Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

Một số nét chính về tình hình khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp tại tỉnh Gia Lai

 20/01/2021  1371

BÀI THAM DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC

TS. Vũ Quỳnh Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế và PTNNL

Trường ĐH Kinh tế & QTKD, ĐHTN

1. Giới thiệu

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ HSTKN đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2018 tới nay Gia Lai đã triển khai chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bản tỉnh. Chương trình đã phát động phong trào khởi nghiệp khá sâu rộng trong nhân dân, nhất là trong khối các doanh nghiệp, các trang trại, các hộ gia đình, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức, cá nhân khác và bước đầu đã có những dấu hiệu khả quan về kết quả. Thông tin về khởi nghiệp tại tỉnh Gia Lai còn rất hạn chế nhưng vẫn có thể thấy một số nét chính trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bài viết này tổng hợp các thông tin đó nhằm giới thiệu, phổ biến kinh nghiệm phát triển khởi nghiệp của tỉnh Gia Lai tới các địa phương khác.

2. Tình hình phát triển khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp tại tỉnh Gia Lai

2.1. Giới thiệu khái quát về tỉnh Gia Lai

Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 Việt Nam và là một tỉnh miền núi nằm ở khu vực phía bắc của vùng Tây Nguyên, miền Trung, Việt Nam [1]. Đây là một tỉnh vùng cao nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao trung bình 700 - 800 mét so với mực nước biển [1]. Phía đông của tỉnh giáp với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên [1]. Phía tây giáp tỉnh Ratanakiri thuộc Campuchia, có đường biên giới chạy dài khoảng 90 km [1]. Phía nam giáp tỉnh Đắk Lắk, và phía bắc giáp tỉnh Kon Tum. Năm 2018, Gia Lai là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 20 về số dân, xếp thứ 31 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 33 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 33 về tốc độ tăng trưởng GRDP [1]. Với dân số 1.458.500 người, năm 2018 GRDP tỉnh Gia Lai đạt 66.158 tỉ Đồng (tương ứng với 2,8733 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 45,36 triệu đồng (tương ứng với 1.970 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,00% [1]. Gia Lai thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm, có lượng mưa lớn, không có bão và sương muối [1]. Khí hậu và thổ nhưỡng Gia Lai rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao [1].

2.2. Các tiềm năng, lợi thế trong phát triển khởi nghiệp của tỉnh Gia Lai

2.2.1. Lợi thế về vị trí địa lý

Gia Lai nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có vị trí quốc tế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia [2]. Hệ thống giao thông thuận lợi, với Quốc lộ 14 từ Đà Nẵng đến Gia Lai về TP Hồ Chí Minh; Quốc lộ 25 đi Phú Yên; Quốc lộ 19 nối Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh với cảng Quy Nhơn; cảng hàng không Pleiku với các chuyến bay thẳng đi Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trong nước [2]. Vị trí địa lý giao thương quốc tế và sự thuận lợi trong tiếp cận giao thông sẽ thúc đẩy thương mại phát triển và do đó sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Kinh tế phát triển sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp ĐMST nảy nở.

