Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

Một số nét chính về tình hình phát triển khởi nghiệp sáng tạo tại tỉnh Bình Thuận

 20/01/2021  1287

BÀI THAM DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC

TS. Vũ Quỳnh Nam

Viện Nghiên cứu Kinh tế và PTNNL, Trường ĐH Kinh tế & QTKD, ĐHTN

1. Giới thiệu

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017 tới nay Bình Thuận đã triển khai chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bản tỉnh. Chương trình đã phát động phong trào khởi nghiệp ĐMST khá sâu rộng trong nhân dân, nhất là trong khối các doanh nghiệp, các trang trại, các hộ gia đình, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức, cá nhân khác và bước đầu đã có những dấu hiệu khả quan về kết quả. Thông tin về khởi nghiệp ĐMST tại tỉnh Bình Thuận còn rất hạn chế nhưng vẫn có thể thấy một số nét chính trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bài viết này tổng hợp các thông tin đó nhằm giới thiệu, phổ biến kinh nghiệm phát triển khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Bình Thuận tới các địa phương khác.

2. Các tiềm năng, lợi thế trong phát triển khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Bình Thuận

2.1. Lợi thế về vị trí địa lý

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ Việt Nam, phía bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía đông-bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía tây-nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu, phía đông và nam giáp Biển Đông [1]. Với vị trí địa lý như vậy, Bình Thuận chịu ảnh hưởng rất mạnh của địa bàn kinh tế trọng điểm phía nam - trọng điểm lớn nhất của cả nước. Đây là một lợi thế phát triển khởi nghiệp rất lớn vì Bình Thuận sẽ được trực tiếp hưởng tác động lan tỏa (Spillovers) từ các truntg tâm khởi nghiệp lớn mạnh nhất nước là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.

2.2. Lợi thế về dân số đô thị

Dân số của tỉnh Bình Thuận khoảng 1,3 triệu người, trong đó 49% là dân số đô thị, tập trung đông nhất tại TP. Phan Thiết với khoảng gần 273 ngàn dân, chiếm gần 1/4 dân số toàn tỉnh, tiếp đến là Phan Rí Cửa và Thị xã La Gi; dân số nông thôn chiếm 51%, phân bố thưa thớt tại các huyện Bắc Bình, Tánh Linh, Hàm Tân [1]. Như vậy tỷ lệ dân số đô thị của Bình Thuận rất lớn và mật độ dân số đô thị rất cao, điều này chính là một cơ sở quan trọng để phát triển nền kinh tế kết tụ (Agglomeration Economy) - một nền tảng vô cùng quan trọng của phát triển khởi nghiệp.

2.3. Lợi thế về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sở hữu các lợi thế tự nhiên, Bình Thuận có nhiều cơ sở để phát triển nông, lâm, thủy sản ứng dụng công nghệ cao [2]. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 275.000 ha, hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp với diện tích tưới tiêu 114.000 ha, Bình Thuận sở hữu tài nguyên đất phong phú [2]. Bên cạnh đó, việc là một trong ba ngư trường lớn của cả nước cũng giúp nơi đây phát triển nông nghiệp thuận lợi theo hướng ứng dụng công nghệ cao [2]. Lợi thế này tạo ra những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp.

2.4. Lợi thế về công nghiệp xanh, sạch

Bình Thuận có 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.048 ha, hạ tầng hiện đại đồng bộ về nguồn điện, nước, viễn thông, nhà máy xử lý nước thải và 23 cụm công nghiệp tại các địa phương trong tỉnh [2]. Bên cạnh đó, Bình Thuận gây ấn tượng về năng lượng từ nhiệt điện, thủy điện, điện gió và điện mặt trời với tổng công suất quy hoạch 29.000 MW [2]. Sở hữu số giờ gió và bức xạ nhiệt cao, ổn định, nơi đây rất phù hợp để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ngoài khơi [2]. Đây chính là nền tảng rất tốt để phát triển khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực công nghiệp xanh, sạch.

2.5. Lợi thế về du lịch

Bình Thuận là một tỉnh miền biển với bờ biển rất dài, tới 192 km [2]. Kết hợp thêm địa hình đồi núi thấp nối liền với khu du lịch Lâm Đồng nổi tiếng, Bình Thuận có những thắng cảnh độc đáo làm nên tiềm năng du lịch to lớn. Với việc được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch theo quy hoạch của tỉnh và Chính phủ, Bình Thuận hứa hẹn trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong tương lai [2]. Lợi thế về du lịch chính là môi trường nảy nở khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực du lịch.

