Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

Một số nét chính về tình hình khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại tỉnh Bến Tre

 20/01/2021  1280

BÀI THAM DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC

TS. Vũ Quỳnh Nam

Viện Nghiên cứu Kinh tế và PTNNL, Trường ĐH Kinh tế & QTKD, ĐHTN

1. Giới thiệu

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017 tới nay Bến Tre đã triển khai chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bản tỉnh. Chương trình đã phát động phong trào khởi nghiệp khá sâu rộng trong nhân dân, nhất là trong khối các doanh nghiệp, các trang trại, các hộ gia đình, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức, cá nhân khác và bước đầu đã có những dấu hiệu khả quan về kết quả. Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre bước đầu đã đạt được những thành tựu xuất sắc đáng ngạc nhiên mặc dù là một tỉnh rất nghèo, xuất phát điểm rất thấp với hệ sinh thái khởi nghiệp còn rất yếu ớt. Bài viết này tổng hợp các thông tin về tình hình khởi nghiệp của Bến Tre những năm gần đây nhằm giới thiệu, phổ biến kinh nghiệm phát triển khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre tới các địa phương khác.

2. Tình hình khởi nghiệp ĐMST và hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại tỉnh Bến Tre

2.1. Giới thiệu khái quát về tỉnh Bến Tre

Bến Tre là một trong 13 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu LongViệt Nam. Tỉnh Bến Tre có diện tích tự nhiên là 2.360 km2, được hình thành bởi cù lao An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa của bốn nhánh sông Cửu Long bồi tụ nên (gồm sông Tiền dài 83 km, sông Ba Lai dài 59 km, sông Hàm Luông dài 71 km, sông Cổ Chiên dài 82 km) [1].

Tỉnh Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông với chiều dài đường biển khoảng 65 km và các tỉnh Tiền GiangTrà VinhVĩnh Long. Trung tâm của tỉnh Bến Tre cách Thành phố Hồ Chí Minh 87 km về phía Tây qua tỉnh Tiền Giang và Long An [1]. Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, có độ cao trung bình từ 1 đến 2 mét so với mực nước biển, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam, độ cao chênh lệch khá lớn, tối đa là 3,5 m [1]. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm từ 26oC - 27oC, lượng mưa trung bình năm từ 1.250 - 1.500 mm [1].

Năm 2019, Bến Tre là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 28 về dân số, xếp thứ 46 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 58 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 54 về tốc độ tăng trưởng GRDP [1]. Với 1.288.200 người, GRDP năm 2019 đạt 50.831 tỉ đồng (tương ứng với 2,23 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 38,9 triệu đồng (tương ứng với 1.624 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,85% [1].

2.2. Các tiềm năng, lợi thế trong phát triển khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Bến Tre

Theo Trang thông tin điện tử Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Bến Tre thì tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre như sau [2].

Với vị trí địa lý khá thuận lợi, khoảng cách đường bộ từ Bến Tre đến Thành phố Hồ Chí Minh 88 km và từ Bến Tre đến thành phố Cần Thơ 110 km, hệ thống giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện và phân bố đều khắp trong tỉnh; từ khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên hoàn thành đưa vào sử dụng, Bến Tre đã phá được thế biệt lập và tạo tuyến đường bộ thông suốt đi Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và các tỉnh, thành trong khu vực. Mặt khác, Bến Tre thuộc khu vực tam giác hệ thống sông Tiền nên thuận lợi về đường thủy, với 04 hệ thống sông chính hướng ra biển Đông và hệ thống kênh rạch là các trục giao thông đối ngoại quan trọng gắn kết kinh tế tỉnh Bến Tre với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó tạo điều kiện để khơi dậy và phát triển mạnh mẽ tiềm năng kinh tế - xã hội trong thời gian tới. [2]

Bến Tre là một tỉnh nông nghiệp, với thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển; với khoảng 72.770ha cây dừa, 27.855 ha cây ăn trái, 45.000 ha nuôi thủy sản, 3.845 tàu khai thác thủy sản, với công suất bình quân 346 CV/tàu… Thời gian qua, Bến Tre rất quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đến nay đã có 5 chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành và phát triển (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn và tôm biển) và 03 chuỗi đang xây dựng (hoa kiểng, bò và heo). [2]

