ không thể bán vượt quá số lượng chè khô chế biến từ 17% sản lượng! Bình quân, phải cần 5,65 kg chè búp tươi để sấy thành 1 kg chè khô, chi phí thuê sấy là 4 nghìn đồng trên mỗi kg chè khô, trong số chè hữu cơ khô, nông hộ tự tiêu dùng/làm quà biếu 4,6 kg. Giá chè búp tươi rất thấp, bình quân chỉ là 3.650 đồng/kg. Giá chè khô khác nhau tùy theo loại (hữu cơ hay thông thường) và tùy theo đối tượng khách hàng (bán cho tư thương hay tự bán lẻ). Bảng 4.4 nêu tình hình tiêu thụ và thu nhập chè của nông hộ.
Tổng thu nhập chè là 14,6 triệu đồng. Chè thông thường chiếm 86% sản lượng nhưng chỉ đem lại 58% thu nhập chè, đặc biệt chè búp tươi bán cho doanh nghiệp chiếm tới 83% sản lượng nhưng chỉ đóng góp đúng 50% thu nhập, trong khi đó số chè hữu cơ ít ỏi (14% sản lượng) đem lại tới những 42% thu nhập. Như vậy, chè khô hữu cơ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thu nhập chè của nông hộ. Quy đổi thành giá trị tính theo búp tươi, mỗi kg chè thông thường trị giá 4.070 đồng, chè hữu cơ 18.410 đồng, bình quân cả hai loại 6.080 đồng.
Bảng 5 cho ta biết tình hình lợi nhuận từ chè nói chung, chè búp tươi, chè khô, chè thông thường và chè hữu cơ. Đến đây chúng ta sẽ thấy vấn đề nghiêm trọng nhất trong sản xuất chè của nông dân Hạ Hòa: Sản xuất bị thua lỗ! Mức lỗ tổng cộng từ sản xuất kinh doanh chè thì không nặng lắm, chỉ có 74 nghìn đồng, nhưng điều trớ trêu là phần khối lượng sản phẩm lớn nhất - chè bán cho doanh nghiệp - lại chính là nguyên nhân độc nhất gây ra lỗ với mức 3,5 triệu đồng! Chủ yếu nhờ số lãi 2,7 triệu đồng từ chè hữu cơ, mức lỗ và tỷ suất lỗ của toàn bộ hoạt động sản xuất chè giảm nhẹ xuống đến mức có thể chịu được là 74 nghìn đồng và 0,5%. Việc sản xuất thua lỗ chính là nguyên nhân lý giải tại sao nông dân Hạ Hòa không mở rộng diện tích, không đầu tư thâm canh tăng năng suất, không tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn một câu hỏi chưa được trả lời: Tại sao sản xuất chè thông thường bị lỗ như vậy mà nông dân vẫn dành ra tới 82% diện tích trồng chè để sản xuất loại chè này?
Bảng 5. Lợi nhuận sản xuất chè của nông hộ
Chỉ tiêu |
Chi phí (1000 đ) |
Thu nhập (1000 đ) |
Lợi nhuận (1000 đ) |
Tỷ suất lợi nhuận (%) |
Chè thông thường (búp tươi) |
10.785 |
7.289 |
-3.496 |
-32,4 |
Chè thông thường (khô) |
387 |
1.122 |
735 |
190,1 |
Chè thông thường (tính gộp) |
11.172 |
8.411 |
-2.761 |
-24,7 |
Chè hữu cơ |
3.526 |
6.212 |
2.686 |
76,2 |
Tổng sản xuất chè |
14.698 |
14.623 |
-74 |
-0,5 |
Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ số liệu điều tra
4.2.4. Lợi ích về chi phí cơ hội trong sản xuất chè của nông hộ
Dưới góc độ hạch toán kinh doanh theo giá thị trường thì sản xuất chè của nông hộ bị thua lỗ do phải chịu chi phí quá lớn nhưng dưới góc độ chi phí cơ hội thì họ lại được lợi lớn do có cơ hội kinh tế hóa được những nguồn lực tự có đang bị dư thừa (đặc biệt là lao động và phân hữu cơ) mà nếu không sử dụng thì sẽ bị bỏ phí. Như vậy, theo quan điểm lợi ích của gia đình thì trong chi phí trồng chè phải trừ bỏ đi công lao động và phân hữu cơ. Theo đó, như Bảng 4.6 đã nêu, sản xuất chè đem lại cho nông hộ gần 11 triệu đồng tiền “lãi”, thực chất, số tiền này chính là thu nhập tiền mặt ròng từ chè. Xét dưới góc độ hạch toán kinh doanh thì chè thông thường lỗ nặng tới gần 2,8 triệu đồng, nhưng xét dưới góc độ chi phí cơ hội thì loại chè này lại “lãi” 4,7 triệu đồng trong khi lại rất dễ bán số lượng lớn do không bị hạn chế thị trường, đó là lý do tại sao nông dân vẫn sản xuất loại chè này là chủ yếu. Cũng dưới góc độ chi phí cơ hội thì chè hữu cơ không phải chỉ lãi 2,7 triệu đồng mà là 6,1 triệu đồng!