2.2.2. Lợi thế phát triển ngành công nghiệp nông nghiệp

Với lợi thế đất đai và khí hậu, Gia Lai tập trung thâm canh cây trồng và hoàn thành vùng chuyên canh cây công nghiệp gắn liền công nghiệp chế biến [2]. Toàn tỉnh hiện trồng nhiều loại cây công nghiệp, trong đó có 79.732 ha cây cà phê, 102.640 ha cao su, 17.177 ha điều, 14.505 ha hồ tiêu, 38.570 ha mía, 51.591 ha ngô, 63.747 ha sắn, 4.133 ha thuốc lá... [2] Điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của tỉnh khá phù hợp cho việc phát triển diện tích đồng cỏ phục vụ chăn nuôi, đặc biệt là đại gia súc [2]. Hiện đàn trâu, bò, heo cũng phát triển mạnh, là môi trường tốt để các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc với quy mô công nghiệp, gắn với xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản, thuộc da... và phát triển các loại vật nuôi khác như đà điểu, cừu, hươu sao [2]. Trồng rừng tập trung 2.418 ha trong đó rừng sản xuất 1.602 ha và rừng phòng hộ, đặc dụng là 815,9 ha; khoán bảo vệ, quản lý rừng 127.984 ha và tỷ lệ rừng che phủ 46,1% [2]. Gia Lai còn có quỹ đất lớn để phục vụ trồng rừng sản xuất và trồng rừng phòng hộ [2]. Ngoài ra, với sản lượng lớn như: cà phê nhân 201.012 tấn, cao su 93.564 tấn mủ khô, tiêu 43.601 tấn, điều 14.057 tấn, thịt trâu, bò hơi 18.605 tấn, thịt heo hơi 41.667 tấn... sẽ mở ra triển vọng cho ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển [2]. Các lợi thế nông nghiệp nói trên sẽ rất thích hợp đối với khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp sinh học công nghệ cao.

2.2.3. Lợi thế về công nghiệp điện năng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 42 nhà máy thủy điện, gồm 6 nhà máy thủy điện lớn và 36 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất là trên 1.950 MW. Sáu nhà máy thủy điện lớn hàng năm cung cấp cho hệ thống điện khoảng gần 8,5 tỷ Kwh [2]. Ngoài ra, còn có nhiều công trình thủy điện nhỏ, nhà máy nhiệt điện nhỏ với tổng công suất lắp máy gần 300 MW đã đi vào hoạt động, đang triển khai xây dựng và một số một số doanh nghiệp có dự án phong điện đã được tỉnh cho chủ trương khảo sát và lập dự án đầu tư với CS: 300-500MW/DA [2]. Lợi thế công nghiệp điện năng cũng tạo ra lợi thế khởi nghiệp trong lĩnh vực điện năng.

2.2.4. Lợi thế về sản xuất vật liệu xây dựng

Tài nguyên khoáng sản của tỉnh rất đa dạng và phong phú có các loại khoáng sản như: quặng bô xít, vàng, các mỏ sắt, đá granit, đá vôi, sét, cát xây dựng thuận lợi cho tỉnh phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu xây dựng. Hiện có 7 nhà máy đá Granit đã đưa vào hoạt động với tổng công suất 1 triệu m2/năm. Hàng chục doanh nghiệp khai thác và chế biến đá xây dựng, khai thác cát,... đủ sản lượng để cung cấp cho nhu cầu xây dựng các công trình trong tỉnh và đáp ứng một phần nhu cầu trong nước. Lợi thế về sản xuất vật liệu xây dựng cũng chính là lợi thế khởi nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

2.2.5. Lợi thế về phát triển du lịch

Về du lịch, Gia Lai nổi bật là tài nguyên du lịch tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng, rừng nguyên sinh, hệ thống các thác nước, hồ tự nhiên và nhân tạo [2]. Bên cạnh đó là nguồn tài nguyên nhân văn và những công trình di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng [2]. Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa ở Gia Lai có các địa danh chủ yếu như: Nhà lao Pleiku, khu di tích Tây Sơn thượng đạo (di tích căn cứ địa của Anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ), làng kháng chiến Stơr (quê hương của Anh hùng Núp), cùng với các địa danh Pleime, Cheo Reo, Biển Hồ hay còn gọi là Hồ Tơnưng (Ia Nueng), hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác Chín Tầng, thác Ia Nhí, thác Ya Ma - Yang Trung, thác Lệ Kim, đồi thông Hà Tam, vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, núi Hàm Rồng… [2] Ngoài ra, Gia Lai còn có nhiều ngôi chùa nổi tiếng và mang nét kiến trúc độc đáo như: chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh... [2] Các lễ hội dân gian đặc sắc của những dân tộc cư trú lâu đời tại Gia Lai (Lễ bỏ mã, lễ mừng chiến thắng, lễ mừng được mùa…) và không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” [2]. Các tài nguyên du lịch nhân văn như: kiến trúc nhà Rông, nghệ thuật điêu khắc gỗ, âm nhạc, vũ điệu dân gian… là những tài nguyên du lịch quý giá thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu [2]. Như vậy, Gia Lai có lợi thế lớn trong khởi nghiệp du lịch.

