Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

Kinh nghiệm khởi nghiệp và công tác hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng

 19/01/2021  956

BÀI THAM DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC

TS. Vũ Quỳnh Nam

Viện Nghiên cứu Kinh tế và PTNNL, Trường ĐH Kinh tế & QTKD, ĐHTN

1. Giới thiệu

Lâm Đồng là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả khu vực Tây Nguyên với rất nhiều tiềm năng to lớn về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong những năm qua tỉnh đã tích cực phát động phong trào khởi nghiệp, cả khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lẫn khởi nghiệp thông thường theo đặc thù của tỉnh với những chính sách hỗ trợ rất có hiệu quả. Nhờ sự chỉ đạo đúng đắn, tích cực của các cấp chính quyền và sự năng động, sáng tạo của các chủ thể khởi nghiệp trên địa bàn, tới nay Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển khởi nghiệp mà chỉ có một số rất ít địa phương trong cả nước có thể đạt được. Những thành tựu này đã đưa Lâm Đồng trở thành một trong những địa phương đi tiên phong trong phong trào khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp của cả nước. Bài viết này khái quát về thực trạng khởi nghiệp và công tác hỗ trợ khởi nghiệp của Lâm Đồng nhằm giới thiệu, phổ biến kinh nghiệm quý giá của tỉnh tới các địa phương khác trong toàn quốc.

2. Thực trạng khởi nghiệp và công tác hỗ trợ khởi nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng

2.1. Khái quát về tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam, đồng thời là tỉnh có diện tích lớn thứ 7 cả nước, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía nam [1]. Năm 2018, Lâm Đồng là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 23 về số dân, xếp thứ 23 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 18 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 26 về tốc độ tăng trưởng GRDP [1]. Với 1.312.900 người dân, năm 2018 GRDP Lâm Đồng đạt 78.433 tỉ đồng (tương ứng với 3,4064 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 59,74 triệu đồng (tương ứng với 2.595 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,14% [1]. Lâm Đồng nằm trên cao nguyên cao nhất của Tây Nguyên là Lâm Viên - Di Linh với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế [1]. Tỉnh lỵ là thành phố Đà Lạt nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 300 km về hướng Đông Bắc. Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên có 2 thành phố trực thuộc tỉnh  là Đà Lạt và Bảo Lộc [1].

2.2. Các lợi thế khởi nghiệp của Lâm Đồng

2.2.1. Lợi thế về du lịch - dịch vụ

Lâm Đồng nổi tiếng trong cả nước và quốc tế về tài nguyên du lịch. Thành phố Đà Lạt là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả nước và khu vực do tài nguyên khí hậu quanh năm mát mẻ, sở hữu trên 2.000 dinh thự cổ, trong đó Trường Cao đẳng Sư phạm nằm trong top 1.000 kiến trúc độc đáo nhất của thế giới trong thế kỷ 20 [2]. Với 3 sân golf, 7 thác là danh thắng cấp quốc gia, 7 hồ lớn có sinh cảnh đẹp [2]. Về cơ sở lưu trú và kinh doanh du lịch, Lâm Đồng có 2.250 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 25.617 phòng, trong đó có 480 khách sạn từ 1 - 5 sao với 12.642 phòng, 445 khách sạn cao cấp từ 1 - 2 sao với 9.146 phòng; 35 khách sạn từ 3 - 5 sao, quy mô 3.496 phòng [2]. Về khu, điểm du lịch, Lâm Đồng có 35 khu, điểm kinh doanh tham quan du lịch, hơn 60 điểm tham quan miễn phí khác và 33 điểm du lịch canh nông [2]. Về văn hóa lễ hội, Đà Lạt được Chính phủ công nhận thành phố Festival hoa và được tổ chức hai năm một lần, ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có các lễ hội như lễ hội chè và lễ hội văn hóa các dân tộc [2]. Văn hóa lễ hội của Lâm Đồng là một yếu tố có sức thu hút khách du lịch rất mạnh. Lợi thế vượt trội về du lịch - dịch vụ nói trên là tiềm năng rất lớn về phát triển khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ.