3. Các thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bình Thuận

Giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, tỉnh Bình Thuận chỉ mới bắt đầu phát động phong trào khởi nghiệp từ năm 2017, sau khi Chính phủ ra Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến 2025”. Điều này có nghĩa là hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) của tỉnh Bình Thuận vẫn chưa được kiện toàn với đầy đủ các tác nhân khởi nghiệp như ở TP. Hồ Chí Minh hay TP. Hà Nội. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp, một số trung tâm đào tạo - nghiên cứu khoa học, một số công ty khoa học công nghệ, Quỹ Đầu tư Phát triển Bình Thuận, Ngân hàng Cổ phần Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh tỉnh Bình Thuận, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức đoàn thể hỗ trợ khởi nghiệp và các nhà khởi nghiệp riêng lẻ. Tới nay vẫn chưa có thông tin công bố chính thức về tình hình đội ngũ các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, các tổ chức cung cấp dịch vụ khởi nghiệp, các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp như không gian làm việc chung, vườn ươm khởi nghiệp, cơ sở thúc đẩy khởi nghiệp. Sau đây là những thông tin chi tiết về các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các doanh nghiệp, các công ty khoa học công nghệ của tỉnh Bình Thuận.

3.1. Các cơ sở đào tạo - nghiên cứu

Danh sách các cơ sở đào tạo - nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận [3] được trình bày trong Bảng 1, thông tin chi tiết được lấy từ Website các cơ sở này [4] [5] [6] [7] [8] [9]. Ta thấy Bình Thuận chỉ có duy nhất 01 trường đại học, 01 trường cao đẳng cộng đồng, 01 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 01 trường cao đẳng nghề, 01 trường trung cấp chuyên nghiệp và 01 trường trung cấp nghề. Trường đại học Phan Thiết là trung tâm đào tạo - nghiên cứu lớn nhất của tỉnh Bình Thuận, tuy nhiên lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu chỉ giới hạn trong một số ít các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin. Các cơ sở đào tạo khác có cấp bậc thấp hơn và các chuyên ngành đào tạo cũng hạn hẹp.

Bảng 1: Danh sách các cơ sở đào tạo - nghiên cứu của tỉnh Bình Thuận

STT

Tên cơ sở

Địa chỉ

Lĩnh vực hoạt động

1

Trường Đại học Phan
Thiết

268 Nguyễn Thông, Phường Phú Hài, TP. Phan Thiết

Đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực:

  1. Quản trị du lịch khách sạn
  2. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành
  3. Tài chính ngân hàng
  4. Tiếng Anh
  5. Quản trị kinh doanh
  6. Ngoại thương
  7. Kế toán
  8. Công nghệ thông tin
  9. Luật kinh tế

2

Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận

205 Lê Lợi, Phường Hưng Long, TP. Phan Thiết

Đào tạo đa ngành, đa hệ, đa cấp, đa phương thức, chất lượng cao

3

Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận

274 Nguyễn Hội, Phường Xuân An, TP. Phan Thiết

Đào tạo, nghiên cứu và tư vấn trong các lĩnh vực y dược

4

Trường Cao đẳng nghề Bình Thuận

Đường Trường Chinh, Phường Phú Tài, TP. Phan Thiết

  1. Nghề lập trình máy tính
  2. Nghề sửa chữa máy tính

5

Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật CĐ Bình Thuận

417 Trần Hưng Đạo, Phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết

  1. Kỹ thuật chế biến món ăn
  2. Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí
  3. Kế toán doanh nghiệp
  4. Công nghệ thông tin
  5. Công tác xã hội
  6. Quản trị Resort

6

Trường Trung cấp Bách khoa Miền Nam (Trường TC Du lịch Mũi Né)

268 Nguyễn Thông, Phường Phú Hài, TP. Phan Thiết

  1. Tiếng Nhật
  2. Ngành dịch vụ pháp lý
  3. Hướng dẫn viên du lịch
  4. Công nghệ thông tin
  5. Kế toán doanh nghiệp
  6. Quản lý nhà hàng, khách sạn

Nguồn: Website các cơ sở đào tạo tỉnh Bình Thuận

Như vậy có thể thấy, do không phải là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của đất nước nên Bình Thuận không có thế mạnh nổi trội về trung tâm nghiên cứu - một nguồn cung cấp kiến thức và ý tưởng quan trọng của khởi nghiệp. Tuy nhiên, Trường ĐH Phan Thiết cũng có thể đảm đương nhiều lĩnh vực nghiên cứu quan trọng còn các trường khác có tiềm năng là cơ sở rất tốt để phát triển các xưởng thực hành, các vườn ươm khởi nghiệp và tạo không gian làm việc chung cho các nhà khởi nghiệp.