Bến Tre có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 16 di tích cấp quốc gia, 04 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh, trong đó có nhiều nơi khá quen thuộc, như: Khu mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri), khu di tích Đồng khởi Bến Tre (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam), mộ Nhà giáo Võ Trường Toản (làng Bảo Thạnh, Ba Tri), đình Phú Lễ (Ba Tri), đình Bình Hòa (Giồng Trôm), di tích căn cứ khu ủy Sài Gòn - Gia Định, di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam (Thạnh Phú), Nhà Cổ Hương Liêm, Nhà ông Nguyễn Văn Trác, đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát (Châu Hưng, Bình Đại), đền thờ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (Mỹ Thạnh, Giồng Trôm), đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phan Văn Trị (Giồng Trôm), Trương Vĩnh Ký (Chợ Lách), mộ Cụ Phan Thanh Giản (Ba Tri). Ngoài ra, có các điểm du lịch: Cồn Phụng, Resort Forever Green (Châu Thành), cồn Bững (Thạnh Phú), cống đập Ba Lai (Ba Tri)...; các lễ hội truyền thống hàng năm như: Kỷ niệm ngày Bến Tre Đồng Khởi 17/1; lễ hội truyền thống văn hóa tỉnh (ngày 01/7 hàng năm nhân ngày sinh của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu); lễ hội Cây trái ngon, an toàn được tổ chức vào dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm... Hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử và kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh, để thu hút khách du lịch và góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Từ những thế mạnh kinh tế ở trên, ta thấy Bến Tre có tiềm năng, lợi thế về phát triển khởi nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế vườn, kinh tế biển và du lịch.

2.3. Các thành tố quan trọng hiện có trong hệ sinh thái khởi nghiệp

2.3.1. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp

Bến Tre không có viện nghiên cứu nào, không có trường đại học nào và có rất ít các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo nghề. Cụ thể là chỉ có 3 cơ sở là Trường Cao đẳng Nghề Đồng Khởi, Trường Trung cấp Y tế Bến Tre, Trường Trung cấp nghề Bến Tre [3]. Bảng 1 trình bày thông tin chi tiết về các trường này [4] [5] [6].

Bảng 1: Thông tin chi tiết về các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của tỉnh Bến Tre

STT

Tên trường

Địa chỉ

Lĩnh vực đào tạo

1

Trường Cao đẳng Nghề Đồng Khởi

17A4,QL60, Phường Phú Tân, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre

Nghề cơ khí; điện; lái xe; tin học - ngoại ngữ; kỹ thuật nữ công và may; du lịch

2

Trường Trung cấp Y Tế Bến Tre

Phường 6, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre

Đào tạo Y học trình độ trung cấp

3

Trường Trung cấp Nghề Bến Tre

59A1, Khu phố 1, P. Phú Tân, TP. Bến Tre, tỉnh
Bến Tre

Cắt gọt kim loại; Công nghệ ô tô; Cơ điện nông thôn; Điện công nghiệp; Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí; Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính; Quản trị mạng máy tính; Kỹ thuật chế biến món ăn

Nguồn: Các Website Thituyensinh.ican.vn và HướngnghiệpViệt.com

Như vậy ta thấy Bến Tre rất thiếu các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo nghề. Đây là một bất lợi rất lớn cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh vì sẽ rất khó khăn trong việc cung cấp kiến thức khởi nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực khởi nghiệp.

