Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

Một số nét chính về tình hình khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại tỉnh Hà Giang

 19/01/2021  812

BÀI THAM DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC

TS. Vũ Quỳnh Nam

Viện Nghiên cứu Kinh tế và PTNNL, Trường ĐH Kinh tế & QTKD, ĐHTN

1. Giới thiệu

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017 tới nay Hà Giang đã triển khai chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bản tỉnh. Chương trình đã phát động phong trào khởi nghiệp khá sâu rộng trong nhân dân, nhất là trong khối các doanh nghiệp, các trang trại, các hộ gia đình, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức, cá nhân khác và bước đầu đã có những dấu hiệu khả quan về kết quả. Vẫn còn chưa có thông tin tổng kết về công tác hỗ trợ khởi nghiệp tại tỉnh Hà Giang nhưng vẫn có thể thấy một số nét chính trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bài viết này tổng hợp các thông tin đó nhằm giới thiệu, phổ biến kinh nghiệm phát triển khởi nghiệp của tỉnh Hà Giang tới các địa phương khác.

2. Tình hình khởi nghiệp ĐMST và hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại tỉnh Hà Giang

2.1. Giới thiệu khái quát về tỉnh Hà Giang

Tỉnh Hà Giang nằm ở cực bắc Việt Nam, có vị trí địa lý: phía đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía tây giáp các tỉnh Yên Bái và Lào Cai; phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía bắc giáp châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam và địa cấp thị Bách Sắc thuộc khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây, Trung Quốc [1]. Năm 2018, Hà Giang là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 48 về số dân, xếp thứ 58 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và là tỉnh nghèo trong số 6 tỉnh nghèo nhất cả nước (trong đó có huyện Xín Mần thuộc diện huyện nghèo trong 6 huyện nghèo nhất cả nước), xếp thứ 63 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 58 về tốc độ tăng trưởng GRDP [1]. Với 858.076 người dân, năm 2019 GRDP tỉnh Hà Giang đạt 24.096,5 tỉ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 20,1 triệu đồng (tương ứng với 847 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6% [7].

Trung tâm hành chính của tỉnh là Thành phố Hà Giang, cách Thủ đô Hà Nội 320 km [1]. Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối [1]. Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2.419 m) và đỉnh Chiêu Lầu Thi (2.402m) là cao nhất [1]. Về thực vật, Hà Giang có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý, và có tới 1000 loại cây dược liệu. Động vật có hổ, chim công, chim trĩ, tê tê, và nhiều loại chim thú khác [1]. Dân số tỉnh Hà Giang năm 2019 là 858.076 người, trong đó dân số thành thị là 135.465 người (chiếm khoảng 15,8% dân số) [1]. So với các tỉnh miền núi phía Bắc khác thì dân số Hà Giang tương đối đông [1]. Có nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trong đó đông nhất là dân tộc Mông (chiếm 32,9%), tiếp đến là Tày (23,2%), Dao (14,9%), Kinh (12,8%), Nùng (9,7%)… [1]

2.2. Các tiềm năng, lợi thế trong phát triển khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Hà Giang

Các tiềm năng lợi thế khởi nghiệp nằm trong các tiềm năng, lợi thế kinh tế. Theo tác giả Biện Thị Luân thì các thế mạnh của Hà Giang như sau [3].

Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển so với các tỉnh trong khu vực. Trước hết, là tỉnh cửa ngõ phía Bắc của Quốc gia, có 4 tuyến Quốc lộ đi qua, có đường biên giới dài giáp với Trung Quốc, đây là điều kiện để kết nối kinh tế biên mậu trong hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và với các nước khác, vì vậy Hà Giang trở thành “mấu chốt” quan trọng để cùng các tỉnh biên giới phía Bắc liên kết phát triển mạnh mẽ kinh tế biên mậu. Với cặp cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo và nhiều cặp cửa khẩu phụ, lối mở, Hà Giang đã ban hành hành Nghị quyết về “Một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu trên địa bàn tỉnh Hà Giang” và bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2017 đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng trên 200% so với năm 2016; thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu đạt trên 200 tỷ đồng; thu hút nhiều dự án đầu tư vào kinh tế cửa khẩu. [3]