3.2. Các doanh nghiệp

Doanh nghiệp là một tác nhân cực kỳ quan trọng trong HSTKN vì có vai trò quyết định trong việc triển khai hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng cộng khoảng trên 3.000 doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau [10], hoạt động trong các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Trong đó các doanh nghiệp lớn nhất và có trình độ công nghệ hiện đại nhất kinh doanh trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đó là các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, sạch và du lịch. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hùng hậu cùng với 9 khu công nghiệp hiện đại, đồng bộ và 23 cụm công nghiệp tại Bình Thuận đã tạo ra không khí kinh doanh rất sôi động, đây chính là môi trường rất tốt cho các hoạt động khởi nghiệp nảy nở.

3.3. Các công ty khoa học công nghệ

Trong các doanh nghiệp thì các công ty khoa học công nghệ đóng vai trò là ngọn lửa kích hoạt phong trào khởi nghiệp. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện nay có 18 công ty kinh doanh trong lĩnh vực khoa học công nghệ [11]. Bảng 2 trình bày các thông tin chi tiết về các công ty này, chú ý rằng mỗi công ty còn kinh doanh trong rất nhiều ngành nghề khác nhau nhưng trong bảng chỉ nêu các ngành nghề có liên quan đến nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Bảng 2: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Bình Thuận

STT

Công ty

Địa chỉ

Người đứng đầu

Ngành nghề kinh doanh khoa học công nghệ

1

Công ty cổ phần Gonsa - chi nhánh Bình Thuận

14A Trường Chinh, Phường Xuân An, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận

Nguyễn Công Hoàng

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược

2

Công ty cổ phần liên doanh Nhật Bản - Việt Nam ông nghiệp hữu cơ

Thôn Hồng Lâm, Xã Hòa Thắng, Huyện Bắc Bình, Bình Thuận

Phạm Văn Minh

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

3

Công ty cổ phần Nông nghiệp CVC Bình Thuận

Thôn Dốc Đá, Xã Phan Lâm, Huyện Bắc Bình, Bình Thuận

Lê Xuân Hà

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

4

Công ty TNHH môi trường Thành Nam Hàm Thuận Bắc

Thôn Lâm Giang, Xã Hàm Trí, Huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận

Nguyễn Văn Quang

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

5

Công ty cổ phần nông nghiệp G.C

Số 71 Xóm 4, Thôn Lạc Trị, Xã Phú Lạc, Huyện Tuy Phong, Bình Thuận

Nguyễn Văn Thăng

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

6

Công ty cổ phần môi trường xanh Pedaco

Thôn Tân Lý 1, Xã Tân Bình, Thị xã La Gi, Bình Thuận

Nguyễn Hoài Nam

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

7

Công ty TNHH Vắc xin VAFA

Lô A12 Bến Lội, Phường Xuân An, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận

Hoàng Minh Huy

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

8

Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Phan

Km Quốc lộ 28, thôn Bình Lâm, Xã Hàm Chính, Huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận

Lương Thái Vân An

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

9

Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch An Khang Bình Thuận

Thôn Tà Mon, Xã Tân Lập, Huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận

Đặng Hữu An

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

10

Công ty TNHH MTV VIPTAM Bình Thuận

02 KDC VăN THáNH, Phường Phú Tài, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận

Nguyễn Phúc Hùng

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

11

Công ty TNHH Green Solar Technology Bình Thuận

Xóm 7, Quốc lộ 1A, Xã Vĩnh Tân, Huyện Tuy Phong, Bình Thuận

Ngô Văn Sứng

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

12

Công ty cổ phần công nghệ và năng lượng SKT Bình Thuận

Đường 17/4, Thị trấn Liên Hương, Huyện Tuy Phong, Bình Thuận

Vũ Thị Tình

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

13

Công ty TNHH Hoàng Phúc Bình Thuận

Đường 17/4, Thị trấn Liên Hương, Huyện Tuy Phong, Bình Thuận

An Hồ Hưng

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

14

Công ty TNHH Đức Minh Thành

31 đường Xoài Khòm, Xã Tiến Lợi, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận

Trịnh Thị Hồng Trinh

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

15

Công ty TNHH Khoa học Công nghệ và Môi trường Bình Thuận

Thôn Tiến Hưng, đường Trường Chinh, Xã Tiến Lợi, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận

Phạm Công Nông

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp

16

Công ty TNHH Quang Ngân

Số 79 đường Lý Thường Kiệt, Phường Đức Thắng, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận

Nguyễn Thị Hồng Quyên

Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

17

Công ty TNHH kinh doanh thương mại và dịch vụ Anh Sơn

Thôn Vĩnh Hưng, Xã Vĩnh Tân, Huyện Tuy Phong, Bình Thuận

Nguyễn Thị Oanh

Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

18

Công ty TNHH đầu tư hạ tầng đô thị Ngọc Minh

Thôn Vĩnh Hưng, Xã Vĩnh Hảo, Huyện Tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận

Ngô Đức Anh

Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

Nguồn: Trang Web Việt Nam: Thông tin công ty tại Bình Thuận

Có thể thấy Bình Thuận có một số lượng khá lớn các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đây là thành phần rất quan trọng trong HSTKN tỉnh Bình Thuận.

4. Một số nét về khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Bình Thuận từ 2017 tới nay

4.1. Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Bình Thuận

Thông tin bao quát về tình hình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Bình Thuận được thể hiện rõ nhất trong Kế hoạch số 4746/KH-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2017 - 2020 [12] nên trước hết chúng ta sẽ xem xét những nội dung chính của kế hoạch này.

4.1.1. Mục tiêu

  1. Tăng cường và nâng cao nhận thức HSTKN ĐMST cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh trong giai đoạn 2017 - 2020.
  2. Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
  3. Đến năm 2020, hỗ trợ phát triển tối thiểu cho 05 dự án khởi nghiệp ĐMST, tối thiểu 02 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

Theo các mục tiêu nói trên ta có thể thấy rõ tỉnh Bình Thuận đang ở trong giai đoạn khởi đầu về xây dựng phong trào khởi nghiệp nên trước mắt tập trung chủ yếu cho việc nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và bước đầu tạo lập môi trường khởi nghiệp.

4.1.2. Đối tượng hỗ trợ

Cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian đăng ký hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu. Ưu tiên các dự án thuộc các sản phẩm lợi thế và sản phẩm tiềm năng của tỉnh. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Bình Thuận.

4.1.3. Ban chỉ đạo

- UBND tỉnh là cấp cao nhất trong Ban chỉ đạo hỗ trợ HSTKN ĐMST của tỉnh Bình Thuận.

- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận là cơ quan thay mặt UBND tỉnh trực tiếp đứng ra chủ trì các chương trình hỗ trợ cụ thể.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Công thương; Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành có liên quan; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận, Cổng thông tin điện tử tỉnh; Tỉnh đoàn Bình Thuận; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Bình Thuận; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Quỹ Đầu tư Phát triển Bình Thuận; Ngân hàng Cổ phần Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh tỉnh Bình Thuận; các tổ chức đại diện doanh nghiệp, Trường đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh là các cơ quan phối hợp.

4.1.3. Các chương trình hỗ trợ chính

4.1.3.1. Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học và thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về HSTKN ĐMST

- Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học và tuyên truyền về Kế hoạch hỗ trợ HSTKN ĐMST của tỉnh giai đoạn 2017-2020 đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tổ chức ít nhất 01 hội nghị, 01 hội khảo khoa học.

- Tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp và ĐMST cho sinh viên, các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

- Xây dựng chuyên mục thông tin khởi nghiệp ĐMST trên website của Sở Khoa học và Công nghệ để cung cấp thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ; các chính sách pháp luật; nguồn nhân lực; nguồn giao dịch đầu tư; các đối tác, khách hàng; sản phẩm; mô hình kinh doanh mới. Thực hiện các chuyên đề, phóng sự về hoạt động khởi nghiệp ĐMST và phổ biến các điển hình khởi nghiệp ĐMST thành công của tỉnh, trong nước và trên thế giới.

- Thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp ĐMST.

4.1.3.2. Phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp ĐMST

- Nghiên cứu xây dựng không gian dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.

- Hỗ trợ các dự án xây dựng vườn ươm phục vụ doanh nghiệp ĐMST.

4.1.3.3. Xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST của tỉnh

- Xây dựng và triển khai chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST giai đoạn từ năm 2021 - 2025.

- Tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và khuyến khích thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ tại các doanh nghiệp nhà nước.

- Thực hiện cho vay ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ĐMST của tỉnh theo điều lệ của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

- Tổ chức vận động, tìm kiếm nguồn tài trợ từ các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước.