2.3.2. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Bến Tre có 02 khu công nghiệp gồm Giao Long (quy mô 170 ha) và An Hiệp (quy mô 72 ha) (thuộc huyện Châu Thành) hiện đã lấp đầy 100% diện tích, hiện đang triển khai xây dựng Khu Công nghiệp Phú Thuận (quy mô 230 ha, thuộc huyện Bình Đại); 10 cụm công nghiệp ở các huyện, với tổng diện tích 347,3 ha; có 57 làng nghề đã được công nhận [2]. Tính đến giữa năm 2020, Bến Tre có 3.131 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 5,6% vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và 0,4% cả nước) [7]. Bến Tre đang xếp thứ 42 cả nước về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động. Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020, bình quân cả nước năm 2019 có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân [7]. Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cao hơn bình quân cả nước, cụ thể: (1) Thành phố Hồ Chí Minh có 26,5 doanh nghiệp; (2) Đà Nẵng có 19,8 doanh nghiệp; (3) Hà Nội có 19,3 doanh nghiệp; (4) Bình Dương có 12,9 doanh nghiệp; (5) Hải Phòng có 9,8 doanh nghiệp; (6) Khánh Hòa có 9,0 doanh nghiệp; (7) Bà Rịa - Vũng Tàu có 8,8 doanh nghiệp và (8) Bắc Ninh có 8,2 doanh nghiệp [7]. Trong khi đó, Bến Tre có 2,4 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước [7]. Trong các doanh nghiệp nói chung thì các doanh nghiệp khoa học công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, không có các nguồn thông tin sẵn có về các doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Bến Tre.

Như vậy số doanh nghiệp của Bến Tre còn hết sức khiêm tốn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Sự kém đông đảo của các doanh nghiệp sẽ khiến cho hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre thiếu nhiều sinh lực.

2.4. Một số nét về khởi nghiệp ĐMST tại tỉnh Bến Tre

2.4.1. Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2010

Thông tin bao quát về tình hình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre được thể hiện rõ nhất trong Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2018 của UBND tỉnh Bến Tre về hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2010 [8] nên trước hết chúng ta sẽ xem xét những nội dung chính của Chương trình này.

2.4.1.1. Mục tiêu

            - Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

            - Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ ít nhất 03 dự án và 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 10 tổ chức, doanh nghiệp KH&CN được thành lập, với trên 20 sản phẩm KH&CN được công nhận.

2.4.1.2. Đối tượng áp dụng

            1) Các cá nhân, tổ chức có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

            2) Tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hiệu quả.

            3) Các cá nhân, tổ chức có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp thành lập mới, hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2.4.1.3. Nội dung thực hiện và cơ quan chỉ đạo

            1) Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các hoạt động thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

            - Cơ quan chủ trì thực hiện: Tùy từng nhiệm vụ cụ thể mà Sở KH&CN hoặc Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre sẽ đứng ra chủ trì thực hiện.

            - Cơ quan phối hợp: Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, Hiệp hội có liên quan.

            2) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

            - Cơ quan chủ trì thực hiện: Tùy từng nhiệm vụ cụ thể mà một trong các cơ quan sau đây sẽ đứng ra chủ trì thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương, Sở KH&CN

            - Cơ quan phối hợp: Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, Hiệp hội có liên quan.

            3) Xây dựng, hình thành điểm hỗ trợ giao dịch công nghệ và kênh thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

            - Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở KH&CN

            - Cơ quan phối hợp: Tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể mà các cơ quan sau đây sẽ phối hợp với Sở KH&CN: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Công Thương.

            4) Tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

            - Cơ quan chủ trì thực hiện: Tùy từng nhiệm vụ cụ thể mà một trong các cơ quan sau đây sẽ đứng ra chủ trì thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh Đoàn, Sở KH&CN, Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh.

            - Cơ quan phối hợp: Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, Hiệp hội có liên quan.

            5) Thực hiện hỗ trợ các cá nhân, nhóm khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

            - Cơ quanchủ trì thực hiện: Sở Tư pháp, Tỉnh Đoàn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở KH&CN.

            - Cơ quan phối hợp: Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, Hiệp hội có liên quan.

2.4.1.4. Kinh phí thực hiện

Hàng năm hoặc từng thời điểm, giao Sở KH&CN phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan, đề xuất những công việc cụ thể để triển khai các nhiệm vụ đã nêu trong Kế hoạch, dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo đúng quy định.  Nguồn kinh phí lấy từ ngân sách Trung ương thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” và nguồn sự nghiệp KH&CN và nguồn đầu tư phát triển KH&CN của ngân sách địa phương, các nguồn vốn hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân và các quỹ đầu tư. Kế hoạch 117/KH-UBND không nêu rõ bất kỳ mức hinh phí hỗ trợ cụ thể nào.