Bên cạnh đó, với lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu đặc thù phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu quý và các sản phẩm nông nghiệp địa phương; là cơ hội để Hà Giang phát triển thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu và du lịch. Phát huy lợi thế này, tỉnh đã quy hoạch và phát triển vùng trồng dược liệu hàng hóa, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm đặc sản địa phương, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu như: Mật ong bạc hà, cam sành; hồng không hạt Quản Bạ; góp phần quan trọng để từng bước thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. [3]

Đặc biệt, Cao nguyên đá Đồng Văn góp mặt vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu với nhiều giá trị về cảnh quan, địa chất; di tích Quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; sự đa dạng về văn hóa truyền thống, lễ hội đặc sắc… là tiềm năng quan trọng để Hà Giang phát triển du lịch với nhiều sản phẩm đa dạng, đặc trưng đủ sức cạnh tranh với các địa phương có cùng lợi thế so sánh. Đến nay, du lịch Hà Giang đã đạt nhiều thành tựu đáng kể: năm 2017 thu hút trên một triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 900 tỷ đồng. Hà Giang đang đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong vùng; tích cực tham gia tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc gồm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình); tham gia các Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc”; ký kết hợp tác phát triển du lịch với Cục Du lịch châu Văn Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); liên kết, hợp tác, phát triển hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút vốn đầu tư, liên kết giữa các đơn vị kinh doanh du lịch. [3]

Từ những thế mạnh kinh tế ở trên, ta thấy Hà Giang có tiềm năng, lợi thế về phát triển khởi nghiệp trong các lĩnh vực sau đây: Thương mại biên mậu; nông nghiệp sản xuất dược liệu và đặc sản; du lịch.

2.3. Các thành tố quan trọng hiện có trong hệ sinh thái khởi nghiệp

2.3.1. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp

Hà Giang không hề có viện nghiên cứu nào và có rất ít các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo nghề. Cụ thể là chỉ có 4 cơ sở là Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, Trường Trung cấp Y tế Hà Giang, Trường Trung cấp nghề Bắc Quang. Bảng 1 trình bày thông tin chi tiết về các trường này, thông tin được lấy từ Website của các trường [4] [5] [6] [7].

Bảng 1: Thông tin chi tiết về các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của tỉnh Hà Giang

STT

Tên trường

Địa chỉ

Lĩnh vực đào tạo

1

Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang

Tổ 8 Phường Quang Trung, TP. Hà Giang

Công nghệ thông tin; Cơ khí - Động lực; Điện; Giao thông - Xây dựng; Nông nghiệp và PTNT; Dịch vụ kinh tế tổng hợp; Ngoại ngữ.

2

Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang

Tổ 16, Phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang

Đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ giáo dục ở bậc học Mầm non, trung học cơ sở, tiểu học.

4

Trường Trung Cấp Y tế Hà Giang

Địa chỉ: Tổ 15, phường Minh Khai, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Gia

Đào tạo Y học trình độ trung cấp

3

Trường Trung cấp Nghề Bắc
Quang

Tổ 13, Thị trấn Việt Quang, Huyện Bắc Quang

Đào tạo nghề sơ cấp trong các lĩnh vực Điện, điện tử và Chế biến nông lâm thủy sản.

Nguồn: Thituyensinh.ican.vn và Website các trường nói trên

Sự thiếu thốn các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo nghề là một bất lợi rất lớn cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Hà Giang vì sẽ rất khó khăn trong việc cung cấp kiến thức khởi nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực khởi nghiệp.

2.3.2. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Các chủ thể kinh doanh (doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình nông nghiệp) là tác nhân cực kỳ quan trọng trong HSTKN vì có vai trò quyết định trong việc triển khai hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Theo Niên Giám thống kê tỉnh Hà Giang năm 2019 [8] thì tính tới 01/01/2019 tình hình các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang như sau.