2.2.2. Lợi thế về nông nghiệp công nghệ cao

Lâm Đồng cũng là một trong những địa phương hàng đầu trong cả nước về nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng có chất lượng vượt trội hơn hẳn so với các địa phương khác trong cả nước nên thường được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Úc, Thái Lan, Bỉ, Hà Lan, EU, Mỹ, Trung Quốc [2]. Tổng diện tích gieo trồng của Lâm Đồng là 384.033 ha, trong đó tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là 57.714 ha (chiếm 18,28% diện tích canh tác) [2]. Các đặc điểm độc đáo vượt trội về nông nghiệp của Lâm Đồng cũng tạo ra tiềm năng khởi nghiệp đặc biệt to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, với diện tích trên 597.600 ha rừng, Lâm Đồng có 2 vườn quốc gia là Bidoup Núi Bà (700,38 km2) và Cát Tiên (272,73 km2) [2]. Từ tháng 7/2015 UNESCO đã công nhận khu dự trữ sinh quyển Lang Biang là khu dự trữ sinh quyển thế giới với diện tích 275.439 ha [2]. Các lợi thế này cũng tạo ra tiềm năng lớn về khởi nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp.

2.2.3. Lợi thế về công nghiệp

Ngành Công nghiệp Lâm Đồng phát triển bởi công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, phân bón và sản xuất phân phối điện, khí đốt [2]. Để phát triển công nghiệp tập trung và hiện đại tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kêu gọi đầu tư vào 2 khu công nghiệp gồm: khu công nghiệp Lộc Sơn 183 ha, khu công nghiệp Phú Hội 109 ha, khu Công nghiệp Nông nghiệp Tân Phú 316,8 ha và 6 cụm công nghiệp với quy mô trên 200 ha [2]. Như vậy, tiềm năng, lợi thế về phát triển khởi nghiệp trong ngành công nghiệp cũng rất lớn, nhất là trong công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

2.3. Các thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng

Tác giả Trương Văn Đức (2020) [3] cho rằng nếu hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) được hiểu như là “tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp gồm các tổ chức khởi nghiệp (công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, hệ thống ngân hàng…) và các cơ quan liên quan (trường đại học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công…) và tiến trình khởi nghiệp (tỉ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỉ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp…) thì Lâm Đồng chỉ mới hình thành một phần HSTKN. HSTKN tỉnh Lâm Đồng còn thiếu các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, hệ thống ngân hàng chuyên đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, chưa có không gian làm việc chung, vườn ươm khởi nghiệp… vốn là những thành tố rất quan trọng của HSTKN. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vốn sẵn có những tác nhân lớn có tiềm năng trở thành những thành tố nền tảng quan trọng và quý giá cho HSTKN. Đó là các viện nghiên cứu khoa học; các trường đại học, cao đẳng; và đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu. Sau đây chúng ta sẽ giới thiệu chi tiết về các tác nhân này.

2.3.1. Các viện nghiên cứu khoa học

Một trong những lợi thế nổi bật của Lâm Đồng mà không phải tỉnh, thành nào cũng có là có khá nhiều viện nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc gia khiến cho tỉnh trở thành một trong những trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước [4]. Các viện nghiên cứu khoa học này là những nguồn cung cấp kiến thức, ý tưởng và nhân sự khởi nghiệp rất lớn cho tỉnh Lâm Đồng. Bảng 1 trình bày thông tin chi tiết về các viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh [5] [6] [7] [8] [9].

Bảng 1: Các viện nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

STT

Tên trung tâm

Địa chỉ

Lĩnh vực nghiên cứu

1

Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam)

Số 116 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 7, Đà Lạt, Lâm Đồng

Nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ, tổ chức cung ứng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực sinh học, hóa học, môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

2

Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt

Số 1 đường Nguyên Tử Lực, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Vận hành an toàn, khai thác có hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các thiết bị khoa học và công nghệ khác để phục vụ nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Thực hiện các nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng, hóa phân tích, hóa bức xạ, hóa phóng xạ, sinh học phóng xạ, môi trường, định liều lượng bức xạ, v.v…

3

Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao (Thuộc Đại học Đà Lạt)

Số 1 Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt, Lâm Đồng

Nghiên cứu khoa học, sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ; chuyển giao công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống; tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực sinh học và nông nghiệp.

4

Viện Sinh học Tây Nguyên

Phường 7, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Nghiên cứu cơ bản về sinh học vùng Tây Nguyên

5

Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam)

Số 9 Hùng Vương, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, đào tạo và tư vấn trong lĩnh vực lâm nghiệp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nguồn: Website các Viện nghiên cứu khoa học tại Lâm Đồng

2.3.2. Các trường đại học, cao đẳng

Lâm Đồng cũng là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn nhất của Tây Nguyên và một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo lớn của cả nước. Trên địa bàn tỉnh có cả thảy 8 trường đại học, cao đẳng, trong đó có 3 trường đại học và 5 trường cao đẳng [10]. Chi tiết cụ thể về các trường  [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] được trình bày trong Bảng 2.