2.4.2. Thực trạng phát triển khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Bến Tre

Tác giả Bạch Mai (2020) đã đánh giá tổng kết khá sâu sắc về kết quả bước đầu của việc thực hiện chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre, dưới đây là những nội dung chính của đánh giá tổng kết này [9].

2.4.2.1. Một số kết quả khả quan bước đầu

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” (Chương trình) với mục tiêu khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nhân nhằm giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Để tổ chức thực hiện tốt Chương trình, Tỉnh ủy thành lập Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp gồm một số ban giúp việc, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan Thường trực, giúp Hội đồng thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện Chương trình. Với mong muốn Chương trình nhanh chóng đi vào thực chất, hiệu quả, tỉnh đã tổ chức ngày hội “Bến Tre - Đồng khởi khởi nghiệp”, cùng 6 diễn đàn khởi nghiệp cấp tỉnh và 4 diễn đàn khởi nghiệp cấp vùng. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể:

            1) Đào tạo, nâng cao năng lực cho cá nhân khởi nghiệp và cán bộ làm công tác khởi nghiệp.

             Đã tổ chức 687 lớp bồi dưỡng cho 36.807 học viên tham dự; cử cán bộ tham gia 10 lớp đào tạo về khởi nghiệp, xây dựng, quản lý mô hình “Vườn ươm doanh nghiệp”, “Không gian làm việc chung”... để trang bị những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã...; ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp (tỉnh tổ chức thành công 2 cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, 7 cuộc thi cấp huyện); từ đó, tìm ra nhân tố tích cực tiếp tục bồi dưỡng, giới thiệu tham dự các cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức... Kết quả, Tỉnh Bến Tre đạt 1 giải nhì cuộc thi khởi nghiệp Quốc gia, 1 giải nhất và 1 giải nhì cuộc thi do BSA tổ chức; các dự án sau khi đạt giải được bồi dưỡng, ươm tạo và phát triển thành các dự án khởi nghiệp tiêu biểu, bước đầu kinh doanh ổn định, có chiều hướng phát triển tốt.

            2) Chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp. 

            Đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ cho hơn 1.780 lượt doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp, tiếp nhận 980 ý tưởng, dự án khởi nghiệp và hỗ trợ cho 369 ý tưởng, dự án đạt; trong đó, có 221 ý tưởng, dự án phát triển thành các hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tỉnh hỗ trợ 1.761 tỷ đồng vốn cho 1.554 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp. Thông qua các diễn đàn đối thoại doanh nghiệp như “Bàn tròn khởi nghiệp”, “Cà phê doanh nghiệp”, “Hội quán cà phê khởi nghiệp”...,  Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp. Các hoạt động ươm tạo, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp... được thực hiện liên kết, hợp tác với nhiều tổ chức, địa phương(1) để hỗ trợ cho khởi nghiệp đạt nhiều kết quả, góp phần định hình hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. Trong hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, các hợp tác xã được đào tạo, tập huấn, tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm... Nhờ vậy đã có 95 hợp tác xã, 605 tổ hợp tác được thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã và tổ hợp tác của toàn tỉnh lên 136 hợp tác xã và 1.218 tổ hợp tác; nâng cao năng lực hoạt động cho 16 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp...

            Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh phối hợp với Ban Hỗ trợ sinh kế (thuộc Hội đồng khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp) tổ chức triển khai Đề án đa dạng sinh kế, giảm nghèo bền vững đến tất cả các huyện. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 6,08% (giảm 6,03% so với năm 2015). Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn lồng ghép khác cũng giải ngân hỗ trợ cho 44.612 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển sản xuất và 9.294 lượt hộ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, sản xuất kinh doanh với tổng kinh phí thực hiện trên 1.544 tỷ đồng, mức vay bình quân gần 30 triệu đồng/hộ. Qua đó, tạo việc làm mới cho 59.861 lao động (làm việc trong tỉnh 35.826 người, ngoài tỉnh 21.591 người và 2.444 người đi làm việc ở nước ngoài).