Về doanh nghiệp, toàn tỉnh có 988 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 10 công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 984 công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 4 công ty. Lao động trong toàn khối doanh nghiệp là 25.362 người; vốn sản xuất kinh doanh bình quân hằng năm của toàn khối doanh nghiệp là 38.784,9 tỷ đồng. Về hợp tác xã, toàn tỉnh có 236 hợp tác xã đang hoạt động với tổng số lao động là 3.061 người. Về các trang trại, toàn tỉnh có 46 trang trại đang hoạt động, kinh doanh trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và các lĩnh vực khác. Về các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông lâm nghiệp, toàn tỉnh có 25.922 cơ sở đang hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề phi nông nghiệp khác nhau. Trong các doanh nghiệp thì các công ty khoa học công nghệ có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển khởi nghiệp ĐMST nhưng thông tin về các công ty khoa học công nghệ của tỉnh Hà Giang không sẵn có trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Như vậy số doanh nghiệp của Hà Giang là tương đối ít ỏi với số vốn và lao động không không nhiều. Số lượng các hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông lâm nghiệp của Hà Giang cũng không nhiều. Sự kém đông đảo của các chủ thể kinh doanh sẽ khiến cho hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Hà Giang thiếu nhiều sinh lực.  

2.4. Một số nét về khởi nghiệp ĐMST tại tỉnh Hà Giang

2.4.1. Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020

Thông tin bao quát về tình hình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Hà Giang được thể hiện rõ nhất trong Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020 của UBND tỉnh Hà Giang [9] nên trước hết chúng ta sẽ xem xét những nội dung chính của Chương trình này.

2.4.1.1. Mục tiêu

            - Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

            - Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang thông qua việc thực hiện hỗ trợ về hoạt động khoa học và phát triển công nghệ, tác động đến các doanh nghiệp, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, áp dụng các thành tựu, ứng dụng tiến bộ về khoa học và công nghệ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ổn định bền vững, tăng năng suất, tạo dựng thương hiệu "mạnh" để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong tiến trình hội nhập quốc tế.

            - Hình thành hệ thống doanh nghiệp KH&CN, xây dựng hạ tầng kỹ thuật KH&CN để đẩy mạnh hoạt động ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành các tiêu chí về phát triển khoa học công nghệ của tỉnh.

2.4.1.2. Ban chỉ đạo

- UBND tỉnh Hà Giang là cấp cao nhất trong Ban chỉ đạo Chương trình.

- Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, có liên quan triển khai thực hiện Chương trình.

- Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan là các cơ quan phối hợp.

2.4.1.3. Nội dung Chương trình

            1) Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

            a) Đối tượng tham gia. Tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. (Bao gồm các hoạt động nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm áp dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến hơn so với dự án tương tự trên địa bàn tỉnh, sản xuất sản phẩm mới; Dự án đầu tư được phát triển từ các sáng chế, giải pháp đạt giải nhất, nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang và toàn quốc thực hiện trên địa bàn tỉnh.)

            b) Nội dung hỗ trợ.  Chi phí chuyển giao công nghệ, bao gồm: Bí quyết kỹ thuật, kiến thức về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu...; Chi phí nguyên liệu, năng lượng sản xuất thử; Chi phí hỗ trợ trả tiền công cho người lao động và cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia trong thời gian sản xuất thử; Chi phí kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất thử, chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm; Chi phí mua thiết bị mới tiên tiến, hiện đại trong dây chuyền và thiết bị kiểm tra chất lượng; Chi phí hỗ trợ đào tạo, tập huấn về kỹ năng tay nghề, năng lực quản lý công nghệ và đổi mới công nghệ cho cán bộ kỹ thuật.

            c) Mức hỗ trợ. Hỗ trợ mức tối đa 50% tổng chi phí thực hiện các nội dung trên nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án; Số lượng: 20 dự án.

            2) Dự án hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ

            a) Đối tượng tham gia. Tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ có khả năng ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm mới có khả năng thương mại hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường để làm cơ sở thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoặc chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ đó cho tổ chức, cá nhân khác để thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

            b) Nội dung hỗ trợ. Hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ để tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường; Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

            c) Mức hỗ trợ. Hỗ trợ tối đa 50% tổng chi phí các nội dung trên nhưng không quá 300 triệu đồng/01 dự án; Số lượng: 08 dự án ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.