Bảng 2: Các trường đại học, cao đẳng tại Lâm Đồng

STT

Tên cơ sở

Địa chỉ

Lĩnh vực đào tạo

1

Trường Đại học Đà Lạt

Số 1 Phù Đổng Thiên Vương, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Đào tạo đa ngành nhưng thế mạnh nhất là các nhóm ngành sinh học, nông nghiệp, luật, công nghệ và du lịch

2

Trường Đại học Yersin

Số 27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Công nghệ Sinh học; Khoa học Môi trường; Công nghệ Thông tin; Quản trị Kinh doanh; Điều dưỡng; Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành; Tiếng Anh; Kiến trúc và Mỹ thuật Công nghiệp

3

Trường Đại học Kiến trúc Hồ Chí Minh (trực thuộc Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh)

Số 20 Hùng Vương, Phường 10, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Kiến trúc - mỹ thuật

4

Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt

Số 29 Yersin, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Đào tạo sư phạm về Tự nhiên, Xã hội, Tiểu học - Mầm non, Lý luận chính trị, Thể dục - Nhạc - Họa....

5

Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng

Số 16 Ngô Quyền, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Đào tạo Dược, Hộ sinh, Điều Dưỡng, Kỹ thuật viên Y học

6

Trường Cao đẳng du lịch Đà Lạt

Km số 5, đường Cam Ly, phường 7, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Hướng dẫn du lịch; Quản trị khách sạn; Quản trị nhà hàng; Chế biến nấu ăn; Quản trị Lữ hành

7

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng

Số 39 Trần Phú, Phường 4, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Kế toán, Công nghệ, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Công nghệ sinh học, Tiếng Anh.

8

Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt

Số 1 Hoàng Văn Thụ,  Phường 4, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Đào tạo nghề đa ngành

Nguồn: Zicxa books

Vai trò là trung tâm giáo dục, đào tạo của khu vực Tây Nguyên với hệ thống các trường đại học, cao đẳng cùng với các cơ sở đào tạo khác khiến cho Lâm Đồng có tiềm năng rất lớn về phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực khởi nghiệp.

2.3.3. Các doanh nghiệp

Theo Website Thông tin công ty - doanh nghiệp Việt Nam [19] thì hiện nay Lâm Đồng có 17.218 doanh nghiệp đang hoạt động đóng trên 12 quận, huyện. Các doanh nghiệp hoạt động ở Lâm Đồng tập trung chủ yếu ở TP. Đà Lạt (7.115 công ty), TP. Bảo Lộc (2.623 công ty), huyện Đức Trọng (2.013 công ty), huyện Di Linh (1.168 công ty), huyện Lâm Hà (1.133 công ty), huyện Bảo Lâm (921 công ty) [19]. Như vậy, số lượng công ty của Lâm Đồng là rất lớn so với phần lớn các tỉnh, thành khác trong cả nước. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hùng hậu đã tạo ra không khí kinh doanh rất sôi động, đây chính là môi trường rất tốt cho các hoạt động khởi nghiệp nảy nở.

2.3.4. Các công ty khoa học công nghệ

Trái ngược với tình hình các viện nghiên cứu và các trường đại học, cao đẳng, và khác với tình hình của tỉnh láng giềng Bình Thuận, Lâm Đồng chỉ có rất ít doanh nghiệp khoa học, công nghệ (KH&CN). Theo Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Lâm Đồng thì nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, đặc biệt là trong lĩnh vực KH&CN [20]. Cũng theo Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Lâm Đồng thì trên địa bàn tỉnh chỉ có 5 công ty được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN, thông tin chi tiết về các doanh nghiệp này được lấy từ Website các công ty [21] [22] [23] [24] [25] và trình bày trong Bảng 3. Số lượng doanh nghiệp KH&CN ít ỏi là một hạn chế lớn của HSTKN tỉnh Lâm Đồng.

Bảng 3: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Lâm Đồng

STT

Công ty

Địa chỉ

Người đại diện

Ngành nghề kinh doanh khoa học công nghệ

1

Công ty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt

Số 18 Lê Hồng Phong, Phường 4, Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng

Trần Thị Nghĩa

Sản xuất vắc xin chất lượng cao, an toàn tuyệt đối và hiệu quả trong việc phòng chống các bệnh nhiễm trùng cho con người; Sản xuất Probiotics đạt chất lượng vượt trội dùng trong điều trị, cải thiện và tăng cường sức khỏe.