            Phải khẳng định rằng, nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động khởi nghiệp nên hệ sinh thái khởi nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh của Bến Tre được cải thiện nhanh chóng. Chỉ số PCI năm 2016 xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố được nâng lên hạng 5 vào năm 2017 và hạng 4 năm 2018; tương tự, chỉ số PAPI xếp hạng 6/63 năm 2016 nâng lên hạng 2 năm 2017 và đạt hạng nhất trong năm 2018. Kể từ khi thực hiện Chương trình đến ngày 12-4-2019 đã có 1.602 doanh nghiệp cùng với 1.288 đơn vị trực thuộc và 15.039 hộ kinh doanh thành lập mới. Như vậy, toàn tỉnh đã có 4.263 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (3.343 doanh nghiệp đang hoạt động với vốn đăng ký 30.431,4 tỷ đồng) và 45.953 hộ kinh doanh.

2.4.2.2. Những hạn chế   

            - Thứ nhất, công tác vận động, tuyên truyền, giới thiệu về Chương trình ở một số địa phương chưa thường xuyên, đơn điệu, chủ yếu được lồng ghép vào các hoạt động đoàn thể. Nội dung tuyên truyền mang tính chung chung nên nhân dân chưa thấu hiểu Chương trình, chưa hun đúc cao độ được tinh thần khởi nghiệp. Công tác vận động hộ kinh doanh chuyển đổi lên loại hình doanh nghiệp gần đây có dấu hiệu chựng lại. Còn nhiều hộ, doanh nghiệp dễ nản chí khi được yêu cầu hoàn thiện thủ tục hành chính để hỗ trợ khởi nghiệp, một số dự án khởi nghiệp chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ để thụ hưởng, còn trông chờ vào sự làm thay của các đơn vị hỗ trợ.

            - Thứ hai, hoạt động của các ban thuộc Hội đồng tư vấn và phát triển doanh nghiệp  chưa đều tay nên hiệu quả mang lại cho người dân, doanh nghiệp chưa cao. Tổ xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp cấp huyện ít hỗ trợ cho cấp xã; công tác hỗ trợ khởi nghiệp thường chỉ tập trung vào cơ quan thường trực dẫn đến cấp xã nắm không rõ các quy định, chính sách, làm cho công tác triển khai hỗ trợ khởi nghiệp gặp khó khăn ở cơ sở.

            - Thứ ba, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp của tỉnh mới hình thành, chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động. Đội ngũ chuyên gia, cố vấn thường tập trung vào một số doanh nghiệp có nhiệt huyết để hỗ trợ phần các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp còn e dè, thụ động, chưa chủ động, tranh thủ sự hỗ trợ từ các cố vấn khởi nghiệp.

            - Thứ tư, nguồn vốn đầu tư cho Quỹ Đầu tư khởi nghiệp hạn hẹp, chưa có quy chế cụ thể trong phối hợp hỗ trợ. Bản thân Quỹ chưa kịp thời thông tin, phản hồi các vướng mắc đến các dự án, doanh nghiệp tiếp cận Quỹ nên nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp muốn thực hiện khởi nghiệp khá lúng túng, do dự, thiếu vốn.

            - Thứ năm, nhiều hộ nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước, xã hội để thoát nghèo, chưa chủ động vươn lên khởi nghiệp. Một số hộ tham gia Đề án giảm nghèo nhưng không có kế hoạch cụ thể, mục đích đầu tư không rõ ràng nên chưa phát huy tốt hiệu quả của Đề án.

2.4.2.3. Nguyên nhân của hạn chế   

Nguyên nhân của những hạn chế trên xét từ phía chính quyền do: Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong tỉnh cũng như sự quyết liệt, sáng tạo trong công tác vận động hộ cá thể đủ điều kiện chuyển lên doanh nghiệp; năng lực của cán bộ làm công tác khởi nghiệp vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp. Về phía người dân, còn nhiều chủ dự án khởi nghiệp chưa quyết tâm theo đuổi đam mê, ý tưởng khởi nghiệp đến cùng nên đã quan tâm, đầu tư không đúng mức đối với sản phẩm khởi nghiệp và chưa tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng thương trường cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp...

2.4.2.4. Bài học kinh nghiệm

            - Cần có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Sự thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở mới có thể kịp thời thông tin, xử lý các vấn đề phát sinh, khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình.

            - Tích cực huy động các nguồn lực cùng tham gia thực hiện Chương trình. Những đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp làm khung định hướng gắn với đồng hành, tích cực tham gia của cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp dẫn đầu, tiên phong).

            - Phải có cách làm mới, linh hoạt trong xử lý các vấn đề mới nhằm tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển; cùng với tích cực, kiên trì, sáng tạo trong các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là các cơ quan đầu mối trong việc đôn đốc, kiểm tra và giám sát thực hiện. Bên cạnh đó, tạo động lực thúc đẩy hệ thống chính trị và cơ quan hành chính nhà nước thực hiện “cải cách hành chính” để tạo môi trường tốt cho khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

            - Nhân rộng các mô hình khởi nghiệp thành công theo hướng sáng tạo để tiếp tục có mô hình mới hơn, phù hợp hơn với thực tế từng địa phương về khởi nghiệp, khởi nghiệp thoát nghèo; tạo tư duy mới trong công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với phương châm “Đi học nghề  - Về làm chủ”.

2.4.2.5. Giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp Bến Tre lớn mạnh hơn nữa

Phát huy những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, tiếp tục triển khai Chương trình, xác định khởi nghiệp là “cứu cánh” cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho hộ gia đình, Bến Tre cần năng động hơn nữa, tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển Chương trình sang giai đoạn mới thực hiện khởi nghiệp “trí tuệ” và “công nghệ”. Cụ thể:

            - Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông khởi nghiệp, nhằm cổ vũ, động viên tinh thần khởi nghiệp của các tầng lớp nhân dân, để chuyển “tinh thần” khởi nghiệp trở thành “khát vọng” giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo, người khá hơn vươn lên làm giàu cho cá nhân, quê hương. Từng bước nâng cao hiệu quả chương trình giáo dục khởi nghiệp, chú trọng giáo dục cho học sinh, sinh viên hình thành ý thức, tinh thần, khát khao khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

            - Hai là, đổi mới phương thức hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình ở ngành, địa phương mình phụ trách. Quan tâm tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ngay từ khi mới có ý tưởng hình thành. Kiện toàn Hội đồng khởi nghiệp và phát hiện doanh nghiệp, sắp xếp lại các đầu mối trực thuộc Hội đồng theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp; tăng cường hỗ trợ hoạt động cho cấp huyện, xã.

            - Ba là, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, kiến tạo môi trường khởi nghiệp thực chất, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Nâng cao năng lực, đạo đức, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chuyển đổi tư duy “quản lý” sang “phục vụ, hỗ trợ”. Củng cố và nâng chất hoạt động Quỹ Đầu tư khởi nghiệp của tỉnh; quan tâm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao, dự án đổi mới sáng tạo và dự án du lịch; thực hiện tốt công tác kết nối, bảo lãnh cho dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, các nhà đầu tư...

            - Bốn là, khẩn trương thành lập, vận hành có hiệu quả các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm tham gia hỗ trợ khởi nghiệp, các dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm. Nghiên cứu, ban hành những chính sách khuyến khích và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp mới, nhất là các dự án ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi mô hình kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển...

            - Năm là, tập trung triển khai Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững có hiệu quả. Quan tâm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp; tích cực vận động chuyển hộ kinh doanh đủ điều kiện lên doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, thực hiện gắn kết chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ; chú trọng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc; đa dạng hóa hoạt động của hợp tác xã theo hướng dịch vụ.