            3) Dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

            a) Đối tượng tham gia. Doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có phương án tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm hoặc đổi mới, phát triển công nghệ trên cơ sở công nghệ do doanh nghiệp sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp.

            b) Nội dung hỗ trợ. Giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ có nhu cầu và đủ điều kiện ứng dụng vào sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ kinh phí nghiên cứu hoàn thiện công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm hoặc đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường; Hỗ trợ hoạt động điều tra, khảo sát, tìm kiếm thông tin về công nghệ ở trong nước và nước ngoài; Hỗ trợ hoạt động tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp khoa học và công nghệ hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.

            c) Mức hỗ trợ. Hỗ trợ tối đa 50% tổng chi phí các nội dung trên nhưng không quá 500 triệu đồng/01 dự án; Số lượng: 04 doanh nghiệp KH&CN.

* Nhận xét về Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về lĩnh vực khoa học và công nghệ giai đoạn 2017 – 2020 của tỉnh Hà Giang

Xuất phát từ đặc điểm của một trong những tỉnh có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thuộc thứ hạng thấp nhất trong nước, khoa học công nghệ còn hết sức yếu kém nên tỉnh Hà Giang đã lồng ghép chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST với chương trình phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ thành một chương trình nhất quán. Chủ trương này của tỉnh Hà Giang là hoàn toàn đúng đắn vì một trong những yếu tố tiên quyết của khởi nghiệp là mặt bằng trình độ khoa học công nghệ nói chung phải cao và phải có các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

2.4.2. Ban chỉ đạo Chương trình khởi nghiệp tỉnh Hà Giang

Sau khi ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020, để chỉ đạo và đôn đốc việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của tỉnh được quyết liệt và sát sao hơn, UBND tỉnh Hà Giang ra Quyết định số 580/QD-UBND ngày 07/4/2017 kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình khởi nghiệp tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016-2020 [10]. Theo quyết định này thì thành phần Ban chỉ đạo như sau.

2.4.2.1. Nhân sự

Ban chỉ đạo Chương trình khởi nghiệp tỉnh Hà Giang có tổng cộng 23 người, cụ thể như sau:

  1. Trưởng ban: 01 người là bà Trần Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND.
  2. Phó Trưởng ban:  02 người, bà Trần Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng banthường trực, ông Vũ Mạnh Hà, Bí thư tỉnh đoàn là Phó Trưởng ban không thường trực.
  3. Thành viên: 21 người, mỗi Sở chức năng của tỉnh Hà Giang cử một Phó Giám đốc sở tham gia làm thành viên, Phó văn phòng UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh, Phó Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy.

2.4.2.2. Nhiệm vụ

Các nhiệm vụ chính yếu có liên quan đến khởi nghiệp của Ban chỉ đạo Chương trình khởi nghiệp tỉnh Hà Giang như sau:

  1. Tham mưu cho UBND tỉnh tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
  2. Giúp UBND tỉnh chỉ đạo các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; triển khai, phối hợp liên ngành thực hiện công tác của chương trình.
  3. Nghiên cứu, xây dựng trình UBND tỉnh ban hành các kế hopachj, chương trình, giải pháp và cơ chế chính sách để thực hiện có hiệu quả chương trình.
  4. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, phụ trách theo dõi và kiểm tra, đánh giá hoạt động của các Sở, ngành Ban chỉ đạo các huyện, thành phố và các tổ chức có liên quan trong việc tổ chức, triển khai thực hiện chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
  5. Tổ chức công tác thông tin, truyền thông, thúc đẩy các ý tưởng khởi nghiệp, thông qua đó quảng bá, nhân rộng các mô hình khởi nghiệp.