2.3. Các thành tố quan trọng hiện có trong hệ sinh thái khởi nghiệp

2.3.1. Các trường đại học, cao đẳng

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ có 4 trường đại học, cao đẳng, trong đó có 2 phân hiệu trường đại học là phân hiệu của Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và phân hiệu Trường Đại học Đông Á, 3 trường còn lại là các trường cao đẳng [3]. Thông tin chi tiết về các trường này được lấy trong Website các trường [4] [5] [6] [7] và trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1: Thông tin chi tiết về các trường đại học, cao đẳng của tỉnh Gia Lai

STT

Tên trường

Địa chỉ

Lĩnh vực đào tạo

1

Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

126 Đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai

Đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

2

Trường Đại học Đông Á tại Gia Lai

Đường 32 m khu dân cư Lê Thánh Tôn – Phường IaKring – Thành phố PleiKu – Tỉnh Gia Lai

Đào tạo đa ngành

3

Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai

Số 126 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai

Đào tạo sư phạm trong các lĩn vực: Khoa học tự nhiên; khoa học xã hội; thể dục – nhạc – họa; tiểu học; Anh văn; Giáo Dục Mầm non; Bồi dưỡng cán bộ quản lý.

4

Trường Cao đẳng nghề Gia Lai

Xã Diên Phú, TP. Pleiku, Gia Lai

Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao

Nguồn: Website các trường nói trên

Ngoài các trường đại học, cao đẳng nêu trong Bảng 1, Gia Lai còn có một số trường trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Có thể thấy, do không phải là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của đất nước nên Gia Lai không có thế mạnh nổi trội về trung tâm nghiên cứu và đào tạo. Tuy nhiên, Phân hiệu các Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Đông Á tại Gia Lai cũng có thể đảm đương nhiều lĩnh vực nghiên cứu quan trọng còn các trường cao đẳng và trung cấp có tiềm năng là cơ sở rất tốt để phát triển các xưởng thực hành, các vườn ươm khởi nghiệp và tạo không gian làm việc chung cho các nhà khởi nghiệp.

2.3.2. Các doanh nghiệp

Doanh nghiệp là một tác nhân cực kỳ quan trọng trong HSTKN vì có vai trò quyết định trong việc triển khai hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Theo tác giả Hứa Thị Quỳnh Hoa trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp [8] thì tình hình doanh nghiệp ở Gai Lai như sau. Tính đến tháng 6/2020 Gia Lai có 4.165 doanh nghiệp đang hoạt động, trong khi đó cả nước có 780.056 đang hoạt động (chiếm 20,2 % khu vực Tây Nguyên, chiếm 0,5 % cả nước). So với năm 2019, số doanh nghiệp đang hoạt động tại Gia Lai tăng 13,1%. Gia Lai đang xếp thứ 38 cả nước về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động. Đối với một tỉnh Tây Nguyên thì số lượng doanh nghiệp đang hoạt động như trên là rất lớn. Sự hoạt động của một số đông đảo các doanh nghiệp sẽ tạo ra không khí kinh doanh sôi động và làm nảy nở nhiều sáng kiến khởi nghiệp.

Trong các doanh nghiệp thì các công ty khoa học công nghệ có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển khởi nghiệp ĐMST nhưng thông tin về các công ty khoa học công nghệ của tỉnh Gia Lai không sẵn có trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2.4. Một số nét về khởi nghiệp tại tỉnh Gia Lai

2.4.1. Chương trình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018 - 2020

Thông tin bao quát về tình hình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Gia Lai được thể hiện rõ nhất trong Chương trình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018 - 2020 của UBND tỉnh Gia Lai [9] nên trước hết chúng ta sẽ xem xét những nội dung chính của Chương trình này.