Bảng 6. Lợi ích trồng chè của nông hộ tính theo chi phí cơ hội
Chỉ tiêu |
Chè thông thường |
Chè hữu cơ |
Tổng cộng |
Chi phí lao động (1000 đ) |
6.465 |
1.920 |
8.385 |
Chi phí phân hữu cơ (1000 đ) |
1.007 |
1.503 |
2.510 |
Chi phí sản xuất (1000 đ) |
11.172 |
3.526 |
14.698 |
Chi phí sản xuất trừ lao động và phân hữu cơ (1000 đ) |
3.699 |
103 |
3.802 |
Thu nhập bán chè (1000 đ) |
8.411 |
6.212 |
14.623 |
Lợi ích cơ hội (1000 đ) |
4.712 |
6.109 |
10.821 |
Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ số liệu điều tra
3.3. Các yếu tố tác động đến sự dịch chuyển sang sản xuất chè hữu cơ của các nông hộ
Nhìn chung tiềm năng sản xuất chè hữu cơ ở huyện Hạ Hòa là rất lớn vì đầu vào cho sản xuất chủ yếu chỉ đòi hỏi lao động (là yếu tố mà nông dân dư thừa rất nhiều) và phân hữu cơ (là yếu tố có thể dễ dàng tạo nguồn cung cấp). Tuy nhiên khả năng thực tế của việc dịch chuyển sang sản xuất chè hữu cơ đối với nông dân không phải là có thể dễ dàng thực hiện được mà còn phải chịu ảnh hưởng tác động của rất nhiều điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội khác nhau. Qua nghiên cứu về thực trạng sản xuất chè của nông dân huyện Hạ Hòa chúng ta có thể rút ra nhận định về một số yếu tố tác động chính sau đây.
3.3.1. Tác động của yếu tố sinh thái cây trồng
Sinh thái cây trồng tự nhiên thuận lợi là yếu tố rất quan trọng để sản xuất chè hữu cơ. Khí hậu, thổ nhưỡng ở Hạ Hòa tuy khá phù hợp nhưng vẫn chưa phải là vùng sinh thái tự nhiên tốt nhất cho cây chè. Tuy nhiên, việc nông dân vẫn sản xuất được chè hữu cơ có lãi cho thấy rằng yếu tố này tác động thuận lợi một cách có điều kiện đến sự dịch chuyển sang sản xuất loại chè này.
3.3.2. Tác động của quy mô và vị trí sản xuất
Mặc dù nông dân Hạ Hòa đã sản xuất được chè hữu cơ có lãi, nhưng đó chỉ là sự sản xuất được thực hiện ở quy mô nhỏ tại vườn nhà. Khi sản xuất quy mô lớn và cách xa nhà thì hàng loạt khó khăn khác sẽ phát sinh như vận chuyển tốn kém, khó chăm sóc sát sao, rất khó kiểm soát sâu bệnh… Đây là yếu tố cản trở sự dịch chuyển sang sản xuất chè hữu cơ.
3.3.3. Tác động của các hoạt động kết hợp
Sản xuất chè hữu cơ cần một số lượng phân hữu cơ rất lớn, chủ yếu phải là phân chuồng để bù đắp cho khối lượng phân hóa học bị thay thế. Uớc tính dựa vào số liệu về định mức cung cấp phân chuồng của vật nuôi của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để sản xuất 1 ha chè hữu cơ cần 113 tấn phân chuồng. Để có được số này hàng năm nông dân cần phải nuôi khoảng 59 con lợn, hoặc 13 con trâu/bò, hoặc 133 con dê! Vì vậy, sản xuất chè hữu cơ nếu không kết hợp với các hoạt động cần thiết khác như chăn nuôi hay trồng cây phân xanh theo tỷ lệ cân xứng thì nhất định thể thành công. Đây có lẽ là điều khó khăn nhất đối với sản xuất chè hữu cơ ở quy mô lớn, vì quy mô chăn nuôi tương xứng sẽ rất lớn, đòi hỏi đầu tư hết sức tốn kém và kỹ năng lao động phức tạp, đó là chưa kể hàng loạt các vấn đề phụ trợ kéo theo như bãi trồng cỏ, bãi chăn thả, khu vực chuồng trại, khu vực ủ phân…
3.3.4. Tác động của phương pháp sản xuất thông thường
Hầu hết diện tích trồng chè Hạ Hòa từ lâu đã sản xuất chè theo phương pháp thông thường. Khi chuyển sang sản xuất hữu cơ thì đất đai chưa thể kịp phục hồi dinh dưỡng ngay, sâu bệnh đột nhiên được loại bỏ điều kiện sống bất lợi nên bùng phát mãnh liệt vượt quá sức diệt trừ bằng phương pháp hữu cơ, có thể sẽ làm cho năng suất, chất lượng rất thấp. Thứ hai, nếu khu vực chè hữu cơ ở ngay bên cạnh khu vực chè thông thường thì sẽ khó tránh bị lây nhiễm hóa chất, sâu bệnh…
3.3.5. Tác động của yếu tố trình độ nghề
Sản xuất chè hữu cơ, thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng thực ra lại đòi hỏi một trình độ nghề cao với một khối lượng kiến thức sinh thái học hiện đại rất lớn. Vì thế, nếu không được đào tạo nghề thật bài bản và kỹ lưỡng thì nông dân sẽ rất khó thực hiện đúng đắn.
3.3.6. Tác động của yếu tố công nghệ và năng suất, chất lượng, chi phí
Công nghệ sản xuất chè nói chung của nông dân Hạ Hòa còn rất kém, đặc biệt là vẫn chưa cơ giới hóa sản xuất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng và khiến cho chi phí cao, sản xuất thua lỗ, người dân hao tổn sức khỏe. Trong điều kiện đó, khi chuyển sang sản xuất chè hữu cơ ở quy mô lớn, với chi phí lao động tăng thêm 35% thì chắc chắn nông dân sẽ không thể chịu đựng nổi. Rõ ràng, công nghệ là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến sản xuất chè nói chung và chè hữu cơ nói riêng.
3.3.7. Tác động của điều kiện thị trường
Nhu cầu tiêu dùng chè lớn của thế giới khiến rất nhiều công ty đổ xô kinh doanh chè xuất khẩu, lợi ích trước mắt khiến họ tranh giành nhau thu mua nguyên liệu để có nhiều chè xuất khẩu mà không chú trọng đến các tiêu chuẩn chất lượng, điều này tạo ra trào lưu khiến nông dân cũng đổ xô sản xuất chè thật nhiều bằng mọi giá, dẫn tới chất lượng sản phẩm, giá bán, danh tiếng, năng lực cạnh tranh của chè Hạ Hòa rất thấp (mức giá chè tươi 3.650 đồng/kg thuộc loại thấp nhất nước)! Đó chính là căn nguyên của sự phát triển không bền vững. Trong tình trạng đó, một thương hiệu chè hữu cơ chất lượng cao khó có cơ hội “đăng quang”, gây cản trở rất nhiều đến sự dịch chuyển sang sản xuất chè hữu cơ.