4.2. Một số sự kiện hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và tấm gương nhà khởi nghiệp của tỉnh Bình Thuận

Hiện nay vẫn chưa có các thông tin công bố chính thức về kết quả toàn diện của việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 4746/KH-UBND và các thành tựu khởi nghiệp ở tỉnh Bình Thuận. Chưa có cuộc điều tra nào thống kê số dự án khởi nghiệp, số doanh nghiệp khởi nghiệp, số các nhà khởi nghiệp. Tuy nhiên, có thể tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng một số thông tin về các sự kiện hỗ trợ khởi nghiệp và tấm gương nhà khởi nghiệp ĐMST như sau.

4.2.1. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST

            1) Ngày 16/11/2017 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh tại Bình Thuận đã phối hợp với sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Bình Thuận” [13].

2) Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh bình thuận đã xây dựng chuyên mục “Chương trình Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ Khoa học Công nghệ” trên website [14], trong đó có cập nhật các tin tức về hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và cụ thể của chính quyền tỉnh như tổ chức các cuộc thi. Tuy nhiên, nội dung tin tức về khởi nghiệp ĐMST còn hết sức nghèo nàn.

3) Tỉnh đoàn Bình Thuận đã xây dựng chuyên mục “Thanh niên khởi nghiệp” trên website [15], trong đó có 5 tiểu chuyên mục chi tiết là: i) Ngân hàng dự án và ý tưởng hình thành; ii) Sổ tay khởi nghiệp; iii) Tổng quan chương trình; iv) Câu chuyện khởi nghiệp; v) Sự kiện khởi nghiệp. Tuy nhiên, nội dung của các tiểu chuyên mục này cũng hết sức nghèo nàn: tiểu chuyên mục i) và iv) không nêu bất cứ dự án, ý tưởng hay sự kiện khởi nghiệp nào; tiểu chuyên mục ii) chỉ đưa ra một số đường link về kinh nghiệm khởi nghiệp ở các địa phương khác; tiểu chuyên mục iii) chỉ đưa ra các văn bản pháp quy có liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp; tiểu chuyên mục iv) đưa ra một số tấm gương khởi nghiệp của cá nhân.

4) Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ Bình Thuận đã xây dựng website chuyên tải tạp chí “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời cũng đưa các tin tức về khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ trong đó có kèm theo các tin tức về khởi nghiệp ĐMST nhưng không thường xuyên [16].

5) Ngày 23/8/2019 Hội LHPN Tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc thi “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp”. Cuộc thi đa thu hút hơn 300 ý tưởng khởi nghiệp đã tham dự thi, trong đó có 10 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc [17].

6) Ngày 31/10/2020 Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận đã tổ chức “Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo năm 2020” với sự tham dự của hơn 300 đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh trong đó có chương trình thực hành “Phân tích ý tưởng trong mô hình, dự án kinh doanh, sản xuất khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” [18].

7) Ngày 01 tháng 10 năm 2020 HĐND tỉnh Bình Thuận đã ra Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND quy định nội dung và mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ HSTKN đổi mới sáng tạo đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh [19].

8) Hiện nay, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Thuận đang tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020-2021” [20] với 01 Giải nhất mỗi giải trị giá 30 triệu đồng, 02 Giải nhì mỗi giải trị giá 24 triệu đồng; 03 giải 3 mỗi giải trị giá 18 triệu đồng; 05 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 6 triệu đồng. Hạn chót nộp hồ sơ dự thi là ngày 01/02/2021.

4.2.2. Một số tấm gương khởi nghiệp

Theo thông tin của Tỉnh đoàn Bình Thuận [21] thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số tấm gương cá nhân khởi nghiệp đáng chú ý sau đây:

1) Trần Thanh Hiếu, thanh niên khởi nghiệp trẻ xuất sắc. Trần Thanh Hiếu sinh ra đã không thấy mặt cha, khi chưa trưởng thành thì mẹ đã qua đời, gia đình nghèo khó. Ngay từ khi học lớp 6 Hiếu đã mua bán nhỏ lẻ, đến năm học lớp 10 thì đã rành rẽ trong việc mua bán cây cảnh và khai thác rừng trồng. Sau khi tốt nghiệp lớp 12 với số vốn ít ỏi và khát vọng vươn lên làm giàu, Hiếu đã mạnh dạng thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thương mại vận tải Trung Hiếu, lúc ấy còn khó khăn bản thân Hiếu vừa điều hành vừa kiêm luôn cả lái xe. Định hướng được thị trường kinh doanh cộng với ít kinh nghiệm tích lũy năm 2010 Hiếu quyết định mở thêm công ty bao bì Trung Phát với số vốn vay ban đầu là khoản vay từ việc thế chấp sổ đỏ của gia đình, thận trọng trong từ bước đi vững chắc trong  kinh doanh vừa làm và vừa tái đầu tư trong sản xuất. Sau 6 năm kinh doanh Công ty bao bì Trung Phát đã chiếm được phần lớn thị phần tại Bình Thuận với doanh thu mỗi năm hơn 20 tỷ đồng và tạo được việc làm cho người dân quê mình.