2.4.1.1. Mục tiêu

- Xây dựng mạng lưới liên kết tổng thể giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn tỉnh nhằm hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp.

- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Thúc đẩy phong trào và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp nhằm tìm kiếm những dự án, ý tưởng khởi nghiệp khả thi để hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp.

Theo các mục tiêu nói trên ta có thể thấy rõ tỉnh Gia Lai đang ở trong giai đoạn khởi đầu về xây dựng phong trào khởi nghiệp nên trước mắt tập trung chủ yếu cho việc nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và bước đầu tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

2.4.1.2. Đối tượng áp dụng

- Các tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân trên cả nước có dự án, ý tưởng mong muốn khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

- Các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

2.4.1.3. Ban chỉ đạo

- UBND tỉnh là cấp cao nhất trong Ban chỉ đạo hỗ trợ HSTKN ĐMST của tỉnh Gia Lai.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh về hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình khởi nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018 - 2020.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Tỉnh đoàn Gia Lai; Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo, phân hiệu các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành có liên quan; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai, Cổng thông tin điện tử tỉnh; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội nghề nghiệp; các cơ sở đào tạo; cơ sở ươm tạo doanh nghiệp; các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp… là các cơ quan phối hợp.

2.4.1.3. Các hoạt động của chương trình

1) Truyền thông khởi nghiệp

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phát động cuộc thi khởi nghiệp, các phong trào khởi nghiệp trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, hội viên, sinh viên, cá nhân, nhóm cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh hoạt động phổ biến, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp; thực hiện các chuyên đề, phóng sự các hoạt động hỗ trợ khai nghiệp trên địa bàn tỉnh; đưa tin về những điển hình tốt về khởi nghiệp nhằm phát động phong trào, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên, cá nhân, nhóm cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức diễn đàn đối thoại doanh nghiệp giữa cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các doanh nghiệp khởi nghiệp để đối thoại về thể chế, pháp lý, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (Theo Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 25/10/2016 của UBND tỉnh Gia Lai).

2) Xây dựng cơ sở hạ tầng khởi nghiệp

- Thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

- Xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp tỉnh Gia Lai.

- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

3) Tổ chức tìm kiếm các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

4) Tư vấn, hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật

- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về khởi sự, quản trị doanh nghiệp; hội nghị, hội thảo, diễn đàn giới thiệu kinh nghiệm quản lý, sản xuất kinh doanh... theo các chương trình, kế hoạch hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn về chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các tổ chức, cá nhân; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế.

- Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; lồng ghép, đưa các nội dung đào tạo về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng, trường trung cấp trên địa bàn tỉnh nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cần thiết về khởi nghiệp.

2.4.2. Một số thông tin về tình hình khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Gia Lai

Hiện nay vẫn chưa có các thông tin công bố chính thức về kết quả toàn diện của việc triển khai thực hiện Chương trình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018 - 2020 của UBND tỉnh Gia Lai. Chưa có cuộc điều tra nào thống kê số dự án khởi nghiệp, số doanh nghiệp khởi nghiệp, số các nhà khởi nghiệp. Tuy nhiên, có thể tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng một số thông tin về các sự kiện hỗ trợ khởi nghiệp và tấm gương nhà khởi nghiệp ĐMST như sau.

2.4.2.1. Một số sự kiện nổi bật về hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tình Gia Lai

1) Ngày 26 tháng 12 năm 2017 UBND tình Gia Lai đã ban hành Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017 - 2025 [10]. Mục tiêu của Đề án nhằm:

- Nâng cao hiểu biết của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật, các thành phần kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.

- Thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, HTX/THT, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp mới thành lập của phụ nữ thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ chất lượng, bền vững, góp phần thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

- Góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.