            - Sáu là, xây dựng bộ tiêu chí và gắn nhãn hiệu sản phẩm “Đồng khởi khởi nghiệp” đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Chương trình. Mở rộng thị trường cho các sản phẩm khởi nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ như Đề án mỗi xã một sản phẩm, các chương trình xúc tiến thương mại, các phiên chợ khởi nghiệp tỉnh Bến Tre.

3. Kết luận

Theo phân tích, đánh giá của tác giả Bạch Mai thì chúng ta có thể thấy, mặc dù là một tỉnh nghèo với xuất phát điểm rất thấp, chỉ số năng lực cạnh tranh không cao, hệ sinh thái khởi nghiệp ban đầu còn rất yếu ớt nhưng tỉnh Bến Tre đã nỗ lực sáng tạo phi thường để thực hiện chương trình khởi nghiệp với các biện pháp hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả. Nhờ những nỗ lực to lớn đó của chính quyền các cấp và sự cần cù, sáng tạo của người dân, Bến Tre đã đạt được những thành thích xuất sắc trong phát triển khởi nghiệp của mình. Mặc dù còn có một số hạn chế nhưng có thể tin tưởng rằng trong thời gian sắp tới Bến tre sẽ có những biện pháp hữu hiệu để khắc phục và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Từ khóa: khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, Bến Tre

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Wikipedia. Bến Tre.

https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%BFn_Tre

  1. Trang thông tin điện tử Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Bến Tre (2020). Tổng quan về điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển của Bến Tre. http://www.bentre.dcs.vn/Tong-quan-ve-dieu-kien-tu-nhien-va-tiem-nang-phat-trien-cua-Ben-Tre-p16c1738
  2. Website Thituyensinh.ican.vn. Danh sách tất cả các mã trường, mã quận huyện tại tỉnh Bến Tre.

https://thituyensinh.ican.vn/danh-sach-tat-ca-cac-ma-truong-ma-quan-huyen-tai-tinh-ben-tre/

  1. Website Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi.

http://cdndongkhoi.edu.vn/

  1. Wesite Thông tin tuyển sinh. Trường Trung cấp Y tế Bến Tre.

https://www.thongtintuyensinh.vn/Truong-Trung-cap-Y-te-Ben-Tre_C75_D1546.htm

  1. Website HướngnghiệpViệt.com. Các ngành Tuyển sinh Hệ trung cấp Trường Trung cấp nghề Bến Tre - TCĐ5601. https://www.huongnghiepviet.com/tuyen-sinh/tuyen-sinh-trung-cap/3781-tuyen-sinh-he-trung-cap-truong-trung-cap-nghe-ben-tre-tcd5601
  2. Phạm Văn Thiện (2020). Tình hình đăng ký doanh nghiệp và môi trường kinh doanh tại tỉnh Bến Tre 6 tháng đầu năm 2020. Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/5158/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-va-moi-truong-kinh-doanh-tai-tinh-ben-tre-6-thang-dau-nam-2020.aspx#:~:text=T%C3%ACnh%20h%C3%ACnh%20doanh%20nghi%E1%BB%87p%20%C4%91ang,%2C4%25%20c%E1%BA%A3%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc).&text=Theo%20S%C3%A1ch%20tr%E1%BA%AFng%20Doanh%20nghi%E1%BB%87p,ho%E1%BA%A1t%20%C4%91%E1%BB%99ng%20tr%C3%AAn%201.000%20d%C3%A2n.

  1. Thư viện pháp luật. Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2018 của UBND tỉnh Bến Tre về hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 – 2010. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/doanh-nghiep/Ke-hoach-117-KH-UBND-2018-ho-tro-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-Ben-Tre-giai-doan-2018-2020-385502.aspx
  2. Bạch Mai (2020). Tỉnh Bến Tre với Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”. Tạp chí Cộng sản https://www.tapchicongsan.org.vn/an-ninh2/-/2018/815906/tinh-ben-tre-voi-chuong-trinh-%E2%80%9Cdong-khoi-khoi-nghiep-va-phat-trien-doanh-nghiep%E2%80%9D.aspx

BÀI VIẾT LIÊN QUAN