2) Mô hình trồng táo Phan Rang của anh Bùi Tấn Long. Anh Bùi Tấn Long khỏi đầu trồng táo Phan Rang trên 2 sào đất, bắt đầu thu hoạch từ đầu năm 2015 cho thu nhập ước tính cứ 4 tháng/vụ, sản lượng 5 tấn/sào với giá bán 12 - 15 ngàn đồng/kg, đạt doanh thu hơn 30 triệu đồng 1 vụ đem lại thu nhập khá cho gia đình. Hiện tại anh Long đã nhân rộng mô hình thêm 80 gốc trên 1 hecta được Phòng Nông nghiệp huyện Hàm Tân, Bình Thuận hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt với chi phí khoảng 25 triệu đồng/sào tiết kiệm được nguồn nước khi nắng hạn.

3) Mô hình trồng ổi Đài Loan của thôn An Bình. Trang trại ổi Đài Loan Tại thôn An Bình, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân là trang trại kiểu mẫu, sạch sẽ thoáng đãng có ứng dụng khoa học kỹ thuật với diện tích hơn 7 hecta, trồng 7 ngàn cây ổi lấy giống Đài Loan. Từ vùng hoang hóa nghèo nàn ít người sinh sống đất xám bạc màu là chủ yếu với tầng đất dày khoảng 40 - 50 cm, tiếp đến là lớp sỏi và ở độ sâu 2 m là đá phiến trắng nên thành phần dinh dưỡng trong đất rất thấp cho nên việc khoan giếng lấy nước cũng khó khăn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước trời và các rạch suối nhỏ chạy qua địa bàn để phục vụ vào tươi tiêu. Năm 2013 giống ổi Đài Loan đã được đem về trồng tại trang trại, sau 1 năm chăm sóc ổi bắt đầu cho trái, bình mỗi cây 35 kg trái/năm, tập trung vào các tháng mùa mưa, còn vào tháng nắng nóng trang trại dưỡng cây. Hiện giá bán ổi tại vườn là 13.000 - 15.000 đồng/kg. Đây được xem là một trong những mô hình kiểu mẫu của xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

4) Mô hình trồng xoài xã Suối Khiết. Xã Suối Kiết huyện Tánh Linh, Bình Thuận có hơn 300 hecta trồng xoài chủ yếu là giống xoài Đài Loan, 3 mùa, hầu hết xoài của các nhà vườn phát triển tốt, năng suất mang lại thu nhập ổn định. Trung bình 1 hecta có thể thu về 10 tấn xoài nếu giá cả ổn định sau khi trừ chi phí có thể mang về trên dưới 50 triệu đồng do đó đời sống kinh tế các hộ gia đình có chuyển biến rõ rệt. Mô hình trồng xoài không chỉ mang lại thu nhập đáng kể cho bà con mang còn giải quyết việc làm tại địa phương.

5) Mô hình nuôi gà của anh Nguyễn Văn Giang. Năm 2013, anh Nguyễn Văn Giang ở thôn 8 xã Đức Tín, huyện Đức Linh mạnh dạn triển khai mô hình nuôi gà với 9.000 con. Mô hình được duy trì trong nhiều năm, nay mang lại hiệu quả ổn định. Gà nuôi là giống gà ta Minh Dư, Huỳnh Đế, Dabacô được mua từ Đồng Nai và các tỉnh phía Bắc. Gà được nuôi tách riêng thành hai chuồng trống mái riêng biệt, một ngày chỉ cho ăn 1 lần, thức ăn chủ yếu là cám tổng hợp và bắp. Sau 3 tháng rưỡi đến 4 tháng gà đạt trọng lượng từ 1,6 kg đến 2 kg thì có thể xuất bán, với giá bán từ 90.000 đ đến 100.000đ một con, sau khi trừ chi phí mỗi tháng gia đình anh thu về trên dưới 10 triệu đồng. Mô hình nuôi gà của hộ anh Nguyễn Văn Giang được chính quyền xã đánh giá cao, trong thời gian tới nếu mô hình tiến triển tốt thì địa phương sẽ tạo điều kiện tập huấn kỹ thuật chăm sóc, khuyến khích nông dân cùng tham gia để nâng cao thu nhập, tận dụng tốt nguồn vốn hỗ trợ để giúp đỡ bà con nhân rộng mô hình, qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

6) Mô hình nuôi dê nhốt của anh Đỗ Kiến Nam. Năm 2012 hộ anh  Đỗ Kiến Nam ở thôn 3 xã Suối Kiết huyện Tánh Linh đã mua gần 100 con dê giống về nuôi, đây cũng là hộ dân đi đầu trong việc nuôi dê nhốt chuồng. Nhờ biết cách chăm sóc, đàn dê của gia đình anh Nam phát triển rất nhanh, mỗi năm dê mẹ đẻ hai lứa, mỗi lứa khoảng 2 đến 3 con, cứ sau 6 tháng anh xuất bán 1 lần, mỗi lần xuất bán từ 50 đến 60 con với giá từ 160 triệu đồng trở lên, như vậy chưa đầy 1 năm thì gia đình anh đã có thể lấy lại vốn. Bình quân mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng từ chăn nuôi dê, nhờ đó kinh tế gia đình anh được nâng lên. Theo anh Nam dê là con vật dễ nuôi, thức ăn chủ yêu từ cây leo rừng có sẵn ở địa phương, người nuôi cần chăm sóc thức ăn, nước uống, vệ sinh chuồng trại thường xuyên là được. So với cách nuôi chăn dắt truyền thống thì việc nuôi nhốt cố định không tốn công chăn giữ, ít bệnh tật, mà hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định. Nuôi dê nhốt chuồng là mô hình mới tại xã Suối Kiết bước đầu mang lại hiệu quả giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

5. Thảo luận và đề xuất giải pháp

Với những thông tin về tình hình khởi nghiệp của Bình Thuận như trên thì chưa đủ để đánh giá, kết luận một cách toàn diện và đầy đủ về kết quả công tác hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và tình hình phát triển khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Bình Thuận nhưng có thể đưa ra một số nhận xét sơ bộ như sau. Thứ nhất, tỉnh Bình Thuận không phải là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ lớn nên có hạn chế nhiều về nền kinh tế kết tụ, về kiến thức và ý tưởng khởi nghiệp. Thứ hai, việc tạo dựng HSTKN với cơ chế hoạt động theo mạng lưới kết nối nhanh nhạy giữa các tác nhân khởi nghiệp là một quá trình đòi hỏi những nỗ lực lớn, liên tục và tinh vi; trong khi đó đây lại là điều hết sức mới mẻ đối với tỉnh nên không thể thực hiện trong một vài năm được. Thứ ba, đặc điểm của các doanh nghiệp ở Bình Thuận là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì có trình độ công nghệ quá cao và mua công nghệ sẵn có ở nước ngoài chứ không cần đến các sáng kiến khởi nghiệp của địa phương, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương, các trang trại, các hộ gia đình và các nhà khởi nghiệp cá nhân, nhóm cá nhân thì lại có kiến thức và kỹ năng công nghệ còn tương đối thấp; điều này cộng thêm những hạn chế rất lớn về vốn đã dẫn tới các sáng kiến khởi nghiệp chủ yếu chỉ tập trung vào những hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc công nghiệp, dịch vụ công nghệ thấp và hầu như không có kết nối gì với các doanh nghiệp lớn.

Trên cơ sở nhận định như trên, bài viết này đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển khởi nghiệp cho tỉnh Bình Thuận như sau:

1) Tiếp tục thông tin tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân về khởi nghiệp ĐMST.

2) Tích cực phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ tham gia vào chuỗi giá trị của các công ty lớn có công nghệ hiện đại, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tác động lan truyền của các công ty này sâu rộng trong HSTKN, từ đó truyền bá thông tin, kiến thức, chất liệu ý tưởng, cảm hứng sáng tạo để tạo phần nền tảng cho việc hình thành ý tưởng khởi nghiệp.

3) Thành lập đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp và cử đội ngũ này đi học tập kinh nghiệm tạo dựng, phát triển HSTKN ở các địa phương dẫn đầu trong nước, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh.

4) Trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các địa phương dẫn đầu trong nước, tiến hành nâng cấp, cải tạo các xưởng thực hành của các cơ sở đào tạo như các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, cao đẳng cộng đồng… thành các vườn ươm khởi nghiệp, cơ sở thúc đẩy khởi nghiệp và không gian làm việc chung.