2

Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật H.Q

Số 72/22, Huỳnh Thúc Kháng, Phường 2, Thành phố Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam

 

Quản Hành Quân

Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu

 

3

Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng

Số 6A Ngô Quyền, Phường 6, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Vũ Thu Mười

Sản xuất hóa chất, dược phẩm; Sản xuất thuốc và dược phẩm

4

Công ty Cổ phần PAN - HULIC

Thôn Tân lập, Xã Tân Văn, Huyện Lâm Hà, Tỉnh Lâm Đồng

Nguyễn Khánh Quỳnh

Trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp; Hoạt động dịch vụ trồng trọt; Hoạt động dịch vụ sau thu hoạch; Chế biến và bảo quản rau quả.

5

Cổ phần đầu tư Sâm Ngọc Linh Việt Nam

Số 26/6, đường 3 tháng 4-Phường 3-Thành phố Đà Lạt-Lâm Đồng

Nguyễn Văn Sáu

Nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp

Nguồn: Website các công ty KH$CN tỉnh Lâm Đồng

2.4. Đề án hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng

Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao và căn cứ Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; ngày 18/4/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 740/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 740) [26]. Đề án 740 phản ánh quan điểm, chủ trương xuyên suốt và bao quát nhất của tỉnh Lâm Đồng về công tác hỗ trợ khởi nghiệp nên cần được xem xét kỹ.

2.4.1. Mục tiêu

- Hình thành nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã mới; đến năm 2020 tỉnh Lâm Đồng có khoảng 10.000 doanh nghiệp;

- Hình thành nhiều sản phẩm mới đặc thù của Lâm Đồng trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ;

- Hình thành nhiều mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

2.4.2. Đối tượng áp dụng

- Cá nhân, nhóm cá nhân có ý tưởng, phương án khởi nghiệp được các Vườn ươm của các trường, các đoàn thể và các hiệp hội giới thiệu qua các cuộc thi tuyển chọn;

- Các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu và có dự án phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ;

- Các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nhiều hộ nông dân.

2.4.3. Ban chỉ đạo

- UBND tỉnh là cấp cao nhất trong Ban chỉ đạo công tác hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch Hội đồng xét chọn các ý tưởng, phương án khởi nghiệp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt để chuyển đến các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ theo quy định.

- Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài chính; Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; các Sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố; các trường đại học, cao đẳng; các Hiệp hội doanh nghiệp; các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp là các cơ quan phối hợp.

2.4.4. Nội dung hỗ trợ

2.4.4.1. Hỗ trợ thông tin

Hỗ trợ thông tin được thực hiện đối với các lĩnh vực sau đây: (1) Công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ; (2) Chính sách, pháp luật; (3) Đào tạo nguồn nhân lực; (4) Nguồn đầu tư và giao dịch đầu tư; tìm kiếm đối tác, khách hàng; (5) Tư vấn thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án đầu tư, kinh doanh; (6) Tổ chức đào tạo, huấn luyện; (7) Xây dựng, phát triển thương hiệu, sở hữu trí tuệ...; (8) Hỗ trợ các hoạt động liên quan đến khuyến nông, khuyến công,...; (9) Quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường,...; (10) Hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng tham gia phát triển ý tưởng, phương án khởi nghiệp.

2.4.4.2. Hỗ trợ vốn

Hỗ trợ vốn bao gồm: (1) Hỗ trợ chi phí thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ...; (2) Cho vay có thu hồi từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ, Quỹ Khuyến công, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ nông dân... của tỉnh Lâm Đồng với lãi suất ưu đãi; (3) Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

2.4.5. Kinh phí thực hiện

Kinh phí từ ngân sách tỉnh để thực hiện Đề án khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 là 5 tỷ đồng, trong đó năm 2017 là 875 triệu đồng; từ năm 2018 - 2020 là 1,375 tỷ đồng/năm. Ngoài nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách tỉnh kinh phí thực hiện Đề án khởi nghiệp còn được sử dụng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ hàng năm để triển khai các hoạt động khoa học công nghệ; kinh phí từ các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của các cơ quan Trung ương hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; nguồn vốn của các Quỹ: Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, Phát triển Khoa học và Công nghệ, Khuyến công, Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Hỗ trợ nông dân.. .và kinh phí từ các tổ chức, cá nhân...đóng góp cho Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh; và kinh phí lồng ghép từ các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