2) Ngày 06 tháng 11 năm 2018 UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số  2493/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Gia Lai [11]. Mục tiêu của Đề án là bằng nhiều hình thức phù hợp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại nhà trường; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

3) Ngày 27/9/2018 Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo Khởi nghiệp du lịch năm 2018 với mục đích tìm kiếm ý tưởng mới, sáng tạo trong kinh doanh và phát triển du lịch Gia Lai, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp [12].

3) Ngày 11/10/2018, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Gia Lai tổ chức diễn đàn “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp - sáng tạo” [13].

4) Ngày 19 - 20/02/2019, Hội LHPN Gia Lai tổ chức mở lớp tập huấn Hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh cho phụ nữ khởi nghiệp năm 2019 [14].

            5) Ngày 22/10/2020 Đoàn Thanh niên tỉnh phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai tổ chức chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ IV năm 2020”. Từ 26 ý tưởng, 5 ý tưởng xuất sắc nhất đã được lọt vào vòng chung kết gồm: Sản xuất, kinh doanh nông sản sạch và bền vững, kết hợp du lịch trải nghiệm; Chế biến rác thành “vàng” kết hợp du lịch cộng đồng và giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; Handmade văn hóa thổ cẩm Jrai; xây dựng Trung tâm Anh ngữ Lalisa phục vụ thiếu niên, nhi đồng; mô hình nuôi dúi [15].

6) Ngày 22/10/2020, tại thành phố Pleiku, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Gia Lai lần thứ I - năm 2020” (STARTUP DAY 2020) nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tạo động lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, tiến tới tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành môi trường kinh doanh năng động và sáng tạo tại tỉnh [16].

2.4.2.2. Một số tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh Gia Lai

Năm 2016 Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh 85 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Gia Lai vinh dự có 3 doanh nhân, trong đó có một gương mặt nằm trong top 10. Website Hội doanh nhân trẻ Gia Lai giới thiệu 3 doanh nhân này như sau [17].

1) Chị Võ Thị Tuyết Hà - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Song Long Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai. Xuất thân từ một gia đình thuần nông, từ nhỏ Võ Thị Tuyết Hà đã phải một buổi đến trường, một buổi ra đồng để phụ giúp cha mẹ. Khi bước chân vào giảng đường đại học, với khát vọng thay đổi cuộc sống, chị đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, vừa học vừa làm nhiều công việc khác nhau để nuôi ước mơ của mình. Chị trở thành trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Khoa học Trường Sinh và sau đó là đồng sáng lập Công ty cổ phần Song Long Khánh Hòa với chức vụ Tổng Giám đốc Công ty.

Tuy thời gian gia nhập thị trường chưa lâu nhưng với sự nỗ lực của bản thân chị và cán bộ, nhân viên nên sản phẩm mang thương hiệu Song Long Khánh Hòa đã trở nên thân thuộc đối với bà con nuôi tôm trên cả nước. Hiện nay, hệ thống đại lý cấp 1 của Công ty đã có hơn 150 cơ sở. Bản thân chị đã nhận nhiều giải thưởng như: Doanh nhân doanh nghiệp thành đạt ASEAN, top 5 nữ doanh nhân tài sắc 2014. Riêng năm 2016, chị nằm trong top 10 doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc nhất.

2) Anh Võ Văn Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ Việt Tín. Năm 2002, Võ Văn Tuấn tốt nghiệp ngành Kế toán và làm việc tại Công ty TNHH Thương mại Thái Bình Dương. Sau 2 năm công tác, anh được Ban lãnh đạo Công ty bổ nhiệm làm Giám đốc Chi nhánh tại TP. Buôn Ma Thuột (Đak Lak), nơi anh đã bắt đầu công việc với rất nhiều khó khăn. Nhưng với nỗ lực không mệt mỏi, chỉ sau 3 tháng, anh đã vực dậy chi nhánh, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi. Cuối năm 2009, anh Tuấn quyết định xin nghỉ việc để về Gia Lai thực hiện ước mơ khởi nghiệp.