2.4.3. Một số nét về khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Hà Giang

Hiện nay vẫn chưa có các thông tin công bố chính thức về kết quả toàn diện của việc triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020. Chưa có cuộc điều tra nào thống kê số dự án khởi nghiệp, số doanh nghiệp khởi nghiệp, số các nhà khởi nghiệp. Tuy nhiên, có thể tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng khá nhiều thông tin về các sự kiện khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp. Điều này chứng tỏ tỉnh Hà Giang đã quyết liệt phát động phong trào khởi nghiệp sôi nổi rộng rãi trong nhân dân, nhất là trong các đối tượng thanh niên, phụ nữ và trong khối doanh nghiệp. Sau đây là một số thông tin đáng chú ý.

2.4.3.1. Một số sự kiện nổi bật về hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tình Hà Giang

            1) Ngày 16 tháng 6 năm 2017 Ban chỉ đạo chương trình khởi nghiệp tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 895/KH-BCĐ Triển khai thực hiện nhiệm vụ chương trình khởi nghiệp tỉnh Hà Giang năm 2017, định hướng đến năm 2020 [11]. Kế hoạch xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 để các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các thành viên Ban chỉ đạo chương trình khởi nghiệp tỉnh Hà Giang phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả, thúc đẩy tinh thần kinh doanh nhằm tăng số lượng doanh nghiệp thành lập, hoạt động hiệu quả và có khả năng tăng trưởng nhanh và bền vững sau khi thành lập. Nhiệm vụ cụ thể như sau:

            - Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch và các cơ chế, chính sách về phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, hoạt động khởi nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

            - Hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, cá nhân thông qua các trang thông tin điện tử tại các sở, ngành. Thực hiện mở chuyên trang, chuyên mục về khởi nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Báo Hà Giang và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

            - Tổng hợp, biên soạn cuốn tài liệu các cơ chế, chính sách của Trung ương và của Tỉnh về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân hiện đang áp dụng trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, tư vấn và triển khai hỗ trợ khởi nghiệp.

            - Hỗ trợ tư vấn các doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sáng tạo và hỗ trợ tư vấn tiếp cận các chính sách của nhà nước.

            - Tổ chức chợ khởi nghiệp lần thứ nhất năm 2017; Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp” tỉnh Hà Giang lần thứ nhất năm 2017.

            - Tổ chức hội thảo về khởi nghiệp; giao lưu giữa thanh niên, sinh viên với các doanh nghiệp thành đạt; mời chuyên gia trao đổi về vấn đề khởi nghiệp; tổ chức diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện tổ chức và cá nhân về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện có hiệu quả Chương trình khởi nghiệp.

            2) Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang, Báo Hà Giang và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Giang đã mở chuyên mục về khởi nghiệp.

            3) Ngày 5/1/2018, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp tỉnh Hà Giang năm 2018 [12]. Diễn đàn đã nhận định Chương trình khởi nghiệp đã được triển khai rộng khắp trên mọi lĩnh vực, địa bàn tỉnh Hà Giang và đã thu được một số kết quả nhất định. Qua chương trình khởi nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh tế tiêu biểu, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.

            4) Vườn ươm Doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) tỉnh Hà Giang được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2018; với mục đích hỗ trợ, nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp (KN); hỗ trợ giải quyết các vấn đề trong quá trình hoàn thiện, phát triển dự án [13]. Vườn ươm thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn, kết nối với các nhà đầu tư và các cố vấn giàu kinh nghiệm để trang bị kiến thức cho các khởi nghiệp viên; đồng thời, giúp họ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện ý tưởng và mang sản phẩm tiếp cận với thị trường một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, Vườn ươm DNKN còn đẩy mạnh chương trình Cà phê khởi nghiệp; chương trình được tổ chức hàng quý theo các chủ đề khác nhau, tại đây, các doanh nhân thành đạt sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, các kỹ năng quản trị kinh doanh, kinh nghiệm tiếp cận thị trường. Qua đó, tạo cơ hội đối thoại trực tiếp, tháo gỡ những vướng mắc giúp các đoàn viên, thanh niên định hướng và hoàn thiện các ý tưởng, dự án Khởi nghiệp.