5) Cần tập trung đầu tư lớn một cách có trọng điểm cho 1 dự án khởi nghiệp thực sự có triển vọng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, giúp cho dự án này thành công rực rỡ để tạo ra tia lửa kích hoạt quyết định đối với phong trào khởi nghiệp của tỉnh.

Từ khóa: khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, Bình Thuận

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Bình Thuận (2019). Giới thiệu tỉnh Bình Thuận: Điều kiện tự nhiên.

https://www.binhthuan.gov.vn/4/469/54238/563858/Dieu-kien-tu-nhen/Dieu-kien-tu-nhien.aspx

  1. BTT (2019). "Điểm mặt" lợi thế, tiềm năng để Bình Thuận cất cánh. Thời báo Ngân hàng BankingPus.

https://thoibaonganhang.vn/diem-mat-loi-the-tiem-nang-de-binh-thuan-cat-canh-91988.html

  1. Website Thituyensinh.ican.vn. Danh sách tất cả các mã trường, mã quận huyện tại tỉnh Bình Thuận.

https://thituyensinh.ican.vn/danh-sach-tat-ca-cac-ma-truong-ma-quan-huyen-tai-tinh-binh-thuan/

  1. Website Trường ĐH Phan Thiết.

http://upt.edu.vn/

  1. Website Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận.

http://btu.edu.vn/

  1. Website Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận.

http://www.cybt.edu.vn/

  1. Website Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận.

http://www.dnbt.edu.vn/

  1. Website Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật CĐ Bình Thuận.

http://www.dncdbt.edu.vn/trang-chu.html

  1. Website Trường Trung cấp Bách khoa Miền Nam.

https://mnc.edu.vn/

  1. Nguyễn Tùng (2016). Toàn tỉnh có 3.113 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 67,82% doanh nghiệp đăng ký thành lập. Trang thông tin điện tử TP. Phan Thiết.

http://phanthiet.gov.vn/bai-viet/toan-tinh-co-3-113-doanh-nghiep-hoat-dong,-chiem-67,82--doanh-nghiep-dang-ky-thanh-lap-10.html

  1. Website Thông tin công ty - doanh nghiệp. Thông tin công ty tại Bình Thuận: Danh sách các công ty và doanh nghiệp Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ tại Bình Thuận.

https://binh-thuan.congtydoanhnghiep.com/nganh-nghe-nghien-cuu-khoa-hoc-va-phat-trien-cong-nghe-trong-linh-vuc-khoa-hoc-ky-thuat-va-cong-nghe

  1. Thư viện Pháp luật. Kế hoạch số 4746/KH-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2017 - 2020.

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/doanh-nghiep/Ke-hoach-4746-KH-UBND-2017-ho-tro-he-sinh-thai-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-Binh-Thuan-369184.aspx

  1. Nguyên Vũ (2017). Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Bình Thuận. Website Du lịch Bình Thuận.

http://www.dulichbinhthuan.com.vn/article/view/khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-trong-doanh-nghiep-binh-thuan-16112017-1634.html

  1. Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận.

https://skhcn.binhthuan.gov.vn/Default.aspx?sid=1321&pageid=32531

  1. Website Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận.

https://thongtinkhcn.binhthuan.gov.vn/

  1. Báo Bình Thuận (2019). Bình Thuận: Hơn 300 ý tưởng dự thi “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp”. Website Hội LHPN Việt Nam.

http://hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/binh-thuan-hon-300-y-tuong-du-thi-ngay-hoi-phu-nu-khoi-nghiep--31306-7.html

  1. Quỳnh Trân (2020). Bình Thuận: Sôi nổi Liên hoan "Tuổi trẻ sáng tạo" năm 2020. Trang thông tin điện tư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

http://doanthanhnien.vn/tin-tuc/tuoi-tre-sang-tao/binh-thuan-soi-noi-lien-hoan-tuoi-tre-sang-tao-nam-2020

  1. Thư viện pháp luật. Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận quy định nội dung và mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ HSTKN đổi mới sáng tạo đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/doanh-nghiep/Nghi-quyet-15-2020-NQ-HDND-muc-chi-De-an-Ho-tro-he-sinh-thai-khoi-nghiep-doi-moi-Binh-Thuan-458013.aspx

  1. Website Tỉnh đoàn Bình Thuận. Trang thông tin thanh niên khởi nghiệp.

http://tinhdoanbinhthuan.vn/thanh-nien-khoi-nghiep.html?start=22


BÀI VIẾT LIÊN QUAN