Anh thành lập Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ Việt Tín do anh làm Giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tổ chức sự kiện. Nếu như trước đây, anh chỉ quản lý điều hành và tham mưu chiến lược, giải pháp thì ở Việt Tín, tất cả công việc đều do anh quyết định. Hiện nay, Công ty đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường Tây Nguyên và đang phát triển qua nước bạn Lào.

3) Chị Phan Thị Huyền My-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Rượu Trường Sinh Gia Lai. Ngay từ nhỏ, Phan Thị Huyền My đã đam mê kinh doanh. Được sự ủng hộ từ gia đình, chị đã trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ để có thể thành công trong tương lai. Năm 2015, Tập đoàn Trường Sinh cho ra đời Công ty cổ phần Rượu Trường Sinh Gia Lai do chị làm Giám đốc Kinh doanh. Dù tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ nhưng với năng lực cùng sự đam mê của bản thân, chị đã giúp Công ty thành công trong việc đưa thương hiệu rượu Trường Sinh ra thị trường.

Hiện nay, rượu Trường Sinh Gia Lai đã gặt hái được nhiều thành công với sản phẩm chính là dòng rượu Whisky cao cấp giúp khách hàng bảo vệ sức khỏe khi tham gia các bữa tiệc. Hiện nay, đại lý của Công ty cổ phần Rượu Trường Sinh đã có mặt 34/63 tỉnh thành trong cả nước, doanh thu của Công ty không ngừng tăng.

3. Thảo luận và kiến nghị

3.1. Thảo luận

Với những thông tin về tình hình khởi nghiệp của tỉnh Gia Lai như trên thì chưa đủ để đánh giá, kết luận một cách toàn diện và đầy đủ về kết quả công tác hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và tình hình phát triển khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Gia Lai nhưng có thể đưa ra một số nhận xét sơ bộ như sau. Với những tiềm năng lợi thế khỏi nghiệp to lớn, tỉnh Gia Lai đã tích cực phát động phong trào khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan với thành tựu nổi bật nhất là có 3 doanh nhân khởi nghiệp được tôn vinh là những doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc nhất trong cả nước năm 2016. Thành tựu có doanh nhân khởi nghiệp được tôn vinh như vậy không phải là tỉnh nào cũng có, đặc biệt là trong khi Gia Lai lại là một tỉnh miền núi Tây Nguyên với gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số, điều đó nói lên phong trào khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp ở Gia Lai đã phát triển khá mạnh mẽ.

3.2. Kiến nghị

Do chưa có thông tin đầy đủ về thực trạng hỗ trợ khởi nghiệp ở Gia Lai nên bài báo này không thể đề xuất các giải pháp cụ thể mà chỉ đưa ra kiến nghị chung với tỉnh Gia Lai về giải pháp thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp. Tỉnh Gia Lai cần tổng kết Chương trình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018 - 2020 và các đề án khác mà UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành, phân tích, đánh giá đúng những hạn chế, bất cập và xây dựng lại Đề án mới cho giai đoạn 2021-2025 theo hướng tiếp cận mới, phù hợp với đặc thù của hoạt động khởi nghiệp và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đề án mới phải khắc phục được những hạn chế đang gặp phải, bao gồm cả việc ban hành hệ thống chính sách phù hợp với đặc điểm hoạt động khởi nghiệp và thực tiễn của địa phương.

Từ khóa: khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, Gia Lai

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Wikipedia. Gia Lai.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Gia_Lai

  1. Báo Thế giới và Việt Nam (2020). Gia Lai - Tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư. https://baoquocte.vn/gia-lai-tiem-nang-va-co-hoi-thu-hut-dau-tu-35730.html
  2. Website Gia Lai. Cập nhật danh sách các trường Cao đẳng, trường Đại học tại Gia Lai.

https://tinhgialai.vn/cap-nhat-danh-sach-cac-truong-cao-dang-truong-dai-hoc-tai-gia-lai/

  1. Website Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai.

http://phgl.hcmuaf.edu.vn/

  1. Website Trường Đại học Đông Á. Phân hiệu trường Đại học Đông Á tại Gia Lai.

https://donga.edu.vn/tuyensinh/ts-chi-tiet/phan-hieu-truong-dai-hoc-dong-a-tai-gia-lai-3132

  1. Website Trường Cao đẳng Sư Phạm Gia Lai.

http://cdspgialai.edu.vn/

  1. Website Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai.

http://www.cdngl.edu.vn/index.php

  1. Hứa Thị Quỳnh Hoa (2020). Một số nội dung về tình hình đăng ký doanh nghiệp và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại tỉnh Gia Lai 6 tháng đầu năm 2020. Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/5154/mot-so-noi-dung-ve-tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-va-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh--cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-tai-tinh-gia-lai.aspx#:~:text=T%C3%ADnh%20%C4%91%E1%BA%BFn%20th%C3%A1ng%206%2F2020,doanh%20nghi%E1%BB%87p%20%C4%91ang%20ho%E1%BA%A1t%20%C4%91%E1%BB%99ng.

  1. Chuyên trang Hệ thống pháp luật Việt Nam. Quyết định ban hành Chương trình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2020 của UBND tỉnh Gia Lai. https://hethongphapluat.com/quyet-dinh-316-qd-ubnd-nam-2018-ve-chuong-trinh-khoi-nghiep-tren-dia-ban-tinh-gia-lai-giai-doan-2018-2020.html
  2. Thư viện Pháp Luật. Quyết định số 893/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Quyet-dinh-893-QD-UBND-2017-De-an-Ho-tro-phu-nu-khoi-nghiep-Gia-Lai-392066.aspx

  1. Website Văn bản pháp luật. Kế hoạch số 2493/KH-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

https://vanbanphapluat.co/ke-hoach-2493-kh-ubnd-2018-ho-tro-hoc-sinh-sinh-vien-khoi-nghiep-gia-lai-2025

  1. Võ Thanh Thảo (2018). Chương trình Khởi nghiệp du lịch tỉnh Gia Lai: Nhiều ý tưởng mang tính thực tế.

Website Tổng cục Du lịch. https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/27467

  1. Website Hội LHPN tỉnh Gia Lai (2018). Diễn đàn “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp - sáng tạo”.

http://hlhpn.gialai.org.vn/phu-nu-voi-khoi-nghiep/Dien-dan-Phu-nu-Gia-Lai-khoi-nghiep-%E2%80%93-sang-tao%E2%80%9D

  1. Website Hội LHPN tỉnh Gia Lai (2019). Tập huấn hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh cho phụ nữ khởi nghiệp.

http://hlhpn.gialai.org.vn/phu-nu-voi-khoi-nghiep/Tap-huan-huong-dan-xay-dung-ke-hoach-kinh-doanh-ch

  1. Hà Đức Thành (2020). Gia Lai: Chung kết Cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp lần thứ IV. Trang thông tin điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí minh.

http://doanthanhnien.vn/tin-tuc/khoi-nghiep-lap-nghiep/gia-lai-chung-ket-cuoc-thi-sang-tao-khoi-nghiep-lan-thu-iv

  1. Thanh Bình (2020). Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Gia Lai lần thứ I - năm 2020. Cổng thông tin điện tử Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắc Lắc.

http://skhcn.daklak.gov.vn/ngay-hoi-khoi-nghiep-tinh-gia-lai-lan-thu-i--nam-2020-detailnews5034-vn-54.html

  1. Hà Đức Thành. Những gương mặt khởi nghiệp xuất sắc ở Gia Lai. Website Hội doanh nhân trẻ Gia Lai.

http://www.doanhnhantregialai.com/tin-tuc/36/277/-nhung-guong-mat-khoi-nghiep-xuat-sac-o-gia-lai.html


BÀI VIẾT LIÊN QUAN