            5) Ngày 29/2/2020, Tỉnh đoàn phối hợp với Ban điều phối Chương trình CPRP tỉnh tổ chức Chung kết cuộc thi khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Hà Giang năm 2020 [14]. Tham gia cuộc thi có 13 nhóm khởi nghiệp có cùng sở thích đến từ 5 huyện trong tỉnh gồm: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Đây là các nhóm khởi nghiệp có thành tích tốt, được lựa chọn từ tổng số 225 nhóm. Tất cả các nhóm, dự án khởi nghiệp tham gia vào vòng chung kết đều đang được triển khai thực tiễn mang lại hiệu quả như: Dự án Trung tâm nghiên cứu giống rau mầm hữu cơ gắn với du lịch nông nghiệp; chế biến bột Thảo quả và tinh dầu Thảo quả từ thân cây Thảo quả; Chăn nuôi lợn rừng Thái Lan kết hợp nuôi giun quế; xây dựng chuỗi liên kết cung ứng vật tư sản xuất cam an toàn và khai thác du lịch miệt vườn; đầu tư phát triển nông nghiệp sạch “nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện”… Kết thúc cuộc thi Ban tổ chức chấm điểm và trao giải cho các nhóm, dự án xuất sắc gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 3 giải khuyến khích. Đồng thời Ban tổ chức cũng sẽ lựa chọn 6 nhóm, dự án có ý tưởng độc đáo, tính khả thi cao, phương thức thực hiện sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế để ký hợp đồng tài trợ với số tiền 100 triệu đồng/nhóm.

            6) Chương trình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” được thực hiện với mục tiêu nâng cao hiểu biết cho phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp [15]. Sau hơn 2 năm triển khai, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa lớn. Các cấp, ngành đều chung tay hỗ trợ phụ nữ thực hiện ý tưởng sáng tạo, tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số được đẩy mạnh. Chương trình đặt mục tiêu tới năm 2025, hỗ trợ 500 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, thành lập được 8 HTX do phụ nữ quản lý; tư vấn, hỗ trợ ít nhất 200 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác của phụ nữ mới thành lập. Bên cạnh đó, để tạo điểm tựa vững chắc cho phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên làm chủ kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ thành lập 5 HTX do phụ nữ làm lãnh đạo. 5 HTX gồm HTX nông, lâm nghiệp Hướng Dương (xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên), HTX Thuận Thành (xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên), HTX nông, lâm nghiệp thôn Sà Phìn A (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn), HTX Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn), HTX bánh chưng gù bà Dung (xã Ngọc Đường, TP Hà Giang).

2.4.3.2. Các tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu

            1) Dự án Green Blessing “Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm” của nhóm tác giả Hoàng Thị Hảo, Khúc Ngọc Huy, Định Hồng Diệp và Bùi Xuân Trường đến từ Hà Giang đã xuất sắc vượt qua 9 dự án khác trên cả nước để đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ nhất” do Trung ương Đoàn tổ chức tại Trường đại học Cần Thơ ngày 22/11/2018 [16]. Sự kiện Hà Giang - một tỉnh vùng sâu vùng xa nghèo khó – có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đoạt giải nhất trong toàn quốc chứng tỏ tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo của tuổi trẻ Hà Giang là rất lớn.

            2) Mô hình khởi nghiệp du lịch Homestay của anh Nguyễn Văn Tế [17]. Mong muốn giữ được nét đẹp truyền thống của làng bản quê hương, anh Nguyễn Văn Tế, sinh năm 1991, ở đội 2, thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện, T.P Hà Giang đã chọn cách xây dựng homestay để khởi nghiệp, gây dựng kinh tế cho bản thân, gia đình và truyền cảm hứng về không gian văn hóa dân tộc Tày trên quê hương mình. Với vốn đầu tư 50 triệu đồng, “Làng Tày Homestay” được thiết kế với kiến trúc nhà sàn, vách nhà và các phòng nghỉ sử dụng vật liệu đơn giản, chủ yếu là tre, nứa. Những vật dụng, đồ trang trí trong nhà được anh lựa chọn mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Số phòng nghỉ tối đa được khoảng 20 người, trung bình mỗi năm gia đình anh đón trên 1.000 lượt khách. Với vị trí thuận lợi, anh Tế còn mở dịch vụ dẫn Tour từ “Làng Tày Homestay” đến hang Thẳm Lườn (Hang Nhà), Hang Tối, chợ phiên xã Phương Thiện, tham quan ruộng bậc thang Khuổi Mi xã Phương Độ, và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn… Từ việc phát triển du lịch, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Tế đạt doanh thu khoảng 120 triệu đồng. Dù thu nhập chưa cao nhưng với một bản thuần nông miền núi như thế là một thành công. Quan trọng hơn cả là nhận thức mới về kinh tế thị trường, kinh tế du lịch.