* Nhận xét về Đề án 740

Có thể đưa ra nhận xét về tinh thần chủ đạo của Đề án 740 tỉnh Lâm Đồng như sau: tên Đề án chỉ sử dụng cụm từ “hỗ trợ khởi nghiệp” chứ không phải là “hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; trong đối tượng hỗ trợ không nhấn mạnh việc các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp“có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới” mà chỉ nói “có ý tưởng, phương án khởi nghiệp”; cơ quan có vai trò quyết định trong công tác hỗ trợ là Sở Kế hoạch và Đầu tư chứ không phải là Sở khoa học và Công nghệ như nhiều tỉnh khác; trọng tâm hỗ trợ tập trung vào 2 lĩnh vực “thiết thực” đối với hoạt động kinh doanh là thông tin và vốn; kinh phí thực hiện được xác định rất rõ ràng về mức chi, nội dung chi. Những đặc điểm trên cho thấy tỉnh Lâm Đồng xác định rõ ràng là coi trọng và hỗ trợ tất cả các hoạt động khởi nghiệp trong đó có bao gồm cả khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chứ không có chương trình riêng biệt dành cho hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

2.5. Thực trạng phát triển khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng

2.5.1. Giai đoạn trước khi có Đề án 740 (trước năm 2017)

Theo đánh giá tổng kết của chính Đề án 740 tình hình phát triển khởi nghiệp trước năm 2017 như sau [26]:

Các hoạt động khởi nghiệp đã hình thành tại Lâm Đồng từ trước những năm 2000. Tuy nhiên, đến năm 2002, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 90/2002/NĐ-CP về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa; từ đó khái niệm khởi nghiệp mới được chính thức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và một số cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng cũng bắt đầu được ban hành. Khái niệm khởi nghiệp tuy đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa thật sự trở thành chủ trương lớn, chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng khắp và việc tổ chức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ khởi nghiệp tại tỉnhr. Trong triển khai Nghị định số 90/2002/NĐ-CP của Chính phủ tỉnh Lâm Đồng chỉ tập trung vào một số hoạt động đào tạo khởi nghiệp nhưng còn rời rạc và nhỏ lẻ, chưa đạt được những kết quả rõ nét.

Những năm gần đây, với sự hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các trường đại học, cao đẳng... phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên, sinh viên tỉnh Lâm Đồng được phát động, hỗ trợ và đã đạt được một số kết quả bước đầu với khoảng 20 ý tưởng được bình chọn hàng năm nhưng chưa có nguồn lực và cơ chế hỗ trợ để những ý tưởng được chọn tiếp tục tham gia thị trường. Chương trình khuyến công của tỉnh đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp mới thành lập nhưng chủ yếu là tập huấn khởi nghiệp, tổ chức một số cuộc thi lựa chọn các sản phẩm mới và chỉ dừng lại ở mức chấm sản phẩm đạt giải, chưa có cơ chế hỗ trợ các hoạt động tiếp theo để phát triển sản phẩm. Các cơ quan chức năng của tỉnh chưa phối hợp và kết nối với các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức đoàn thể và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp nên tác dụng còn hạn chế. Trong số khoảng 800 doanh nghiệp mới thành lập hàng năm, có từ 30 đến 40 doanh nghiệp được thành lập theo hình thức khởi nghiệp từ các vườn ươm khởi nghiệp của các trường đại học, cao đẳng và từ sự khuyến khích, động viên của các đoàn thể, hiệp hội doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã hình thành và được triển khai, tuy Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhưng chỉ là những chính sách hỗ trợ chung, chưa có chính sách riêng dành cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp và chưa có những quy định pháp luật điều chỉnh sự hình thành và phát triển của những doanh nghiệp khởi nghiệp.