3.3.8. Tác động của cơ chế chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm
Việc không có giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng khiến nông dân không có căn cứ pháp lý để tiếp thị, quảng bá sản phẩm chè khô hữu cơ vượt xa ra ngoài thị trường địa phương, không thể bán chè hữu cơ búp tươi cho các doanh nghiệp có nhu cầu nguyên liệu chất lượng cao, những điều đó kìm hãm rất mạnh chẳng những đến giá tiêu thụ mà còn đến cả lượng tiêu thụ, dẫn đến kìm hãm phát triển chè hữu cơ.
4. Giải pháp thúc đẩy phát triển chè hữu cơ
Dựa trên sự phân tích các yếu tố tác động đến sự dịch chuyển sang sản xuất chè hữu cơ của các nông hộ huyện Hạ Hòa, các tác giả đi đến định hướng giải pháp thúc đẩy phát triển chè hữu cơ gồm những nội dung chính yếu như sau:
Thứ nhất, quy hoạch phân vùng lại sản xuất chè trên cơ sở các điều kiện về sinh thái cây trồng và các điều kiện sản xuất, thị trường khác.
Thứ hai, tập trung dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng chuyên môn hóa sản xuất chè nhằm mục tiêu xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao.
Thứ ba, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng phù hợp không những đối với sản phẩm mà còn đối với hoạt động sản xuất và chế biến, đồng thời có cơ quan theo dõi, giám định và cấp giấy chứng nhận chất lượng theo những tiêu chuẩn này.
Thứ tư, sắp xếp lại hoạt động xuất khẩu sao cho chỉ có một số lượng doanh nghiệp chế biến với tổng công suất cân xứng với mức sản xuất, những doanh nghiệp này phải đáp ứng được tốt nhất các tiêu chuẩn chất lượng nói trên mới được cấp giấy phép kinh doanh.
Thứ năm, đẩy mạnh dịch chuyển sang các phương pháp sản xuất chè sạch, chè chất lượng cao kết hợp chặt chẽ với phương pháp hữu cơ và dần dần dịch chuyển sang sản xuất theo phương pháp hoàn toàn hữu cơ ở những nơi đã tích lũy đủ khả năng chín muồi.
Thứ sáu, xây dựng những chính sách hỗ trợ, những chương trình phát triển các hoạt động kết hợp, phụ trợ nhằm khuyến khích và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho sự dịch chuyển sang sản xuất chè hữu cơ và chè theo xu hướng hữu cơ.
Thứ bảy, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và công tác chuyển giao công nghệ về sản xuất chè hữu cơ, chè theo xu hướng hữu cơ.
Thứ tám, xây dựng những mối liên kết ngang, liên kết dọc bền vững trong sản xuất và tiêu thụ chè hữu cơ, chè theo xu hướng hữu cơ.
Thứ chín, tăng cường công tác tiếp thị, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên thị trường nội địa và quốc tế, tiến tới đăng ký thương hiệu chè hữu cơ Hạ Hòa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Báo Nhân dân điện tử ngày 01/02/2015. Sản lượng chè Việt Nam xuất khẩu đứng thứ năm thế giới.
Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, 2015. Niên giám thống kê 2014.
Thông tin của Chi cục Thống kê Hạ Hòa, Cục thống kê Phú Thọ.
VietGAP, 2011, Dự án “Nâng cao Chất lượng, An toàn Sản phẩm Nông nghiệp và Phát triển Khí sinh học” - QSEAP, Việt Nam
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
+ Water for forests to restore environmental services and alleviate poverty in Vietnam: A farm modeling approach to analyze alternative PES programs
+ Factors Afecting Tourist Satisfaction with Traditional Craft Tea Villages in Thai Nguyen Province
+ Can more irrigation help in restoring environmental services provided by upper catchments? A case study in the Northern Mountains of Vietnam
+ Modeling for the Mountainous Areas of Northern Vietnam - Linear Programming applied to Farming Households