            3) Dự án trồng rau sạch và du lịch có trách nhiệm với cộng đồng của chị Hoàng Thị Hảo [18]. Vốn là cử nhân ngữ văn nhưng với khát vọng khởi nghiệp, cô gái Hoàng Thị Hảo đã rẽ ngang, lập dự án trồng rau sạch và du lịch có trách nhiệm với cộng đồng. Mục tiêu của dự án là đạt được 4 sạch: môi trường sạch (góp phần làm sạch môi trường thiên nhiên, phát triển cộng đồng bền vững); sản phẩm sạch (cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường); người nông dân “sạch” (nâng cao nhận thức của người nông dân để sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội); khách du lịch “sạch” (nâng cao ý thức cho khách khi đi du lịch, đóng góp vào các công việc xã hội tại địa phương).

            4) Anh Lục Văn Hạnh với mô hình khởi nghiệp phát triển mô hình VAC với những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương [19]. Ban đầu, do chưa có vốn để đầu tư, anh Hạnh chọn con đường lấy ngắn, nuôi dài; vừa làm, vừa từng bước mở rộng quy mô”. Bắt tay vào thực hiện mô hình, anh tiến hành quy hoạch, cải tạo hơn 2 ha đất vườn đồi để trồng keo và chè Shan tuyết; đồng thời, phát triển chăn nuôi gà thịt thả đồi. Thêm nữa, anh còn đào ao với diện tích khoảng 500 m2 nuôi các loại cá: Rô phi, Chép, Trắm, Trôi... Do biết áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, cùng với kiến thức, kinh nghiệm đúc kết qua thực tế; mô hình VAC của gia đình anh ngày càng phát triển. Năm 2015, sau khi thu hoạch gỗ keo, anh Hạnh chuyển đổi 2 ha đất đồi sang trồng cam Sành; đến nay, đồi cam của gia đình anh đã cho thu hoạch và mỗi năm anh thu được gần 100 triệu đồng từ cam; diện tích chè Shan tuyết cũng cho thu 10 - 12 triệu đồng/tháng. Mỗi năm gia đình anh Hạnh thu nhập gần 200 triệu đồng từ mô hình VAC.

            5) Mô hình khởi nghiệp trồng nấm sò của anh anh Vi Chính Trương. Nấm sò là một loại thực phẩm sạch đang được ưa chuộng trên thị trường hiện nay, được các bà nội trợ lựa chọn để nấu cho gia đình những bữa cơm hàng ngày vừa ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên trên thị trường nguồn cung từ nấm chưa đáp ứng được cầu. Nắm bắt được nhu cầu thực tế, anh Vi Chính Trương đã xây dựng mô hình trồng nấm sò tại xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang để phục vụ nguồn nấm sò thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường. Hiện nay với hơn 2.000 bịch nấm của anh mỗi ngày xuất ra thị trường từ 9 đến 12 kg/ngày với giá 50 nghìn đồng/1kg khách hàng mua tại nhà.