2.5.2. Giai đoạn từ khi có Đề án 740 tới nay (từ năm 2017 tới nay)

2.5.2.1. Các thành tựu đạt được

Theo đánh giá tổng kết của tác giả Trương Văn Đức (Trương Văn Đức, 2020) [3] thì các thành tựu đạt được trong phát triển khởi nghiệp và trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp kể từ khi có Đề án 740 tới nay như sau. Mặc dù HSTKN của tỉnh Lâm Đồng còn thiếu nhiều thành tố quan trọng nhưng trong những năm qua, với sự phối hợp của môt số đơn vị thuộc HSTKN, đặc biệt là các đoàn thể, các trường đại học, một số cơ quan Nhà nước, phong trào khởi nghiệp của tỉnh đã phát triển khá mạnh mẽ và đạt được một số kết quả nhất định. [3]

Các hoạt động hỗ trợ tập huấn, đào tạo, hướng dẫn lập đề án ý tưởng khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp, tổ chức diễn đàn kết nối giữa các nhà đầu tư và các nhà khởi nghiệp... đã được tổ chức thường xuyên và rộng khắp. Năm 2018, toàn tỉnh đã có 299 tác giả và nhóm tác giả tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp; trong đó đã có 17 ý tưởng được hội đồng trao giải và UBND tỉnh quyết định hỗ trợ. Năm 2019 có 216 tác giả và nhóm tác giả tham gia các cuộc thi với 22 ý tưởng được trao giải, 01 ý tưởng được chọn tham gia Techfest quốc gia 2019. Đến tháng 8 năm 2020 đã có gần 150 ý tưởng chuẩn bị tham gia cuộc thi chung kết ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng năm 2020. [3]

Trong giai đoạn 2017-2020 Lâm Đồng đã tổ chức kết nối thành công 49 ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư. Với số lượng bình quân gần 1.000 doanh nghiệp được thành lập mới hàng năm (giai đoạn 2016-2020) thì số lượng các ý tưởng khởi nghiệp trong 3 năm 2017-2020 của tỉnh Lâm Đồng là khá cao so với các địa phương trong nước. Các cuộc thi khởi nghiệp trong 2 năm 2019, 2020 cho thấy cho thấy nhiều sinh viên, thanh niên, phụ nữ… trên địa bàn tỉnh có đam mê, khát vọng vươn lên để thành đạt, dám dấn thân và có ý tưởng sáng tạo trong khởi nghiệp. Nhiều ý tưởng được chọn qua các cuộc thi được hội đồng giám khảo đánh giá cao, tạo được dấu ấn về tính sáng tạo, phù hợp với những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra. [3]

2.5.2.2. Các tồn tại, hạn chế

Vẫn theo đánh giá tổng kết của tác giả Trương Văn Đức (Trương Văn Đức, 2020) [3], tuy các chủ thể khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng có tiềm năng, thể hiện qua kết quả khởi nghiệp giai đoạn 2017-2020, nhưng việc phát huy tiềm năng này còn gặp hạn chế vì một số nguyên nhân sau đây:

1) Về cơ chế, chính sách. Lâm Đồng là một trong số không nhiều địa phương đã sớm hình thành cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nhưng qua thực tế cho thấy chính sách và mô hình tổ chức của tỉnh có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Ngoài nguồn lực là Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; tỉnh còn chủ trương sử dụng các Quỹ khuyến công, Hợp tác xã, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ… nhưng lại không có quy chế phối hợp các nguồn lực này nên không triển khai được trên thực tế vì mỗi quỹ đều có quy chế, đối tượng và mục tiêu riêng. Ngay cả Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp vốn là quỹ chỉ dành riêng cho mục tiêu hỗ trợ khởi nghiệp nhưng quy chế quản lý quỹ được ban hành cũng chưa thật sự phù hợp với đặc thù của đối tượng khởi nghiệp; từ đó các nguồn lực phục vụ cho chính sách hỗ trợ khởi nghiệp khó đi vào cuộc sống và chưa có những tác động tích cực thúc đẩy khởi như nghiệp như kỳ vọng. Trong 3 năm đã có tới hơn 500 ý tưởng khởi nghiệp, nhưng Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp chỉ cho vay được 1 dự án khởi nghiệp với mức cho vay 300 triệu đồng. [3]

2) Về kiện toàn HSTKN. Tỉnh Lâm Đồng đã hình thành được HSTKN nhưng chưa hoàn chỉnh và thiếu hẳn những chủ thể rất quan trọng như vườn ươm khởi nghiệp, không gian làm việc chung, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp chuyên nghiệp, chưa có các nhà đầu tư mạo hiểm; thiếu hẳn cơ quan điều phối hệ sinh thái có hiệu quả nên sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong thời gian vừa qua còn nhiều hạn chế. Mặc dù Sở KHCN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hai văn bản liên quan là Kế hoạch 6324/KH-UBND ngày 22/9/2017 về “Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020” và Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 22/3/2019 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025” và trong hai văn bản này đều đề cập đến những chủ thể còn thiếu của HSTKN nhưng đến nay vì nhiều lý do khác nhau các nội dung quan trọng trong các văn bản này vẫn chưa được triển khai trên thực tế, đây là một thiệt thòi rất lớn cho các nhà khởi nghiệp. [3]

3) Về mô hình tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Mô hình tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như hiện nay cho thấy nhiều điểm chưa thật sự phù hợp với yêu cầu hỗ trợ khởi nghiệp trên thực tế và tổ chức này chưa đảm nhận được vai trò điều phối sự phối hợp của các thành viên thuộc HSTKN một cách có hiệu quả trong khi đây lại là một trong những yếu tố quan trọng để hỗ trợ khởi nghiệp thành công. [3]

4) Về đầu mối chỉ đạo. Lâm Đồng hiện đang triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh theo cả mô hình đổi mới sáng tạo được quy định tại Quyết định 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và mô hình khởi nghiệp theo đặc thù của địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo Quyết định 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp khác lại giao cho Tổ Hỗ trợ khởi nghiệp là một tổ chức kiêm nhiệm. Điều này gây ra bất cập trong thống nhất đầu mối chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp. [3]

5) Về điều phối HSTKN. Thời gian qua do thiếu một mô hình tổ chức thích hợp nên việc điều phối HSTKN chưa thực sự có hiệu quả. [3]

2.5.2.3. Giải pháp phát triển khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp cho tỉnh Lâm Đồng

Vẫn theo tác giả Trương Văn Đức (Trương Văn Đức, 2020) [3], để có thể khắc phục những bất cập hiện nay và nâng cao hiệu quả hỗ trợ khởi nghiệp cần thực hiện các giải pháp sau:

1) Tổng kết Đề án 740, phân tích, đánh giá đúng những hạn chế, bất cập và xây dựng lại Đề án mới cho giai đoạn 2021-2025 theo hướng tiếp cận mới, phù hợp với đặc thù của hoạt động khởi nghiệp và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đề án mới phải khắc phục được những hạn chế đang gặp phải, bao gồm cả việc ban hành hệ thống chính sách phù hợp với đặc điểm hoạt động khởi nghiệp và thực tiễn của địa phương; hình thành HSTKN đầy đủ và một mô hình tổ chức thống nhất và có hiệu lực, hiệu quả trong công tác điều phối HSTKN, tăng cường tính kỷ luật hành chính trong công tác phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp. [3]

2- Điều chỉnh, bổ sung Quy chế quản lý Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho phù hợp. [3]

3- Giao Sở Khoa học và Công nghệ thống nhất chủ trì các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp với tổ chức phù hợp và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. [3]

4- Tiếp tục triển khai đồng bộ và hiệu quả hai văn bản liên quan là Kế hoạch 6324/KH-UBND ngày 22/9/2017 về “Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020” và Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 22/3/2019 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025” để hình thành đầy đủ HSTKN hoạt động có hiệu quả. [3]

Tác giả Trương Văn Đức Khởi kết luận rằng khởi nghiệp thành công đòi hỏi một quá trình lâu dài và bền bỉ, trong đó sự tham gia của Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định đến việc thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp. [3]

3. Kết luận

Tỉnh Lâm Đồng có những tiềm năng, lợi thế kinh tế độc đáo hết sức to lớn; có vị thế của trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất khu vực Tây Nguyên; có một loạt viện nghiên cứu tầm cỡ quốc gia; có hệ thống đông đảo các trường đại học, cao đẳng được xếp thứ hạng chất lượng cao; và đặc biệt là có một đội ngũ các doanh nghiệp hết sức đông đảo, năng động. Những yếu tố trên chính là tiềm lực thâm hậu để tạo dựng và phát triển một HSTKN lớn mạnh, tràn đầy sinh lực năng động. Trong những năm qua, nhờ sự chỉ đạo tích cực của tỉnh và sự năng động sáng tạo trong kinh doanh của người dân, của các doanh nghiệp và sự tham gia có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể… mà phong trào khởi nghiệp của Lâm Đồng đã thực sự bùng phát mạnh mẽ và sâu rộng với nhiều thành tựu mà chỉ có rất ít tỉnh, thành khác trong cả nước có thể đạt được. Có thể nói, tuy còn một số hạn chế bất cập nhưng Lâm Đồng đã chứng tỏ rõ ràng là một trong những địa phương đi tiên phong tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp của toàn quốc.

Từ khóa: khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, Lâm Đồng   

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Wikipedia. Lâm Đồng.

https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A2m_%C4%90%E1%BB%93ng

  1. Website TIPC Lâm Đồng. Tổng quan tỉnh Lâm Đồng.

http://www.dalat-info.vn/vn/tong-quan-tinh-lam-dong/index.phtml

  1. Trương Văn Đức (2019). Những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Website TIPC Lâm Đồng.

http://www.dalat-info.vn/vn/thang-9-2020/nhung-giai-phap-hoan-thien-he-sinh-thai-khoi-nghiep-tinh-lam-dong-42716.phtml

  1. https://www.google.com/search?q=c%C3%A1c+vi%E1%BB%87n+nghi%C3%AAn+c%E1%BB%A9u+%E1%BB%9F+l%C3%A2m+%C4%91%E1%BB%93ng&oq=c%C3%A1c+vi%E1%BB%87n+nghi%C3%AAn+c%E1%BB%A9u+%E1%BB%9F+l%C3%A2m+%C4%91%E1%BB%93ng&aqs=chrome..69i57.11527j0j4&sourceid=chrome&ie=UTF-8
  2. Website Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam).

http://www.vast.ac.vn/gioi-thieu-chung/co-cau-to-chuc/cac-vien-nghien-cuu/277-vien-nghien-cuu-khoa-hoc-tay-nguyen

  1. Website Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt.

https://nri.gov.vn/

  1. Website Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao (Thuộc Đại học Đà Lạt).

http://vnncnc.dlu.edu.vn/

  1. Website Viện Sinh học Tây Nguyên.

http://www.vast.ac.vn/gioi-thieu-chung/co-cau-to-chuc/cac-vien-nghien-cuu/277-vien-nghien-cuu-khoa-hoc-tay-nguyen

  1. Website Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

http://vafs.gov.vn/vn/vien-khoa-hoc-lam-nghiep-nam-trung-bo-va-tay-nguyen/

  1. Website Zicxa books. Danh sách các trường đại học, cao đẳng ở Đà Lạt. https://zicxabooks.com/vi/tri-thuc/cac-truong-dai-hoc-cao-dang-da-lat.html
  2. Website Trường Đại học Đà Lạt.

http://www.dlu.edu.vn/

  1. Website Trường Đại học Yersin.

https://yersin.edu.vn/

  1. Website Trường Đại học Kiến trúc Hồ Chí Minh cơ sở Đà Lạt.

http://www.uah.edu.vn/router/trung-tam-dao-tao-co-so-da-lat-397.html

  1. Wesite Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt.

http://cdspdalat.edu.vn/

  1. Website Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng.

https://cdytld.edu.vn/

  1. Website Trường Cao đẳng du lịch Đà Lạt.

http://dtc.edu.vn/en/home/

  1. Website Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng.

http://ktktld.edu.vn/

  1. Website Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt.

http://cdndalat.edu.vn/

  1. Website Thông tin công ty - doanh nghiệp Việt Nam. Thông tin công ty tại Lâm Đồng.

https://lam-dong.congtydoanhnghiep.com/

  1. Báo Doanh nghiệp Việt Nam. Lâm Đồng: Gần 2 năm không tăng thêm doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ.

https://doanhnghiepvn.vn/ho-tro-doanh-nghiep/lam-dong-gan-2-nam-khong-tang-them-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe/20200910024259418

  1. Website Công ty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt.

http://davac.com.vn/

  1. Website Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật H.Q.

http://xenangtphcm.com/gioi-thieu/cong-ty-tnhh-thuong-mai-dich-vu-ky-thuat-hq/

  1.  Website Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng.

https://www.ladophar.com/

  1. Website Công ty Cổ phần PAN – HULIC.

https://thepangroup.vn/pan-saladbowl-doi-ten-thanh-pan-hulic-va-thay-doi-bo-nhan-dien-thuong-hieu-4005.htm

  1. Website Cổ phần đầu tư Sâm Ngọc Linh Việt Nam.

https://hosocongty.vn/cong-ty-cp-dau-tu-sam-ngoc-linh-viet-nam-com-286959.htm

  1. Thư viện pháp luật. Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/doanh-nghiep/Quyet-dinh-740-QD-UBND-De-an-ho-tro-khoi-nghiep-Lam-Dong-2020-2017-346933.aspx


BÀI VIẾT LIÊN QUAN