3. Thảo luận và kiến nghị

3.1. Thảo luận

Với những thông tin về tình hình khởi nghiệp của tỉnh Hà Giang như trên thì chưa đủ để đánh giá, kết luận một cách toàn diện và đầy đủ về kết quả công tác hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và tình hình phát triển khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Hà Giang nhưng có thể đưa ra một số nhận xét sơ bộ như sau. Mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp của Hà Giang còn rất yếu ớt do vị thế là một tỉnh vùng sâu vùng xa thuộc diện nghèo và lạc hậu nhất nước nhưng với những tiềm năng lợi thế khỏi nghiệp độc đáo và nhất là được chính quyền các cấp quyết tâm thực hiện chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp, quyết liệt chỉ đạo triển khai các phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh nên nhận thức về khởi nghiệp đã lan truyền sâu rộng trong dư luận xã hội, trong nhân dân và đã có rất nhiều tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu, đây là một thành công bước đầu hết sức khả quan. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khác nhau mà các dự án khởi nghiệp của Hà Giang chỉ có quy mô nhỏ lẻ trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch có công nghệ thấp. Hà Giang cần những nỗ lực to lớn hơn nữa nhằm thúc đẩy khởi nghiệp ngày càng lớn mạnh hơn.

3.2. Kiến nghị

Do chưa có thông tin đầy đủ về thực trạng hỗ trợ khởi nghiệp ở Hà Giang nên bài báo này không thể đề xuất các giải pháp cụ thể mà chỉ đưa ra kiến nghị chung với tỉnh Hà Giang về giải pháp thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp. Tỉnh Hà Giang cần tổng kết trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 -2020 và các chương trình khác mà UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành; phân tích, đánh giá đúng những hạn chế, bất cập và xây dựng lại Đề án mới cho giai đoạn 2021-2025 theo hướng tiếp cận mới, phù hợp với đặc thù của hoạt động khởi nghiệp và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đề án mới phải khắc phục được những hạn chế đang gặp phải, bao gồm cả việc ban hành hệ thống chính sách phù hợp với đặc điểm hoạt động khởi nghiệp và thực tiễn của địa phương.

Từ khóa: khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, Hà Giang

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Wikipedia. Hà Giang. https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0_Giang
  2. Biện Thị Luân (2018). Phát triển kinh tế trong mối liên kết vùng. Báo Hà Giang. Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=28263
  3. Thituyensinh.ican.vn. Danh sách tất cả các mã trường, mã quận huyện tại Hà Giang.

https://thituyensinh.ican.vn/danh-sach-tat-ca-cac-ma-truong-ma-quan-huyen-tai-ha-giang/

  1. Website Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang.

http://caodangkythuatcongnghehg.edu.vn/

  1. Website Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang.

https://cdsphagiang.edu.vn/

  1. Website Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang. http://trungcapnoitrubacquang.edu.vn/khoa-nong-lam-thuy-san-che-bien.htm
  2. Website Trường Trung cấp Y tế Hà Giang.

http://www.tcythg.edu.vn/modules.php?name=Contact

  1. Cục Thống kê tỉnh Hà Giang (2020). Niên giám thống kê tỉnh Hà Giang năm 2019. NXB Thống kê, 2020.
  2. Vanbanphapluat.co. Quyết định 294/QĐ-UBND năm 2017 Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017-2020. https://vanbanphapluat.co/quyet-dinh-294-qd-ubnd-2017-ho-tro-phat-trien-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-ha-giang
  3. Website Tỉnh Đoàn Thanh niên Hà Giang.

http://tinhdoan.hagiang.gov.vn/news/c%C3%B4ng-c%E1%BB%A5/t%E1%BB%89nh-h%C3%A0-giang/62-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%8Bnh-s%E1%BB%91-580-q%C4%91-ubnd.html

  1. Thư viện Pháp luật. Kế hoạch số 895/KH-BCĐ Triển khai thực hiện nhiệm vụ chương trình khởi nghiệp tỉnh Hà Giang năm 2017, định hướng đến năm 2020. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/doanh-nghiep/Ke-hoach-895-KH-BCD-2017-nhiem-vu-Chuong-trinh-khoi-nghiep-Ha-Giang-2020-356068.aspx
  2. Minh Tâm (2018). Diễn đàn khởi nghiệp Hà Giang – 2018. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://dangcongsan.vn/kinh-te/dien-dan-khoi-nghiep-ha-giang--2018-469014.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN